Phát triển mạng lưới công nghiệp phụ trợ
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 05:22, 18/08/2017
Ngành công nghiệp phụ trợ có thể được đảm nhận bởi các doanh nghiệp (DN) nước ngoài là đối tác có sẵn của các công ty đa quốc gia (MNE) hoặc các DN nội địa Việt Nam và có thể phát triển mạng lưới DN phụ trợ nội địa gắn với các MNE.
Đọc E-paper
Trước hết, cần phát triển vườn ươm DN phụ trợ, được xem là nơi nuôi dưỡng ước mơ trở thành DN phụ trợ cho các MNE tại Việt Nam. Những DN nhỏ và vừa (SME), người lao động muốn học hỏi những kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết để trở thành DN phụ trợ sẽ tham gia vườn ươm này. Là một cơ quan của chính phủ hoặc phi chính phủ, vườn ươm này giữ vai trò như là trung tâm vừa đào tạo, vừa tập hợp các MNE và các nhà cung cấp tiềm năng. Các MNE phải có trách nhiệm gửi người (nhà quản lý, các kỹ thuật viên) đến trung tâm này để trao đổi thông tin kinh doanh và mở các lớp đào tạo cho các SME (cũng là các nhà cung cấp tiềm năng). Trung tâm cũng sẽ tuyển dụng nhân sự và kỹ sư tài năng người Việt tại nước ngoài để nghiên cứu và đồng hóa nguồn công nghệ cho phù hợp với thị trường Việt Nam, sau đó chuyển giao cho các SME (là DN phụ trợ).
Cần quy định việc tham gia vào công tác đào tạo và hỗ trợ phát triển các SME là nghĩa vụ bắt buộc của các MNE và kết quả của những hoạt động hỗ trợ này sẽ được tích lũy điểm để nhận được các ưu đãi trong các hoạt động kinh doanh. Theo đó, các MNE sẽ được ưu đãi trong các hoạt động mở rộng đầu tư như được chọn các địa điểm tốt nhất, được hưởng các ưu đãi thuế cao nhất, tiếp cận các nguồn lực khác một cách tốt nhất. Trong quá trình đào tạo cũng sẽ được ưu tiên lựa chọn những đối tác tốt nhất dựa trên kết quả đào tạo của mình.
Sau khi tích lũy được kiến thức và sẵn sàng tham gia mạng lưới sản xuất của các MNE, các SME và doanh nhân sẽ tham gia vào mạng lưới sản xuất của một hay nhiều công ty khác nhau. Theo đó, MNE có thể góp vốn cổ phần vào DN đối tác, phần vốn góp này có thể được lấy từ một quỹ của công ty (gọi là quỹ cải thiện nguồn cung, do họ nâng cấp nguồn cung ứng tại Việt Nam). Quỹ này sẽ được khấu trừ thuế và được xem như quỹ nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam, nhận được những ưu đãi dành cho nguồn vốn R&D.
Với sự tham gia góp vốn của MNE, SME nội địa sẽ có được nguồn vốn khởi nghiệp và quan trọng hơn, họ sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ MNE về mặt công nghệ và kỹ thuật (lợi ích của liên doanh chiến lược). Khi nguồn lực được nâng cấp, DN nội địa sẽ tiếp tục được MNE chuyển giao công nghệ và kỹ thuật nhiều hơn, từ đó có cơ hội nâng cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu của các MNE. Trong khi đó, các MNE sẽ được hưởng lợi ích nhờ có sự hợp tác từ các đối tác mình tạo ra và lợi ích từ hiệu quả kinh doanh của các SME đối tác (do có vốn cổ phần). Theo đó, cần quy định tỷ lệ liên doanh phù hợp nhằm đảm bảo cổ phần chi phối của phía đối tác Việt (kèm theo đó là sự tự chủ được quyền quản trị và phát triển DN).
Tuy nhiên, cần có hợp đồng ràng buộc giữa MNE và DN nội địa trong trường hợp DN trong nước muốn kết thúc hợp đồng và trở thành nhà sản xuất độc lập (cũng có thể trở thành nhà cung cấp sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với các MNE). Theo đó, DN nội địa phải đáp ứng một số tiêu chuẩn về quản lý chất lượng, đội ngũ nhân sự cũng như phải chi trả một khoản phí thích hợp nếu muốn rút khỏi liên doanh trước hạn. Đặc biệt, DN phải chứng minh được khả năng công nghệ tự phát triển (thông qua các bằng sáng chế mà DN tự phát triển/tổng số đang sử dụng) bên cạnh nguồn công nghệ được chuyển giao từ đối tác nước ngoài.
Những quy định chặt chẽ sẽ giúp các MNE có được lòng tin đối với các DN đối tác và sẵn sàng chuyển giao những nguồn công nghệ tốt hơn; còn DN trong nước sẽ có cơ hội tiếp cận các đối tác tốt và được chuyển giao những nguồn công nghệ tốt nhất. Tuy nhiên, DN nội địa phải chuẩn bị nguồn lực công nghệ thật tốt trước khi tự phát triển mạng lưới sản xuất mới. Những quy định này chỉ áp dụng cho DN đã tham gia vào mạng lưới công nghiệp phụ trợ từ đầu với sự giúp đỡ của các MNE, trong khi các DN tự khởi nghiệp sẽ hoạt động theo cơ chế bàn tay thị trường.