Doanh nghiệp da giày trước cơ hội mới

Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 04:32, 26/07/2017

Ngành da giày Việt Nam đặt mục tiêu đạt 18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2017, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2016
Doanh nghiệp da giày trước cơ hội mới

Dù rất kỳ vọng vào sự chuyển hướng của các đơn hàng giày dép - túi xách từ Trung Quốc vào Việt Nam sau khi quốc gia này chủ trương giảm ưu đãi đầu tư vào dệt may, da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao, song thực tế thời gian qua không phải doanh nghiệp (DN) Việt nào cũng có cơ hội tiếp cận đơn hàng mới. 

Đọc E-paper

Ngành da giày Việt Nam đặt mục tiêu đạt 18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2017, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2016. Vừa qua, theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành đã đạt 8,8 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ.

Trong đó, xuất khẩu giày dép ước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 12%, và xuất khẩu túi xách ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 4%. LEFASO cũng cho biết thêm, tiếp tục xu hướng năm 2016, khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang ngày càng nâng cao công suất nhà máy hiện có, đồng thời tiếp tục xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam, đón đầu lộ trình giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đơn hàng lớn về đâu?

Từ 1/1/2016, thuế quan trong khu vực ASEAN đã giảm về mức 0% đối với giày dép, túi xách lưu thông nội khối AEC. Các quốc gia và lãnh thổ ở Đông Á, châu Đại Dương như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Úc, New Zealand..., những thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ, EU, đang được ghi nhận tiếp tục tăng trưởng song hành cùng các FTA giữa Việt Nam với khu vực ASEAN, cũng như giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Điều này đã mở ra cơ hội kinh doanh cho các DN ngành da giày đang trú đóng tại thị trường Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 10% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, ở thị trường châu Âu, DN khối FDI tại Việt Nam còn kỳ vọng vào FTA Việt Nam - EAEU (gồm Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) có hiệu lực từ ngày 5/10/2016 và FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2018.

Theo báo cáo từ LEFASO, Việt Nam đã xuất khẩu giày dép sang khoảng 100 quốc gia trên thế giới. Trong đó, 72 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 1.989 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 35,5% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại. EU được ghi nhận là thị trường lớn thứ 2 khi đạt 1.760 triệu USD. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lần lượt là những thị trường xếp thứ 3, 4 và 5 trong top các thị trường xuất khẩu giày dép lớn của Việt Nam.

Với sự chuẩn bị bài bản về năng lực sản xuất lẫn tài chính, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu của khối DN FDI đã chiếm tỷ trọng 81,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong đó, giày dép chiếm tỷ trọng 81,2% và túi xách là 81,5%. Tỷ lệ xuất khẩu cho thấy khoảng cách giữa các DN FDI và DN nội địa ngành da giày đang ngày càng lớn dần.

Nếu như mấy năm trước kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI chiếm tỷ lệ 75%, thì từ năm 2016 tỷ lệ này đã nâng lên mức 80,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Điều này cho thấy áp lực gia công đang ngày càng lớn đối với các DN sản xuất giày dép - túi xách Việt Nam.

Nói về vấn đề đơn hàng, ông Hà Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Đông Hưng Group, đơn vị có hơn 20 năm thực hiện đơn hàng cho các hãng giày lớn trên thế giới, chia sẻ, về cơ bản, đa số đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ được phân bổ cho những DN "chân rết" có vốn đầu tư của Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc ở Việt Nam, nên rất ít DN Việt tiếp cận được đơn hàng.

Ông Hưng cho biết, việc khó tiếp cận đơn hàng của các DN nước ngoài còn được phân định theo hai hướng. Một là, do DN sản xuất giày dép Việt Nam phần đông là DN nhỏ, năng lực sản xuất yếu, nên dù đơn hàng có cũng không tiếp cận được. Hai là, dù có đơn hàng thì mức giá đặt hàng cũng khá thấp, trong khi nhà đầu tư đòi hỏi chất lượng phải cao. Thế nên dù có năng lực, DN Việt cũng khó có đơn hàng.

>>Doanh nghiệp sản xuất giày dép: Mất mối giữa chợ!

Doanh nghiệp Việt chật vật ở thị trường lớn

Các chuyên gia nhận định, kinh tế thế giới năm 2017 sẽ khởi sắc hơn so với năm 2016, kéo theo xuất khẩu của ngành da giày sang các thị trường Đông Á, châu Đại Dương và Bắc Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Ngoài ra, các thị trường Tây Nam Á, Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi... cũng được ghi nhận có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Song, vấn đề cần quan tâm là sẽ có bao nhiêu DN Việt lấn sân và phát triển trực tiếp sang các thị trường này?

Theo ghi nhận chung từ LEFASO, các DN Việt cho hay, dù các FTA được xem là cánh cửa mở cho sự giao thương của ngành da giày Việt Nam, nhưng thực tế họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn về phương thức thanh toán, chi phí vận tải, cũng như rất thiếu thông tin về thị trường. Điều này trở thành những rào cản cần được tháo gỡ để DN có thể xúc tiến xuất khẩu.

Những quốc gia trong khu vực ASEAN có tham gia sản xuất giày dép như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Campuchia, Myanmar... hiện cũng đang cạnh tranh với Việt Nam ở thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa sau khi mức thuế nhập khẩu về 0%. Thực trạng này cho thấy DN Việt sản xuất giày dép cần được hỗ trợ để có thể đứng vững trên thương trường.

Tin vui là mới đây, Thương vụ Ý (ITA), Hiệp hội Quốc gia Các nhà sản xuất thiết bị và công nghệ cho ngành da giày Ý (ASSOMAC) cùng với LEFASO chính thức khai trương Trung tâm Công nghệ giày Việt - Ý tại Bình Dương. Sự hợp tác này được thực hiện thông qua thỏa thuận ký kết hợp tác, gia hạn theo từng năm. Dự án nhằm mục đích cải thiện khả năng và đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp da giày Việt Nam.

Nói về việc ra đời Trung tâm Công nghệ giày Việt - Ý, ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch LEFASO cho biết, ngành da giày Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng cường quan hệ thương mại với Ý nói riêng và thị trường Liên minh Châu Âu (EU) nói chung. Hơn nữa, Ý là trung tâm thời trang của thế giới, việc mở rộng quan hệ thương mại Việt - Ý trong lĩnh vực da giày là rất cần thiết. Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm da giày sang Ý đạt kim ngạch hơn 380 triệu USD, chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU.

Theo đó, với sự hợp tác của Thương vụ Ý, ASSOMAC và các đối tác, LEFASO thành lập Trung tâm Công nghệ giày Việt - Ý nhằm góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm da giày Việt Nam, đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật cao, ứng dụng máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực thiết kế, sản xuất giày dép của Việt Nam, tạo sức cạnh tranh mang tầm quốc tế. Theo ông Kiệt, điều này sẽ giúp các DN nhỏ và vừa của ngành da giày Việt Nam có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới với chất lượng cao trong thời gian tới.

>>Thị trường ba lô, túi xách: Đón cơ hội "dịch chuyển đơn hàng"

DUY KHUÊ