Không còn "trông" vào dầu, Arab Saudi sẽ biến cát thành tiền
Quốc tế - Ngày đăng : 06:22, 08/08/2017
Sau hơn nửa thế kỷ phụ thuộc vào dầu mỏ để cung cấp “nhiên liệu” cho nền kinh tế, Arab Saudi đang dần chuyển hướng sang khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên khác: sa mạc.
Cụ thể, vương quốc Arab Saudi đang dần biến hàng ngàn kilomet vuông cát thành các thành phố mới nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu thô, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy đầu tư.
Chỉ trong một tháng vừa qua, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đã công bố 2 dự án phát triển quan trọng. Trong đó, một dự án có diện tích rộng hơn cả nước Bỉ, dự án còn lại bao gồm một sân bay và cảng vận chuyển.
Các dự án này nằm trong kế hoạch xây dựng một chuỗi các “thành phố kinh tế” của Arab Saudi, nhằm tạo ra khu vực chuyên dụng cho lĩnh vực logistics, du lịch, công nghiệp và tài chính, và một thành phố giải trí cũng như một quận tài chính trị giá 10 tỷ USD.
Monica Malik – chuyên gia kinh tế trưởng tại Abu Dhabi Commercial Bank PJSC cho biết: “Tiến độ thực hiện tổng thể của các thành phố kinh tế này rất chậm, thậm chí đã chậm từ trước khi giá dầu sụt giảm. Sau đó, tốc độ phát triển còn chậm hơn nữa”.
Khi kế hoạch phát triển kinh tế theo định hướng mới mang tên “Saudi Vision 2030” (tạm dịch: “Saudi tầm nhìn 2030”) được công bố hồi tháng 4 năm ngoái, văn bản dài 84 trang này cho biết chính phủ sẽ “cứu hộ” và “cải tạo” các dự án "thành phố kinh tế" đang dở dang trong hơn một thập kỷ qua vì “từng không nhận ra tiềm năng của chúng”.
Bloomberg liệt kê một vài trong số những dự án lớn nhất của Arab Saudi hiện tại:
1. Du lịch Biển Đỏ
Tuần rồi Arab Saudi công bố kế hoạch biến 50 hòn đảo và 34.000km2 dọc bờ Biển Đỏ (rộng hơn cả nước Bỉ với diện tích chỉ 30.528km2) thành một địa điểm du lịch tầm cỡ quốc tế.
Nằm giữa 2 thành phố Umluj và Al Wajh, dự án đặt mục tiêu thu hút khách du lịch sang trọng từ khắp nơi trên thế giới. Dự án được phát triển bởi Quỹ Đầu tư công (Public Investment Fund) của nước này. Quá trình xây dựng dự kiến bắt đầu năm 2019 và hoàn thành giai đoạn một vào năm 2022.
Đưa khách du lịch đến nghỉ dưỡng tại các bãi biển của Arab Saudi có thể giúp “thay áo” ngành công nghiệp du lịch hầu như chỉ dựa vào khách hành hương Hồi giáo đến viếng thăm các thánh đường ở thánh địa Mecca và Medina. Tuy nhiên, những hạn chế về vấn đề trang phục và uống rượu có thể khiến nó kém hấp dẫn đối với khách nước ngoài.
“Chính phủ Arab Saudi cần vượt qua những rào cản về văn hóa và pháp lý. Nếu không thể thay đổi những hạn chế về việc sử dụng rượu và cách ăn mặc, thị trường này sẽ mất đi tiềm năng”, Crispin Hawes – Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Teneo Intelligence (trụ sở ở London, Anh) nói.
Khách du lịch tại Mada’in Saleh, Arab Saudi. Ảnh: Vivian Nereim/Bloomberg |
2. Al Faisaliyah
Arab Saudi công bố những kế hoạch cụ thể cho dự án Al Faisaliyah hồi tháng trước.
Nằm ở phía tây Mecca, dự án này sẽ bao gồm nhà ở, các khu giải trí, một sân bay và cảng biển. Dự án rộng 2.450km2 (gần bằng diện tích thủ đô Moscow của Nga), dự kiến hoàn thành năm 2050.
