Quy hoạch bán đảo Sơn Trà: Khống chế mật độ xây dựng tối đa 5%
Du lịch - Ngày đăng : 03:30, 27/07/2017
Việc quy hoạch các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng đang dấy lên nhiều tranh cãi. Liên quan đến vấn đề này, TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch Công ty NgoViet Architects & Planner - người có 30 năm kinh nghiệm về quy hoạch đô thị, thiết kế và giảng dạy kiến trúc đã có những chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn.
Đọc E-paper
* Ở một số quốc gia phát triển, quy trình quy hoạch những khu vực có di tích hay khu bảo tồn thiên nhiên thành các khu phức hợp đô thị, du lịch sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Đối với những khu vực được công nhận là di tích hay bảo tồn thiên nhiên thì nhiệm vụ quan trọng của quy hoạch là ưu tiên gìn giữ, bảo tồn, không thể có chuyện quy hoạch phát triển khu dân cư, khu du lịch xen kẽ rồi bảo tồn đi sau. Với bán đảo Sơn Trà hay bất kỳ khu vực nào được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên, việc viện dẫn những lý do như để khai thác hiệu quả du lịch, thúc đẩy kinh tế địa phương mà cho xây dựng cơ sở lưu trú, khu du lịch là không đúng. Việc xây dựng ngay trong khu vực bảo tồn sẽ dần phá vỡ hiện trạng tự nhiên vốn có của nó.
Ở các nước phát triển, nơi nào thiên nhiên đẹp, hoang sơ thì họ bảo tồn, còn việc xây khách sạn, khu nghỉ dưỡng thì chọn địa điểm gần đó, sử dụng xe buýt vận chuyển khách từ nơi lưu trú đến tham quan khu bảo tồn. Như đảo Saint Michel ở Pháp, nơi không chỉ có cảnh đẹp thiên nhiên, thủy triều ở đây cũng rất độc đáo, khi thủy triều xuống sẽ hình thành nên lối đi, du khách có thể men theo đó vào tham quan đảo.
Để bảo tồn, Chính phủ Pháp cấm xây dựng tại các khu du lịch trên đảo. Các bãi đỗ xe đưa rước khách cũng được xây dựng cách đó vài km nhằm tránh làm ảnh hưởng đến nét hoang sơ của hòn đảo.
* Đối với bán đảo Sơn Trà, nơi có hơn 4.000ha được công nhận là khu vực bảo tồn thiên nhiên thì việc phát triển khoảng 1.600 phòng lưu trú như quy hoạch, theo quan điểm của ông sẽ tác động như thế nào đến hiện trạng tự nhiên ở đây?
- Đà Nẵng không thiếu quỹ đất để phát triển phòng lưu trú, thậm chí có thể phát triển đến 5.000 phòng bằng cách xây nhà cao tầng ở những khu vực khác. Từ đây, du khách đi xe vào bán đảo Sơn Trà để tham quan hệ động thực vật đa dạng, giá trị du lịch nằm ở sự hoang sơ vốn có của tự nhiên. Việc xây dựng bán đảo Sơn Trà thành khu bảo tồn thiên nhiên đem lại lợi ích gấp hàng nghìn lần so với việc phát triển các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch.
Tại nhiều quốc gia, họ rất cẩn trọng trong vấn đề quy hoạch, thu hút đầu tư, họ cũng chú ý phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách địa phương nhưng trên hết là sự bền vững về môi trường sinh thái. Như ở ven biển Vancouver (Canada), tuy là những khu đô thị sầm uất nhưng họ vẫn dành hẳn một khu vực khá lớn để bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.
* Để đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, theo ông, mật độ xây dựng trên bán đảo Sơn Trà khống chế với tỷ lệ bao nhiêu là phù hợp?
- Tối đa là 5%. Quan trọng là không được hình thành vành đai xây dựng bao bọc xung quanh đảo. Nếu có, các công trình xây dựng chỉ được tập trung ở một khu vực nhỏ của bán đảo, nhìn về phía TP. Đà Nẵng.
