Quần áo "Made in China" được sản xuất ở... Triều Tiên?
Quốc tế - Ngày đăng : 06:38, 15/08/2017
Các công ty dệt may Trung Quốc đang tăng cường sử dụng các nhà máy của CHDCND Triều Tiên để tận dụng nguồn lao động rẻ hơn, theo các thương nhân và doanh nghiệp ở thành phố biên giới Đan Đông nói với Reuters. Họ nói rằng quần áo được sản xuất ở Triều Tiên được gắn mác "Made in China" và xuất khẩu ra toàn thế giới.
Việc Triều Tiên sản xuất quần áo giá rẻ để bán trên khắp thế giới cho thấy cách nước này lách các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) như thế nào.
Một thương nhân người Trung Quốc gốc Triều Tiên ở Đan Đông nói rằng: "Chúng tôi nhận đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới”.
Đang có hàng chục đại lý quần áo hoạt động tại Đan Đông, chuyên cung cấp quần áo từ các hãng Trung Quốc cho Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Nga.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), trong năm 2016, dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Triều Tiên sau than và khoáng sản, với giá trị 752 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên trong năm 2016 đã tăng 4,6% lên 2,82 tỷ USD.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt mới nhất của LHQ vào đầu tháng 8 này đã cấm hoàn toàn hoạt động xuất khẩu than của Triều Tiên.
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may cho thấy Triều Tiên đã thích ứng như thế nào sau khi LHQ áp dụng các biện pháp trừng phạt từ năm 2006. Ngành này cũng cho thấy quan hệ kinh tế giữa Triều Tiên và Trung Quốc chặt chẽ như thế nào, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sức ép buộc Bắc Kinh phải hành động nhiều hơn để kiềm chế các chương trình vũ khí của người láng giềng.
Người phát ngôn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc là Huang Songping đã cho biết rằng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên đã tăng gần 30%, lên 1,67 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, phần lớn là từ việc xuất các nguyên liệu dệt may và các hàng hóa thâm dụng lao động truyền thống khác không nằm trong danh sách cấm vận của LHQ.
>>Những sự thật chỉ có ở Triều Tiên
Thương hiệu thể thao Rip Curl của Úc đã công khai xin lỗi năm ngoái khi phát hiện ra rằng một số thiết bị trượt tuyết có nhãn "Made in China" của Hãng hóa ra đã được sản xuất tại một trong những nhà máy may mặc của Triều Tiên. Rip Curl đổ lỗi cho một nhà cung cấp đã có hành vi lừa đảo và khoán việc cho "một nhà thầu phụ không được ủy quyền".
Tuy nhiên, các thương nhân và đại lý ở Đan Đông nói đó là một chuyện rất phổ biến.
Một nhà kinh doanh Trung Quốc đã sống ở Bình Nhưỡng cho biết các nhà sản xuất có thể tiết kiệm đến 75% chi phí bằng cách gia công ở Triều Tiên.
Một số nhà máy của Triều Tiên nằm ở thành phố Siniuju, gần Đan Đông. Các nhà máy khác nằm bên ngoài Bình Nhưỡng. Quần áo đã hoàn thành thường được vận chuyển trực tiếp từ Triều Tiên đến các cảng của Trung Quốc trước khi được đưa đi khắp thế giới, các thương nhân Trung Quốc cho biết.
Theo công ty tư vấn GPI của Hà Lan chuyên về hỗ trợ các công ty nước ngoài kinh doanh tại Triều Tiên, nước này có khoảng 15 doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc lớn, mỗi doanh nghiệp điều hành nhiều nhà máy trên khắp đất nước, và hàng chục công ty cỡ trung bình khác.
Tất cả các nhà máy ở Triều Tiên đều thuộc sở hữu nhà nước, theo lời các thương nhân và đại lý.
