Cần mạnh dạn hơn với chính sách tỷ giá
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 03:15, 21/07/2017
Thị trường ngoại hối trong nước đã trải qua giai đoạn khá bình yên trong nửa đầu năm nay, dù phải chịu nhiều áp lực trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hai lần tăng lãi suất cơ bản đồng USD cũng như nhập siêu cao quay trở lại. Tuy nhiên, với thực trạng nền kinh tế hiện nay, có lẽ nên xem xét điều chỉnh tỷ giá mạnh hơn để hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu.
Tịnh tiến ổn định
FED đã hai lần tăng lãi suất trong nửa đầu năm nay, với tổng mức tăng khiêm tốn là 0,5% (0,5 - 0,75% thời điểm cuối năm ngoái lên 1 - 1,25%). Dù vậy, đồng USD trên thị trường thế giới chẳng những không đi lên mà còn giảm mạnh so với các đồng tiền chính trong cùng thời gian.
Cụ thể, chỉ số USD Index so với đầu năm đã giảm đến 7,3%. Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ số đo lường sức mạnh đồng bạc xanh tiếp tục giảm mạnh, gần 1%, thấp nhất trong 10 tháng qua.
Xu hướng đi xuống của đồng USD trên thị trường thế giới đã phần nào giúp tỷ giá USD/VND trên thị trường trong nước khá ổn định, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động tăng tỷ giá trong tầm kiểm soát. So với đầu năm, tỷ giá trung tâm NHNN niêm yết tăng khoảng 1,3% và duy trì xu hướng tịnh tiến.
Ngược lại, tỷ giá ngoài thị trường thậm chí còn giảm so với đầu năm. Cụ thể, tỷ giá mua vào của Vietcombank đến ngày 15/7 giảm 0,09% so với đầu năm, trong khi tỷ giá mua vào và bán ra trên thị trường tự do giảm tương ứng là 1,2% và 1,3%, theo đó chênh lệch giá mua vào và bán ra giảm từ mức 40 - 50 đồng xuống chỉ còn quanh 10 đồng/USD, cho thấy cầu ngoại tệ hiện nay ở mức thấp.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là tỷ giá niêm yết mua vào của Sở Giao dịch NHNN có mức tăng mạnh hơn, đến 1,9% so với đầu năm, theo đó đã có ba lần tăng giá mua vào, góp phần giúp NHNN gia tăng dự trữ ngoại hối thêm 1 tỷ USD trong hơn 6 tháng qua, bất chấp cán cân thương mại đang có những dấu hiệu tiêu cực do nhập siêu cao quay trở lại.
>>Ngân hàng Nhà nước giảm 0,25% các mức lãi suất điều hành
Có thể mở rộng chính sách tỷ giá
Với chênh lệch lãi suất tiền gửi VND và USD vẫn duy trì ở mức cao đã giúp tăng nguồn cung USD do một bộ phận dân cư chuyển từ tiền gửi USD sang VND. Chính sách quản lý linh hoạt theo cơ chế tỷ giá trung tâm dựa nhiều hơn vào diễn biến thị trường và sự biến động các đồng tiền của các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam kể từ đầu năm 2016 đã giúp NHNN chủ động ứng phó, điều chỉnh tỷ giá hằng ngày, từ đó triệt tiêu dần động lực đầu cơ tỷ giá.
Dù trên danh nghĩa tiền đồng đã bị mất giá với tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa (NEER) giảm xuống sau các đợt tăng tỷ giá của NHNN, song theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) thì do dòng ngoại tệ lớn đổ vào từ nguồn vốn FDI và thặng dư hối đoái lớn nên tỷ giá thực hiệu lực (REER) vẫn tiếp tục tăng, cụ thể tăng 5% trong năm 2016 và đến 24% kể từ năm 2010.
Đặt trong bối cảnh REER đã tăng mạnh, trong khi áp lực từ đầu tư và đầu cơ tỷ giá đã giảm thì việc điều chỉnh tỷ giá mạnh tay hơn kỳ vọng sẽ không gây bất ổn lên nền kinh tế hiện nay. |
Còn theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), trong 6 tháng đầu năm nay, REER tiếp tục tăng thêm 2,7%. Điều này cho thấy thực tế VND đã tiếp tục lên giá so với USD trong giai đoạn vừa qua, hệ quả là khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước bị suy giảm, gây ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã nhập siêu 2,78 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, nếu so với con số xuất siêu 1,29 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016 thì kết quả thâm hụt cán cân thương mại nửa đầu năm là rất tiêu cực. Cũng theo Tổng cục Thống kê, chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 7,01 điểm phần trăm của mức tăng trưởng kinh tế chung 6 tháng đầu năm nay, trong khi cùng kỳ chỉ làm giảm 2,22 điểm phần trăm.
Vì vậy, tỷ giá có lẽ nên xem xét điều chỉnh mạnh hơn để hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu, giúp phần nào hạn chế nhập siêu, từ đó góp phần vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh cần phải đạt được mục tiêu tăng GDP 6,7% mà Chính phủ đề ra. Đặt trong bối cảnh REER đã tăng mạnh, trong khi áp lực từ đầu tư và đầu cơ tỷ giá đã giảm thì việc điều chỉnh tỷ giá mạnh tay hơn kỳ vọng sẽ không gây bất ổn lên nền kinh tế hiện nay.
NHNN cũng cần lợi dụng chỉ số giá tiêu dùng đang giảm nhiệt để tranh thủ điều chỉnh tỷ giá mà không sợ gây áp lực lên lạm phát. Theo dự báo của NFSC thì từ nay đến cuối năm, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm do giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống ổn định, do đó lạm phát bình quân năm 2017 có thể ở mức 2,4%, còn cách khá xa so với mục tiêu 4% đề ra cho năm nay. Trong khi đó, nghiên cứu của NFSC cũng cho biết nếu tỷ giá USD/VND tăng 1% sẽ làm lạm phát tăng 0,17 điểm phần trăm.
Với sức ép từ cầu ngoại tệ có thể tăng cao trong thời gian còn lại của năm nay, cũng như khả năng đồng USD sẽ phục hồi trở lại trên thị trường quốc tế, thì tỷ giá trong nước chịu nhiều áp lực là điều tất yếu, nhất là khi FED theo kế hoạch sẽ còn thêm một lần tăng lãi suất trong năm nay và khả năng sẽ diễn ra trong cuộc họp tháng 9 hoặc tháng 12.
Do đó, việc nương theo diễn biến thị trường và điều chỉnh tỷ giá mạnh tay hơn nên được xem xét. Theo hầu hết các chuyên gia thì tỷ giá trung tâm có thể tăng 2% trong năm nay, tuy nhiên theo người viết bài này thì mức điều chỉnh từ 3 - 4% hoặc thậm chí cao hơn nếu thị trường biến động mạnh là điều vẫn có thể chấp nhận được.
Trở ngại lớn nhất hiện tại của việc phá giá tiền đồng là trong bối cảnh tăng trưởng nếu không đạt kế hoạch đề ra, thì nếu phá giá mạnh có thể đẩy nợ nước ngoài tăng lên khiến tỷ lệ về nợ công, nợ nước ngoài so với GDP có thể chạm ngưỡng rủi ro.
>>Vì sao Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất?