Chủ tịch UBND TP.HCM: Lãnh đạo Thành phố quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và cơ cấu doanh nghiệp
Du lịch - Ngày đăng : 03:41, 10/08/2017
Tại Hội nghị Tổng kết một năm thực hiện Chương trình Cà phê Doanh nhân - HUBA, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM đã chia sẻ về mục tiêu hướng đến việc hình thành 500.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.HCM vào năm 2020. Theo ông Phong, 500.000 doanh nghiệp chỉ là số lượng, nên lãnh đạo Thành phố quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và cơ cấu doanh nghiệp.
Đọc E-paper
* Thưa ông, TP.HCM đang hướng đến việc xây dựng 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Ông có đánh giá gì về chương trình này?
- Tính đến thời điểm này, qua số liệu đăng ký thành lập doanh nghiệp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thành phố đã có khoảng 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy đến năm 2020, TP.HCM có 500.000 doanh nghiệp có khả thi hay không?
Về vấn đề này, lãnh đạo Thành phố phải căn cứ vào quá trình phát triển kinh tế. Những nước phát triển hiện nay cứ khoảng 20 người dân thì có một doanh nghiệp.
Còn TP.HCM, theo dự báo, nếu hình thành 500.000 doanh nghiệp thì tương đương mức 23 người dân có một doanh nghiệp. Đó là chỉ nói về lượng, nên lãnh đạo Thành phố yêu cầu các sở, các chuyên gia kinh tế góp ý về mặt cơ chế, chính sách để làm sao nửa triệu doanh nghiệp ấy đạt hiệu quả về chất lượng và cơ cấu.
* Để doanh nghiệp phát triển theo xu hướng ngày càng có chất lượng cao thì lãnh đạo Thành phố có những biện pháp gì, thưa ông?
- Hằng năm, lãnh đạo Thành phố tổ chức các cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Qua ý kiến của doanh nghiệp, lãnh đạo Thành phố luôn nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản và hỗ trợ tối đa doanh nghiệp. Theo đó, lãnh đạo Thành phố yêu cầu các sở, ngành ban hành những quyết định, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Lãnh đạo Thành phố cũng tập trung giải quyết những vướng mắc do các sở ngành và doanh nghiệp phản ảnh. Những kiến nghị hướng đến mục tiêu lâu dài thì chúng tôi giải quyết qua từng năm.
Vừa qua, tôi yêu cầu Phó chủ tịch UBND Thành phố phụ trách khối doanh nghiệp phải có kế hoạch cụ thể, như từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2017, từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2018 có những chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp. Lãnh đạo Thành phố luôn lắng nghe ý kiến đóng góp, đề xuất của doanh nghiệp và ý kiến đóng góp từ các chuyên gia kinh tế trên tinh thần cầu thị để từ đó có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
* Nhìn vào chất lượng doanh nghiệp hiện nay, ông có thể cho biết lãnh đạo Thành phố quan tâm vấn đề gì nhất?
- Hiện nay nước ta có đến 96% doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chỉ chiếm 21%, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu mới đạt 36%.
So với các nước thì tỷ lệ này rất thấp. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân chi phối là quy mô doanh nghiệp còn quá nhỏ.
Foanh nghiệp tư nhân có trình độ công nghệ thấp, chủ yếu sử dụng nguồn nhân lực thấp, năng lực cạnh tranh thấp, việc mở rộng đầu tư, thương mại với thị trường nước ngoài còn hạn chế.
Hơn nữa, đa số doanh nghiệp Việt Nam đi lên từ doanh nghiệp gia đình, thời gian phát triển chưa lâu, chưa có điều kiện để hiện đại hóa về mặt quản trị, nên trong chương trình phát triển 500.000 doanh nghiệp, lãnh đạo Thành phố sẽ tạo điều kiện, tạo cơ chế để thúc đẩy hình thành những tập đoàn lớn và sẽ có những thương hiệu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mà trước hết là trong khu vực.
Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi từ phía chính quyền Thành phố, còn phụ thuộc rất lớn vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải biết tự đầu tư, cập nhật công nghệ, trình độ quản trị, năng suất lao động. Chính quyền không làm thay doanh nghiệp được.
* Cám ơn ông!