Một nữ doanh nhân người Trung Quốc gốc Triều Tiên tại một nhà máy ở Đại Liên (cách Đan Đông 2 tiếng đồng hồ đi tàu hỏa) cho biết: "Chúng tôi đã cố gắng tìm đối tác gia công quần áo ở Triều Tiên nhưng các nhà máy ở đây đều đã kín lịch".
Một doanh nhân khác cho biết công nhân may mặc ở Triều Tiên có năng suất lao động cao hơn 30% so với công nhân Trung Quốc: "Ở Triều Tiên, công nhân nhà máy không thể đi vệ sinh khi họ muốn, vì họ nghĩ rằng làm vậy thì sẽ làm chậm cả dây chuyền".
Doanh nhân này nói thêm: "Người dân Triều Tiên có thái độ khác với người Trung Quốc, vốn đi làm chỉ để kiếm tiền. Người Triều Tiên thì tin rằng họ đang làm việc cho đất nước của họ, cho lãnh đạo của họ".
Và mức lương của các công nhân Triều Tiên cũng thuộc hàng thấp nhất Châu Á. Các công nhân Triều Tiên tại khu công nghiệp Kaesong (hiện đã bị đóng cửa) nằm tại biên giới với Hàn Quốc nhận mức lương khoảng 75 - 160 USD/tháng, so với mức lương trung bình 450 - 750 USD/tháng ở Trung Quốc. Và cần phải nhớ rằng, mức lương ở Kaesong vẫn còn cao hơn toàn bộ những nơi khác tại Triều Tiên.
Công ty Trung Quốc cũng tuyển dụng công nhân Triều Tiên
Các nhà sản xuất quần áo Trung Quốc đang ngày càng sử dụng các nhà máy dệt may của Triều Tiên, dù họ cũng đã chuyển nhiều nhà máy sang những nước như Bangladesh, Việt Nam và Campuchia.
Một doanh nhân người Trung Quốc gốc Triều Tiên làm việc trong ngành công nghiệp dệt may ở Đan Đông cho hay: "Lương ở Trung Quốc quá cao, không có gì ngạc nhiên khi có rất nhiều đơn đặt hàng được gửi đến Triều Tiên".
Các công ty dệt may tại Trung Quốc cũng đang sử dụng hàng ngàn công nhân Triều Tiên.
Triều Tiên đã chuyển sang xuất khẩu lao động để tìm kiếm ngoại tệ, đặc biệt là kể từ khi các lệnh trừng phạt của LHQ đã khiến nước này mất đi một số nguồn thu nhập xuất khẩu khác. Phần lớn tiền lương của những người đi xuất khẩu lao động được chuyển về nước và giúp tài trợ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, theo kết luận của LHQ.
>>Công nhân thế giới: Những người bên lề
Các lệnh trừng phạt mới của LHQ áp đặt lên Triều Tiên trong tháng này cũng bao gồm việc cấm các quốc gia tuyển dụng thêm lao động Triều Tiên.
Theo ông Cheng Xiaohe - một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc không tiết lộ con số chính thức về số người Triều Tiên đang làm việc tại các nhà máy và nhà hàng ở Trung Quốc, mặc dù con số này đã giảm từ thời kỳ cao điểm 2 - 3 năm trước.
Vị nữ doanh nhân người Trung Quốc gốc Triều Tiên từ Đại Liên cho biết: "Thật khó để thuê người lao động Triều Tiên. Bạn cần phải sắp xếp mọi thứ đúng cách: không gian sống của họ phải được đóng kín hoàn toàn, bạn phải mở lớp học cho họ mỗi ngày, và đi kèm với họ là một đoàn bác sĩ, y tá, đầu bếp và giáo viên dạy về ý thức hệ Triều Tiên mỗi ngày".
Công nhân Triều Tiên ở các nhà máy Trung Quốc kiếm được khoảng 2.000 CNY/tháng (khoảng 300,25 USD), với giờ làm việc kéo dài từ 7h30 sáng tới 10h tối. Họ được phép giữ khoảng 1/3 tiền lương của họ, phần còn lại dành cho chính phủ Triều Tiên.