Trong số 5% này không chỉ bao gồm công trình du lịch, mà còn là những công trình hạ tầng phục vụ ban quản lý rừng, đội ngũ làm công tác bảo tồn thiên nhiên, cũng như một số công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của du khách khi đến Sơn Trà tham quan, khám phá.
Còn như tình hình hiện nay của bán đảo, việc xây dựng, đặc biệt là resort hay các khu lưu trú nên ngừng tăng thêm mật độ, nếu có tăng thêm thì chỉ những công trình với kết cấu nhẹ như gỗ, mây, tre, lá thay vì xây kiên cố.
* Tại một vài nước, thông qua đấu thầu, thường là một doanh nghiệp lớn được chọn để phát triển du lịch ở các đảo, bán đảo. Với bán đảo Sơn Trà, theo ông thì nên như thế nào?
- Việc cấp phép cho một hay nhiều doanh nghiệp tư nhân xây dựng cơ sở lưu trú, du lịch trong khu vực bảo tồn thiên nhiên là không phù hợp. Trong trường hợp của Sơn Trà, các cơ quan quản lý nhà nước phải điều phối việc phát triển du lịch trên cơ sở bảo vệ tối đa môi trường tự nhiên và dứt khoát không bàn chuyện cấp phép, triển khai dự án nữa. Đây mới thực chất là hướng đi bền vững.
Ở nhiều nước phát triển, ngay từ công đoạn quy hoạch các khu vực đặc thù như bán đảo Sơn Trà chẳng hạn, các cơ quan có chức năng phải lấy ý kiến đóng góp của người dân, nếu không có sự đồng thuận, mọi dự án khó được triển khai.
* Cám ơn những chia sẻ của ông!
Ngày 21/7 vừa qua, Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng và Viện Sinh thái học Miền Nam (Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam) đã gửi thư kiến nghị lên Thủ tướng đề xuất hướng bảo vệ bán đảo Sơn Trà. Cơ sở gửi thư kiến nghị xuất phát từ hội thảo khoa học về Sơn Trà ngày 15/7, với sự tham gia của khoảng 180 nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, rừng, xây dựng. Các đại biểu tham dự hội thảo đã nhất trí gửi kiến nghị đến các cơ quan Trung ương và chính quyền TP. Đà Nẵng nhằm bảo vệ hệ sinh thái trên bán đảo Sơn Trà. Theo thư kiến nghị, các tài liệu khoa học tại hội thảo khoa học ngày 15/7 về Sơn Trà đã chứng minh bán đảo Sơn Trà là vùng sinh thái đặc thù, với ít nhất 1.010 loài thực vật, 370 loài động vật, trong đó có những loài rất quý hiếm như voọc chà vá chân nâu. Khoảng 10 năm trở lại đây, diện tích và chất lượng rạn san hô ở vùng biển ven bờ Sơn Trà bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi thậm chí biến mất. Nguyên nhân là do việc lấn biển, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển vùng ven bờ, sự lắng đọng trầm tích và khai thác nguồn lợi hải sản quá mức, rác thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường từ các nhà hàng, hoạt động du lịch. Các nhà khoa học đề nghị tháo bỏ ngay 40 móng biệt thự xây trái phép do Công ty CP Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư. Bán đảo Sơn Trà nằm cách trung tâm TP. Đà Nẵng khoảng 10km về phía Đông Bắc, rộng 4.400ha, là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam. Trước năm 2013, Đà Nẵng cấp phép cho 18 dự án với khoảng 5.000 phòng lưu trú. Tháng 11/2016, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà với số phòng giảm còn 1.600. Song, sau khi công bố quy hoạch, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng gửi kiến nghị đến Thủ tướng bày tỏ lo ngại Sơn Trà sẽ bị bê tông hóa bởi các công trình du lịch, đồng thời kiến nghị xem xét lại bản quy hoạch theo hướng giữ nguyên hiện trạng (với khoảng 300 phòng hiện hữu). |