Nước Mỹ rối chuyện nhà

Quốc tế - Ngày đăng : 06:58, 02/08/2017

Một loạt các vụ khẩu chiến lùm xùm gần đây khiến làng chính trị Mỹ nổi sóng. Tất cả đều ít nhiều liên quan tới Anthony Scaramucci...
Nước Mỹ rối chuyện nhà

Một loạt các vụ khẩu chiến lùm xùm gần đây khiến làng chính trị Mỹ nổi sóng. Tất cả đều ít nhiều liên quan tới Anthony Scaramucci... 

Đọc E-paper

Ngày 21/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có quyết định quan trọng khi bổ nhiệm ông Scaramucci làm Giám đốc truyền thông Nhà Trắng. Cũng ngay hôm ấy, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer từ chức, và khởi đầu cho hàng loạt sự kiện - phát ngôn khiến chính trường Mỹ "rối như canh hẹ”.

"Ngôi sao" của ông Trump

Năm nay 53 tuổi, là một nhà tài chính từng làm việc ở Ngân hàng Goldman Sachs và có tầm ảnh hưởng ở đài truyền hình Fox, Scaramucci được báo chí nhận xét là một "người bạn hoàn hảo" của Tổng thống Trump.

Trong bản tin về việc bổ nhiệm Scaramucci, hãng Reuters nhận xét rằng chính quyền ông Trump đang muốn cải thiện hình ảnh, giữa bối cảnh riêng Tổng thống Mỹ thôi đã là một nhân vật hục hặc với truyền thông trong nước.

Nhưng ông Scaramucci đã làm được gì tính đến nay? Ông ta đang hành xử giống như... ông Trump. Một cú điện thoại đến báo The New Yorker coi như "dằn mặt" phóng viên, và tuôn cả tràng lời lẽ không hay ho, sử dụng tính từ rất mạnh dành cho Steve Bannon (Giám đốc chiến lược trong chính quyền ông Trump), và Reince Priebus (Chánh văn phòng Nhà Trắng).

Báo Anh The Guardian mô tả cách hành xử của Scaramucci là điểm chứng minh cho tính cách không cần kỷ luật, bất quy tắc, thích xới tung vấn đề, và trên hết là "yêu mến hình ảnh của riêng mình trên TV".

Trong cách xử lý vấn đề cũng thế. Ông Scaramucci sẽ sa thải một trong những cấp dưới của mình để dạy cho số còn lại một bài học. Và trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Fox News Sunday, ông tuyên bố nhiệm vụ đầu tiên của mình là ngăn chặn thông tin rò rỉ, và ai rò rỉ thông tin cũng sẽ bị sa thải. Người dính với những cáo buộc "rò rỉ” như vậy chính là Priebus!

Đối diện với báo chí, Scaramucci cũng không ngần ngại lên chương trình Face the Nation của đài CBS để "chỉ mặt, đặt tên" các cơ quan tin tức chuyên đưa tin xấu về Tổng thống Trump. Theo đó, vị giám đốc này cho rằng CNN, Washington PostNew York Times toàn bịa đặt, sử dụng "một nguồn tin giấu tên" nhưng thực ra chẳng có nguồn tin nào cả.

>> Donald Trump và "cuộc chiến" với Trung Quốc

Nguy cơ căng thẳng kéo dài

Trong tuyên bố rời nhiệm vụ, ông Spicer tỏ ra thông cảm với chính quyền Tổng thống Trump, nhưng giới thạo tin ở Mỹ thì đoan chắc cựu thư ký báo chí Nhà Trắng này ra đi vì ông Scaramucci. Và báo chí Mỹ cũng đoan chắc luôn: sự có mặt của Scaramucci chỉ làm tình hình rối thêm mà thôi.

Suy đoán ấy nổ ra khi người ta hiểu rằng, Priebus là Chánh văn phòng nhưng không nhiều thực quyền, và bản thân cũng như Spircer - ông không ưa Scaramucci. Nhưng vấn đề ở chỗ, có vẻ như ông Trump đang thực sự mạnh tay khi chọn Scaramucci, và đồng nghĩa rất có thể số phận của Priebus và nhiều nhân vật khác trong chính quyền đang đếm ngược. The Washington Post tuần trước nhận định rằng Spicer sẽ không phải người cuối cùng phải rời khỏi bộ máy của Tổng thống Trump.

Trong một diễn biến kịch tính, ngày 28/7 qua, Tổng thống Trump thông báo đã bổ nhiệm Bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly giữ ghế Chánh văn phòng Nhà Trắng thay cho ông Reince Priebus.

Như vậy Priebus đã chính thức gia nhập đội ngũ gồm hàng chục nhân vật cấp cao trong chính quyền cho tới trụ cột của đội ngũ tranh cử của ông Trump đã ra đi tính đến nay, bao gồm: James Comey, Preet Bharara, Michael Flynn, Paul Manafort, Corey Lewandowski, Carter Page, Mike Dubke, Monica Crowley, Mark Corallo, Marc Kasowitz và Spicer.

Và hiện nay, ba người nổi bật đang được chú ý là: Ngoại trưởng Rex Tillerson, người đã ít nhất hai lần mâu thuẫn với Tổng thống Trump trong vấn đề Qatar và lệnh trừng phạt Nga; Jeff Sessions - Bộ trưởng Tư pháp vừa bị ông Trump bất ngờ chê tơi tả trong cuộc phỏng vấn với The New York Times; và Robert Mueller, người đang đứng đầu cuộc điều tra độc lập nhắm vào nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Cho đến nay, ông Tillerson và ông Sessions đều... cam kết tương lai, bất chấp ngờ vực vây quanh họ. Tuy nhiên về Mueller lại khác. Tuần trước có tin ông Mueller đang tập trung vào các thỏa thuận bất động sản của ông Trump với người Nga. Đây là lần đầu tiên chuyện làm ăn của ông Trump lọt vào tầm ngắm của cuộc điều tra chính thức, và bị xem là "lằn ranh đỏ” mà Mueller đã vượt qua.

Bằng việc "mượn" Scaramucci gửi thông điệp "sa thải những kẻ chuyên rò rỉ”, ông Trump dường như đang khiến Mueller phải thận trọng hơn. Trước đây, cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey bị sa thải vì không kín miệng - như tố chất cần thiết của một trùm tình báo. Và lúc này, một thông tin rò rỉ từ cuộc điều tra có thể sẽ khiến ông Mueller phải ngừng công việc...

>>Donald Trump: Khi tỷ phú "vạ miệng"

THÁI BẢO