"Nóng" chuyện thuế và hợp đồng kinh tế
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 01:57, 02/08/2017
Những lưu ý về pháp luật khi ký hợp đồng kinh tế hay những dữ liệu, câu chuyện và kinh nghiệm về thuế luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của giới doanh nhân, doanh nghiệp (DN).
Tuần qua, trong Chương trình cà phê doanh nhân thứ bảy do Hội Doanh nghiệp quận 11 tổ chức với hai đề tài: "Những lưu ý về pháp luật khi ký kết hợp đồng kinh tế” và "Dữ liệu, câu chuyện và kinh nghiệm về thuế” đã giúp DN nắm được những điểm mấu chốt khi soạn thảo hợp đồng kinh tế cũng như những điểm cần lưu ý khi làm việc với cơ quan thuế và thực hiện theo các chính sách thuế.
Chia sẻ những trường hợp DN thực thi việc nộp thuế tại Việt Nam, ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 11, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thuế Sài Gòn, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 11 cho biết, hầu hết DN đều muốn đóng thuế ở mức thấp nhất. Vì vậy, họ sẽ chọn một trong những cách như: trốn thuế, tránh để bị phạt và tổn thất, tận dụng ưu đãi thuế...
Song theo ông Sơn, để DN hiểu đúng và nộp đúng thuế là việc rất khó. Bởi từ trước đến nay, đa số DN đều rất lo lắng trước sự thay đổi đột ngột hoặc không rõ ràng của các chính sách thuế khiến DN rất khó theo dõi, bản thân cơ quan thuế khi tuân theo chính sách cũng hiểu rất mông lung, lúc theo cách này, lúc theo cách khác.
Thậm chí đối với một vấn đề nào đó liên quan đến thuế, khi cơ quan thuế kết luận đúng nhưng cơ quan kiểm toán kết luận sai thì vấn đề phải được xem xét lại. Hệ lụy của việc "không rõ ràng" trong chính sách thuế, trong cách hiểu của cán bộ ngành thuế từng dẫn đến những vụ kiện tụng giữa DN với cơ quan thuế. Điển hình, trong quá khứ có Maseco, Nhựa Bình Minh..., khiến cả ngành thuế lẫn DN đều rất vất vả.
Theo ông Sơn, tính đến nay, Việt Nam đang có 27 ngành nghề được ưu đãi đầu tư. Ưu đãi thuế TNDN là 20%, nhưng cũng có DN chỉ phải đóng từ 10 - 17% trong 5 năm. Tỷ lệ ưu đãi này được xem là rất lớn. Hơn thế nữa, vừa qua Quốc hội cũng đã thông qua nhiều dự luật với nhiều nội dung ưu đãi thuế, miễn giảm thuế, nới lỏng nhiều khoản chi phí về luật quảng cáo...
Thế nhưng DN không dễ tận dụng những ưu đãi thuế vì phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, nên hầu như chỉ có các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc các DN lớn của Việt Nam quan tâm.
Do đó, ở góc độ nhà tư vấn thuế, ông Sơn cho rằng, lãnh đạo DN cũng phải hiểu rõ những vấn đề về thuế, bộ phận kế toán của DN phải giỏi nghề, hoặc DN nên sử dụng các tổ chức chuyên nghiệp về thuế, kiểm toán để làm thay DN. Về mặt này, các DN FDI thực hiện khá tốt, họ thường thuê các tổ chức tư vấn nước ngoài giúp họ xử lý các vấn đề về thuế, kiểm toán..., vì việc trọng tâm của cơ quan thuế là kiểm tra, thanh tra thuế.
Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2017, đã có 8.720 DN bị truy thu thuế, số tiền phạt là 2.040 tỷ đồng. Các cơ quan thuế sẽ lập danh sách DN thuộc đối tượng thanh tra, kiểm tra với chỉ tiêu được đặt ra mỗi năm. Ngoài ra, cơ quan thuế có quyền yêu cầu DN cung cấp chứng từ, hồ sơ trong vòng 10 năm trở lại thời điểm thanh tra, kiểm tra, do đó DN phải lưu giữ chứng từ trong khoảng thời gian đó, ông Sơn lưu ý.
Ở phần "Những lưu ý về pháp luật khi ký kết hợp đồng kinh tế”, LS. Phạm Ngọc Hưng - Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng lưu ý DN về những rủi ro trong đàm phán ký kết hợp đồng. Theo LS. Hưng, đối với một hợp đồng kinh tế, nếu DN không cẩn thận thì nguy cơ gặp rủi ro sẽ rất lớn, như: rủi ro về đối tượng hợp đồng, hình thức hợp đồng, phương thức, giá cả thanh toán, bồi thường thiệt hại...
Ông Hưng cũng cho biết, thực tế đã có những rủi ro về đối tác giao dịch, do đó, trước khi ký kết hợp đồng, DN cần xem xét kỹ những chi tiết như: đối tác có đủ thẩm quyền để ký hợp đồng hay không, đại diện có đủ tính pháp lý để ký hay không, nếu không thì đại diện pháp lý phải có ủy quyền, vì nếu đối tượng không đúng, hợp đồng sẽ trở nên vô hiệu. Ngoài ra, đối với các mặt hàng thì cần thể hiện rõ ràng, cụ thể trong hợp đồng về phẩm chất, số lượng, giá cả, thanh toán...
Bởi vì rủi ro về giá cả và thanh toán liên quan nhiều đến việc thanh toán. Tiền sẽ được thanh toán như thế nào? Trả trong bao lâu? Và ngược lại khi hàng đã giao, DN chưa nhận được tiền thì phương án xử lý như thế nào? Liên quan đến những rủi ro trong hợp đồng, LS. Hưng khuyến cáo, DN nên thể hiện thật chi tiết, rõ ràng cũng như tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của đối tác, vì điều này sẽ giúp DN hạn chế tối đa những rủi ro tiềm ẩn trong kinh doanh.