SoundCloud về đâu?

Đời thường - Ngày đăng : 06:40, 20/08/2017

SoundCloud - mạng xã hội âm nhạc phổ biến nhất hành tinh, nơi nuôi dưỡng và phát triển các nhân tố cũng như xu hướng âm nhạc, giúp chúng tiếp cận công chúng - đang có nguy cơ sẽ biến mất?
SoundCloud về đâu?

SoundCloud - mạng xã hội âm nhạc phổ biến nhất hành tinh, nơi nuôi dưỡng và phát triển các nhân tố cũng như xu hướng âm nhạc, giúp chúng tiếp cận công chúng - đang có nguy cơ sẽ biến mất?

Đọc E-paper

Mùa hè này, SoundCloud đã sa thải 173 (gần 40%) nhân viên của Công ty. Sau sự kiện này, trang blog công nghệ TechCrunch cho đăng bản báo cáo khẳng định SoundCloud chỉ đủ khả năng tài chính để duy trì trong 80 ngày.

Tuy đại diện của SoundCloud đã phủ nhận, nhưng khả năng mạng này có thể biến mất đã gây nên sự chấn động trên toàn cầu. Không ít người nhanh chóng tải xuống phần lớn dữ liệu trên kho lưu trữ của SoundCloud với hy vọng giữ được chúng.

Kể từ khi bắt đầu vào năm 2008, SoundCloud mở ra trải nghiệm độc đáo về dịch vụ trực tuyến xây dựng trên nền tảng đám mây cho nhiều thể loại âm nhạc khác nhau nở rộ. Điều làm cho SoundCloud trở nên đặc biệt chính là những công cụ cho phép các nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ... tự do, thoải mái đưa lên và phân phối những sản phẩm của họ đến cộng đồng một cách nhanh chóng. Nghĩa là chỉ cần thu một bài hát, đăng lên SoundCloud, không phải tốn kém các chi phí cho phòng thu hay phân phối sản phẩm.

Đối với những nghệ sĩ còn ít tên tuổi, đây là nơi họ có thể thu hút sự chú ý của người hâm mộ và các công ty thu âm mà không phải làm việc theo các "thủ tục" thông thường.

Thực tế nhiều nghệ sĩ đã thành danh xuất phát từ SoundCloud, bao gồm ca sĩ R&B Kehlani, nhạc sĩ nhạc điện tử Ta-Ha, nhạc sĩ nhạc pop Dylan Brady, nghệ sĩ rap Lil Yachty...

Từ nhiều năm qua, SoundCloud đã chiếm được vị trí nhất định đối với cả người nghe lẫn các nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc trên toàn thế giới. Thậm chí kể cả thời điểm này, SoundCloud vẫn là "nhà" của rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ...

Jace Clayton - nhạc sĩ, DJ, nhà báo và nhà sưu tập âm nhạc, tác giả cuốn sách Uproot: Travels in 21st - Century Music and Digital Culture (Uproot: Du lịch trong nền âm nhạc và văn hóa số thế kỷ XXI) cho rằng: "Cái chết" của SoundCloud không đơn thuần chỉ là sự biến mất của một dịch vụ, mà đồng nghĩa với việc xóa đi một thập niên của nền văn hóa âm nhạc trên mạng".

Ông nhắc đến một dịch vụ nghe nhạc trực tuyến tên Imeem được MySpace mua năm 2009 với hy vọng sáp nhập 16 triệu người dùng của Imeem. Nhưng ngay sau đó dịch vụ này đã bị đóng cửa, khiến cho toàn bộ bài hát được tải lên và chia sẻ trên trang mạng bị mất đi. Ông đặt ra câu hỏi: "Liệu nó có ý nghĩa gì khi người nào đó có thể xóa đi hàng ngàn giờ của kho văn hóa âm nhạc chỉ sau một đêm?".

>>Nhạc trực tuyến "thống lĩnh" đời sống âm nhạc?

Ngành công nghiệp âm nhạc thế giới vẫn đang trong quá trình chuyển sang môi trường trực tuyến sau khi SoundCloud xuất hiện, và việc vi phạm bản quyền được dung túng. Nhưng khi việc thực thi bản quyền được kiểm soát nghiêm ngặt thì SoundCloud đã bị giáng một đòn mạnh. Các DJ được yêu cầu gỡ những bản "mix" (phối âm) giữa các bài hát khác nhau mà họ không có bản quyền, và rất nhiều bản phối lại đã giúp SoundCloud nổi tiếng cũng đã bị gỡ xuống.

SoundCloud đã cố gắng rất nhiều để kiếm tiền từ dịch vụ. Nhưng những nghệ sĩ trả tiền để được xuất hiện ở vị trí đặc biệt rất ngại việc các quảng cáo chạy trong bài hát của họ, và khi công ty giới thiệu phiên bản thu phí SoundCloud Go thì phản ứng của người dùng có phần hờ hững.

Làm cách nào để thuyết phục những người đang sử dụng dịch vụ miễn phí bắt đầu trả 5 hay 10 USD mỗi tháng? Thói thường, khách hàng không muốn trả số tiền lớn để truy cập dịch vụ âm nhạc trực tuyến, nên các công ty phải giữ phí ở mức thấp. Song, khi những người đăng ký nghe nhạc càng nhiều thì số tiền các dịch vụ phải trả cho các hãng thu âm càng cao.

Ngay cả Spotify - trang sở hữu số lượng người dùng nhiều nhất trong các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, vẫn phải trả hơn một nửa lợi nhuận cho các hãng thu âm như là phí bản quyền. Và những nghệ sĩ nổi tiếng nhất như Rihanna, Future, Drake... đều ra mắt tác phẩm độc quyền qua dịch vụ nghe nhạc vì họ được trả tiền để làm vậy; hoặc Beyoncé và Jay-Z có dịch vụ nghe nhạc của riêng họ là mạng Tidal. Cho nên, một công ty startup như SoundCloud không hề có cơ hội cạnh tranh.

Từ năm 2015 đến nay, SoundCloud lần lượt đạt được thỏa thuận hợp tác cùng 3 thương hiệu âm nhạc lớn gồm Sony Music Entertainment, Universal Music Group và Warner Music Group. SoundCloud cũng đang nỗ lực huy động vốn đầu tư khi nguồn tiền dự trữ ngày càng cạn dần. Tình hình khó khăn này phản ánh tính khốc liệt trên thị trường nhạc số.

Cuối tháng 7 vừa rồi, Alex Ljung - đồng sáng lập và CEO của SoundCloud viết trên trang cá nhân của mình rằng: "Bài hát bạn yêu thích trên SoundCloud sẽ không biến mất, âm nhạc bạn chia sẻ hay tải lên cũng không biến mất, bởi vì SoundCloud không biến mất". Nhưng viễn cảnh sụp đổ của một thương hiệu hàng đầu về giải trí vẫn khiến người dùng cảm thấy lo sợ pha chút nuối tiếc về kho nhạc của mình.

>>Những sự ra đi trong làng nhạc số

PHÚC NHƯ THỦY (theo The New York Times)