Dunkirk từ trận địa đến màn ảnh lớn
Sách hay - Ngày đăng : 06:49, 27/07/2017
"Phim chiến tranh bắn súng đùng đùng mà sao mắt mình cứ ướt ướt. Chắc do mình con nhà lính nên xót thương cho thân phận người lính". Nhận định của một khán giả nữ sau khi xem phim Dunkirk của Christopher Nolan mô tả trận di tản kinh hoàng kéo dài 9 ngày tại Dunkirk (tiếng Anh, Dunkerque trong tiếng Pháp) ở miền đông bắc nước Pháp cách nay 77 năm.
Đọc E-paper
Dunkirk của Christopher Nolan - nhà làm phim mang 2 dòng máu Anh - Mỹ, đã được yêu thích và nể trọng từ khi anh trình làng phim hình sự Memento cách nay 17 năm. Đạo diễn nỗ lực thuật lại cách thật nhất có thể về một biến cố hằn sâu trong lịch sử nước Anh. Đó là cuộc di tản của đoàn quân viễn chinh Anh (British Expeditionary Force) khỏi nước Pháp vào những ngày cuối trước khi Pháp phải ký đình chiến với Đức (ngày 25/6/1940).
Từ tháng 9/1939, áp dụng chiến thuật Blitzkrieg có phối hợp với lính dù, các sư đoàn thiết giáp panzer của quân đội Đức đã tấn công như vũ bão, nhanh chóng chọc thủng các phòng tuyến rồi tràn vào các nước Ba Lan, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, miền đông bắc nước Pháp. Khoảng 400.000 binh lính Anh, Pháp và Bỉ bị bao vây, lối thoát duy nhất là bãi biễn ở Dunkirk. Nhưng trước mặt họ là lính Đức, sau lưng họ là biển, dưới biển là tàu ngầm U-boat của hải quân Đức Kriegsmarine. Và trên đầu họ cũng toàn là máy bay của không quân Đức Luftwaffe.
Phim Dunkirk cho thấy những người lính Anh còn rất trẻ nhìn lên trời với ánh mắt đầy sợ hãi. Họ sợ Stukas - những chiếc máy bay bổ nhào Junker JU-87 vừa ném bom vừa rúc còi hụ đinh tai nhức óc.
Thực tế đã là như thế, những năm đầu của cuộc đại chiến thế giới kinh khủng ấy, máy bay Stuka là vũ khí sát thương đáng ngại nhất của quân Đức. Sử sách ghi lại rằng, riêng ở trận Dunkirk, các phi đội Stuka của Luftwaffe đã ném bom đánh chìm rất nhiều tàu chiến, tàu phá mìn, tàu vận tải và tàu cứu thương của Anh và Pháp. Hải quân Hoàng gia Anh tung vào trận Dunkirk 40 khu trục hạm thì có đến 8 chiếc bị Stuka đánh chìm và 23 chiếc bị hư hại nặng.
Phim Dunkirk lại cho chúng ta thấy cảnh người lính Anh căm hận hét to, "Máy bay của ta đâu!?". Và chúng đã xuất hiện. Đó là những chiếc chiến đấu cơ Hurricane và Supermarine Spitfire gắn động cơ cánh quạt Rolls-Royce, trang bị 4 khẩu đại bác 20mm, 2 vũ khí tối thượng của Không lực Hoàng gia Anh (RAF) đánh trả lại các chiếc Stuka, chiến đấu cơ Messerschmitt BF 109 và máy bay ném bom Heinkel của Luftwaffe mà khán giả cũng đã thấy trong phim.
Nhập vai 2 phi công RAF lái Spitfire trong phim là Tom Hardy và Jack Lowden. Ở trận Dunkirk, RAF thực hiện 3.500 phi vụ, bắn rơi 240 máy bay Đức và bị thiệt mất 177 chiếc.
