Giải pháp nâng cấp khả năng công nghệ cho doanh nghiệp
Nguồn nhân lực - Ngày đăng : 06:04, 01/08/2017
Để có được công nghệ phục vụ cho mục đích duy trì lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp (DN) có thể tự phát triển khả năng công nghệ thông qua tự nghiên cứu. Tuy nhiên, còn có một hình thức rất hiệu quả mà các công ty yếu thế về công nghệ có thể áp dụng là học hỏi từ các đàn anh đi trước hoặc thông qua các liên minh chiến lược.
Liên minh sản xuất
Hình thức liên minh chiến lược đầu tiên là liên minh sản xuất. Chẳng hạn, tại Nhật Bản, Matsushita đã sản xuất máy tính IBM bằng cách sử dụng khả năng sản xuất dư thừa. Volvo và Renault cũng chia sẻ những linh kiện quan trọng trong chiến lược liên doanh sản xuất của mình. Những động cơ của Saab cũng được sản xuất tại nhà máy Opel của GM châu Âu (một liên minh trong đó GM mua lại 50% cổ phiếu của Saab).
Rất khó phân biệt hình thức liên minh này với hình thức sản xuất thiết bị nguồn (OEM). Theo đó, nhà sản xuất theo hình thức OEM có thể bán sản phẩm không có thương hiệu cho nhiều khách hàng khác nhau. Trái lại, liên minh sản xuất sẽ bao gồm thương hiệu của cả hai đối tác với khả năng trong việc sản xuất linh phụ kiện; hợp đồng nhà thầu phụ là trường hợp sắp xếp đặc biệt cho cả hai đối tác.
Hình thức liên minh này nhằm mục đích tận dụng lợi thế kinh tế hơn là để học hỏi khả năng công nghệ và cũng là hình thức khá tiện lợi, tiết kiệm được chi phí do có thể tối đa hóa công suất dư thừa của DN đối tác cũng như không phải đầu tư vào nhà máy và trang thiết bị mới. Tuy nhiên, hình thức liên minh này cũng có những nhược điểm bởi vì hệ thống quản trị DN sẽ phải làm việc với cả hai bên đối tác khác nhau trong quá trình sản xuất; đồng thời cũng lại giới hạn trong việc thúc đẩy quá trình học hỏi so với hai hình thức liên minh còn lại do mục tiêu ban đầu là tận dụng khả năng dư thừa lẫn nhau hơn là chủ động học hỏi.
Liên minh cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)
Liên minh chiến lược để thực hiện hoạt động R&D tương đối khác biệt so với hình thức liên minh sản xuất. Bên cạnh mục tiêu cung cấp những lợi thế kinh tế, tốc độ tiếp cận và nguồn lực quản trị, hình thức liên minh R&D đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của DN. Hình thức liên minh với các đối thủ cạnh tranh nhằm mục tiêu để không bị đối thủ bỏ xa, đồng thời đảm bảo đối thủ cũng hoạt động theo những tiêu chuẩn công nghệ đồng nhất trên thị trường nhằm tiêu chuẩn hóa quy trình hoạt động và thiết bị.
Với thực tế hoạt động R&D ngày càng sôi động, thị trường cũng chứng kiến sự ra đời của nhiều sản phẩm mới. Điều này sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường. Để đối phó với môi trường cạnh tranh không ngừng thay đổi, DN buộc phải tăng cường hoạt động R&D, nếu không sẽ mất lợi thế cạnh tranh dựa vào công nghệ. Những liên minh chiến lược để thực hiện hoạt động R&D sẽ tạo ra con đường để duy trì lợi thế cạnh tranh và giúp giảm bớt áp lực tài chính cho DN.
Hơn thế nữa, tại nhiều thị trường, sản phẩm phải tích hợp những công nghệ mới để thu hút khách hàng. Chẳng hạn, với trường hợp của Saab, trong khi ô tô của hãng này có được lợi thế cạnh tranh đặc biệt thông qua những chiếc xe có hình dạng khí động học, thì túi khí, động cơ turbo 16 valve cũng đã có những tiêu chuẩn chung. Chính quy tắc về việc tiêu chuẩn hóa các thiết bị trong sản phẩm mới đã tạo ra tiền đề cho sự tham gia trên phạm vi toàn cầu ở nhiều ngành công nghiệp và thúc đẩy hoạt động liên minh chiến lược trong khâu R&D.
Liên doanh
Mặc dù đây là hình thức liên minh có nhiều ưu điểm, nhưng nhiều DN vẫn không sẵn sàng tham gia các hoạt động liên doanh này, ngoại trừ có sự bắt buộc hoặc khuyến khích từ chính phủ. Hình thức liên doanh chiến lược bao gồm chuyển giao nguồn vốn, nguồn nhân lực, và quan trọng hơn cả là khả năng công nghệ từ những đối tác nước ngoài sang một DN địa phương đang tồn tại (đổi lại, DN nội địa này sẽ cung cấp khả năng am hiểu thị trường và một số khả năng có thể bổ sung cho DN nước ngoài).
Chuyển giao công nghệ là vấn đề quan trọng cho cả đối tác nước ngoài lẫn trong nước. Bởi vì hình thức liên doanh này được hình thành trên cơ sở nguồn vốn hoạt động được chia sẻ giữa những đối tác, nên sẽ có những rủi ro khi khả năng công nghệ (cũng được xem là lợi thế cạnh tranh của DN) sẽ bị hao mòn vì phải chia sẻ những thông tin quan trọng cho đối tác. Có thể lấy ví dụ là trường hợp các công ty Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc liên doanh với các công ty hàng đầu châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Khi liên doanh, các công ty chủ nhà sẽ tận dụng cơ hội để học hỏi công nghệ từ đối tác và dần nâng cấp mình lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhìn chung, hoạt động liên minh là một quá trình không tự nhiên và hình thành trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, đặc biệt là hình thức liên doanh. Do vậy, cần có khung pháp lý rõ ràng nhằm thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau. Chẳng hạn có thể khuyến khích hoạt động liên minh để giúp công ty yếu thế hơn trở thành đối tác, nhà cung cấp và bổ sung lợi thế cạnh tranh cho DN ngoại hơn là trở thành đối thủ tiềm tàng của DN đối tác. Tuy nhiên, cũng cần có các chính sách và quy định nhằm thúc đẩy và ngay cả bắt buộc phải có liên minh và liên doanh giữa DN ngoại và DN nội tại một số ngành như là yêu cầu tham gia thị trường nhằm tạo cơ hội cho các công ty nội địa học hỏi từ các công ty tiên tiến hơn.