3. Thành phố giải trí
Tháng 4/2017, Arab Saudi công bố kế hoạch phát triển thành phố văn hóa, thể thao và giải trí lớn nhất vương quốc ở Al Qidiya, phía tây nam thủ đô Riyadh. Thành phố sẽ được xây dựng trên diện tích 334km2, bao gồm một khu vực phục vụ du lịch thiên nhiên hoang dã và một công viên chủ đề Six Flags Entertainment Corp. Quá trình xây dựng bắt đầu vào năm sau và hoàn thành giai đoạn đầu tiên vào năm 2022.
Là một phần của định hướng cải tổ kinh tế, chính phủ Arab Saudi đang nới lỏng các quy định về giải trí trong một xã hội được cho là rất bảo thủ. Các buổi hòa nhạc, chương trình nhảy múa và chiếu phim đã thu hút hàng ngàn người trong năm ngoái. Đến năm 2030, vương quốc hướng đến gia tăng gấp đôi chi phí các hộ gia đình chi ra cho lĩnh vực giải trí.
4. Thành phố kinh tế King Abdullah (King Abdullah Economic City, KAEC)
Dự án KAEC (được đặt theo tên một cựu nguyên thủ quốc gia) được phát triển bởi Emaar Economic City – một công ty do chính phủ Saudi quản lý và Emaar Properties PJSC – nhà phát triển bất động sản lớn nhất Dubai.
Với diện tích khoảng bằng thủ đô Brussels của Bỉ, dự án đã thu hút được 7,9 tỷ USD vốn đầu tư và đảm bảo có đủ tiền mặt cũng như vốn tín dụng cho kế hoạch chi tiêu trong suốt một thập kỷ tới.
Dự án bao gồm một cảng biển sâu, một trung tâm logistics rộng 55km2, một trung tâm thể thao - giải trí và hơn 6.500 sản phẩm nhà ở.
Bản đồ vị trí các dự án "thành phố kinh tế" của Arab Saudi. Nguồn: Bloomberg |
5. Quận tài chính King Abdullah (King Abdullah Financial District, KAFD)
KAFD được xem như một đối trọng với Trung tâm tài chính quốc tế Dubai, mang ngân hàng, các công ty dịch vụ tài chính, kiểm toán và luật sư cũng như nơi giao dịch chứng khoán và giao dịch vốn vào một khu vực.
Nằm ở phía bắc Riyadh, dự án đã bị chậm tiến độ xây dựng kể từ khi bắt đầu vào năm 2006 và hoàn thành được hơn 70%. Chính phủ Saudi đang đưa ra nhiều ưu đãi nhằm thu hút các ngân hàng đến hoạt động tại đây.
6. Thành phố kinh tế tri thức (Knowledge Economic City, KEC)
Được xem là dự án phát triển thành phố thông minh đầu tiên ở Arab Saudi, Thành phố kinh tế tri thức ở Medina sẽ tập trung vào các tài sản trí tuệ, các ngành công nghiệp tri thức, y tế, khách sạn, du lịch và truyền thông đa phương tiện. Nó cũng sẽ có các tòa nhà dịch vụ và nơi tổ chức hội nghị, theo website của Cơ quan quản lý các thành phố kinh tế (Economic Cities Authority).
Cư dân của thành phố rộng 4,8km2 này sẽ có thể đến thành phố Jeddah và Mecca thông qua đường sắt cao tốc Haramain.
KEC đã được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Saudi vào năm 2010 sau khi huy động vốn được 270 triệu USD.
7. Thành phố kinh tế Prince Abdulaziz bin Mousaed (Prince Abdulaziz bin Mousaed Economic City)
Có diện tích 156km2, dự án hỗn hợp này được đặt tại thành phố Ha’il, ở phía bắc vương quốc Arab Saudi.
Giống như những khu dân cư khác, thành phố kinh tế Prince Abdulaziz bin Mousaed cũng sẽ có một sân bay quốc tế, các khách sạn, trung tâm mua sắm và các tụ điểm giải trí.