"Thủy lôi!", tiếng thét báo động vang lên. Nhưng đã quá chậm. Thủy lôi bắn ra từ những chiếc U-Boat Đức đã góp phần làm cho nhiều tàu chiến, tàu chở quân của Anh tan tành chìm sâu vào lòng biển Bắc. Bao nhiều binh lính Anh, Pháp, Canada đã mất xác cùng những con tàu này.
Phim Dunkirk còn mô tả một chuyện rất thật mà khán giả nào không rõ chuyện lịch sử thời trước có thể lầm tưởng là tình tiết hư cấu của tác giả kịch bản và đạo diễn Nolan. Đã có rất nhiều lính Anh, lính Pháp được cứu vớt khỏi Dunkirk không chỉ nhờ những chiếc khu trục hạm của Hải quân Anh mà còn nhờ vô số chiếc thuyền nhỏ của các gia đình Anh sinh sống ven bờ biển Manche.
Trong tổng số 933 tàu thuyền được điều động vào cuộc di tản thì có khoảng 700 chiếc là thuyền nhỏ của tư nhân. Điều đáng nể là chiếc thuyền cánh quạt hơi nước Medway Queen đã thực hiện đến 7 chuyến khứ hồi, cứu được 7.000 lính Anh. Trong 9 ngày di tản đã có 235 chiếc thuyền nhỏ chở khoảng 5.000 binh sĩ bị trúng đạn máy bay Đức, tan nát trên biển.
>>Christopher Nolan – Giấc mơ vũ trụ
Cuộc di tản khỏi Dunkirk là một thảm họa lớn trong lịch sử quân đội Anh nhưng đó lại là sự thất bại cần thiết. Nhờ rút khỏi Dunkirk trở về mà Anh còn quân lính để tiếp tục những trận đánh khác những năm sau đó tại mặt trận phía bắc châu Phi rồi trở thành thành phần quan trọng trong lực lượng đồng minh đổ bộ lên Normandie, Pháp, bắt đầu cho chiến dịch giải thoát châu Âu khỏi sự chiếm đóng của quân Đức. Bình minh ngày 6/6/1945, trong số 8 sư đoàn lính đồng minh đầu tiên tham gia cuộc đổ bộ là 3 sư đoàn lính Anh (2 dù và 1 bộ binh).
Nhưng vào ngày 4/6/1940, khi các chiếc thuyền buồm đã khuất xa khỏi Dunkirk, chiến dịch di tản mang tên Dynamo chính thức kết thúc, cứu được 338.226 quân thì vẫn còn khoảng 40.000 binh sĩ Anh và 40.000 binh sĩ Pháp bị kẹt lại. Chiến đấu chống lính Đức trong các đường phố ở Dunkirk và vùng phụ cận, họ đã can đảm cầm cự tới giờ phút cuối để các đồng đội ra được bãi biển, lên thuyền trở về nhà. Tất cả trở thành tù binh chiến tranh, một số bị sát hại, số khác chết vì vết thương, tra tấn, hành hạ, bỏ đói. Ngày 4/6 ấy cũng là thời khắc ông Winston Churchill lên tiếng nung nấu tinh thần chiến đấu bất khuất của dân tộc Anh. "Chúng ta sẽ chiến đấu trên bãi biển, chiến đấu ngay trên bãi đổ bộ, trên những ngọn đồi. Chúng ta sẽ không đầu hàng". Ngày nay, người dân đảo quốc vẫn nói đến "Phép lạ Dunkirk" và mô tả tính cách kiên cường của mình là "Tinh thần Dunkirk".
Còn Dunkirk của Christopher Nolan chắc chắn sẽ được nhắc đến là một tuyệt tác mới trong số phim về Thế chiến II. Các vai chàng lính Anh trẻ măng suýt chết chìm, chàng lính Anh hãi hùng không muốn trở lại Dunkirk, người chủ chiếc thuyền buồm gan dạ, viên sĩ quan Hải quân Anh... được thể hiện rất đạt, rất thật bởi Harry Styles (nghệ sĩ nhạc pop rock đang nổi), Cilian Murphy, Mark Rylance và Kenneth Branagh.