ASEAN là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam
Trong nước - Ngày đăng : 04:35, 08/08/2017
Sau 50 năm thành lập, GDP của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng khoảng 2,6 nghìn tỷ USD vào năm 2016, tương đương nền kinh tế Anh, từ mức chỉ 37,6 tỷ USD vào năm 1970.
Theo dự báo của BMI Research, kinh tế ASEAN sẽ tăng 4,9% trong năm 2018, trong đó Myanmar, Việt Nam và Philippines là những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất khu vực. Với mức độ gia tăng về đầu tư, thương mại và đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo, đến năm 2020, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới.
Xét trong mối quan hệ nội khối ở phương diện kinh tế, mà cụ thể là giữa Việt Nam và các thành viên còn lại, thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 6/2017, tổng giá trị kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các thành viên ASEAN đạt 24,03 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 10,45 tỷ USD, ngược lại nhập khẩu từ đối tác 13,58 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đang nhập siêu 3,13 tỷ USD. Điều đáng nói là Việt Nam đang bị thâm hụt thương mại với tất cả các nền kinh tế lớn trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia hay Malaysia.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2017, Thái Lan tiếp tục là "bạn hàng" lớn nhất của Việt Nam với tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt khoảng 7 tỷ USD. Song, Thái Lan cũng là thị trường mà Việt Nam đang bị thâm hụt thương mại lớn nhất trong khối ASEAN với mức nhập siêu 2,53 tỷ USD (Việt Nam xuất khẩu 2,223 tỷ USD, nhập khẩu 4,753 tỷ USD).
Với thị trường này, Việt Nam nhập chủ yếu các mặt hàng điện gia dụng và linh kiện (đạt 533,6 triệu USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (gần 430 triệu USD), rau quả (362,3 triệu USD)... Ngược lại, Thái Lan nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam điện thoại di động và linh kiện (gần 500 triệu USD), tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (gần 253 triệu USD), dầu thô (217,3 triệu USD)...
Liên quan đến vấn đề giao thương, bên cạnh Thái Lan, các thị trường lớn khác trong khối ASEAN đạt trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa với Việt Nam từ 1 tỷ USD trở lên là Malaysia (4,821 tỷ USD), Singapore (4,368 tỷ USD), Indonesia (3,188 tỷ USD), Campuchia (1,968 tỷ USD) và Philippines (1,854 tỷ USD).
Với kết quả này, ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, sau Trung Quốc (tổng kim ngạch thương mại đạt 39,859 tỷ USD), Hàn Quốc (29,123 tỷ USD) và Mỹ (24,417 tỷ USD). Một doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam nhìn nhận, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ASEAN đang ngày càng thu hút các công ty đa quốc gia đặt nhà máy sản xuất và vì thế cung cấp nguồn nguyên vật liệu thay thế quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn.
Cùng với thương mại, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lũy kế đến tháng 7 năm nay, trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu về vốn đầu tư vào Việt Nam, khối ASEAN góp mặt ba thành viên là Singapore, Malaysia và Thái Lan, với 2.921 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký hơn 61,7 tỷ USD. Đáng chú ý, các nhà đầu tư Singapore liên tục duy trì trong top 3, với 1.894 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký hơn 41,6 tỷ USD. Các nhà đầu tư Singapore là những người đi tiên phong trong việc khai thác thị trường Việt Nam.
Tính đến nay, hầu hết các tập đoàn lớn trong khối ASEAN đều đã đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ, bất động sản, thực phẩm, đồ uống, năng lượng, tài chính, sản xuất... Đánh giá về thị trường Việt Nam, ông Linson Lim, Chủ tịch Keppel Land Việt Nam cho rằng kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, Chính phủ đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm củng cố nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Cụ thể, cùng với việc nới lỏng nhiều điều kiện về sở hữu nhà ở cho người nước ngoài và với những chính sách "vì doanh nghiệp", thị trường bất động sản Việt Nam đem lại tiềm năng tăng trưởng dài hạn.