Lý do dân châu Âu không chào đón khách du lịch

Quốc tế - Ngày đăng : 06:44, 23/08/2017

Bắt đầu từ Venice và Barcelona, hiện tại, làn sóng phản đối du lịch đã lan rộng ra nhiều điểm đến nổi tiếng khác tại châu Âu, tại sao như vậy?
Lý do dân châu Âu không chào đón khách du lịch

Bắt đầu từ Venice (Italia) và Barcelona (Tây Ban Nha), hiện tại, làn sóng phản đối du lịch đã lan rộng ra nhiều điểm đến nổi tiếng khác tại châu Âu. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã kêu gọi chính quyền địa phương nỗ lực nhiều hơn nhằm bảo vệ sự tăng trưởng bền vững cho ngành du lịch.

Đọc E-paper

Theo The Guardian, ở châu Âu, gần như khách du lịch thường không được chào đón. Vì họ được cho là đang “giết chết” những điều họ ưa thích. Họ hủy hoại mọi thứ. Họ đòi hỏi, ồn ào và uống rượu bia quá nhiều. Họ nghĩ người dân địa phương sẽ vui mừng khi thấy họ, nhưng thực tế thì không như vậy. 

Một phần của niềm vui khi du lịch là nghĩ mình tốt hơn những du khách khác, The Guardian nhận định. Nếu tuổi đời còn trẻ hoặc muốn thể hiện cá tính, nhiều du khách thích tự gọi mình là một “traveller” – người đang muốn trải nghiệm, chứ không phải là một “tourist” – người đang tận hưởng một kỳ nghỉ. Họ sẽ đến các khu ổ chuột vì họ “quan tâm nhiều điều hơn những du khách khác”.

Cũng có nhiều du khách thích thú hơn khi tham quan các thành phố trung tâm, bởi vì “nằm dài ra bãi biển là một trải nghiệm quá bình thường”. Họ đến Berlin, Munich hoặc Tallinn để thưởng thức nhiều điều “đặc biệt” hơn. Nhưng vấn đề là quá nhiều người mong đợi điều “đặc biệt” khi đi du lịch. Họ tuyên bố rằng việc đi đây đi đó sẽ giúp “mở mắt” để họ nhìn ra thế giới, và điều đó có thể đúng. Nhưng thực tế là, nó cũng khiến họ “nhắm mắt lại”. Để tận hưởng nhiều thứ, họ phải “nhắm mắt” với nhiều thứ khác. Mà đôi khi những thứ khác đó rất quan trọng, chẳng hạn như hình ảnh về sự nghèo đói và thất nghiệp.

>>Những biểu tượng du lịch dễ nhận biết ở châu Âu

Hầu hết khách du lịch cũng “nhắm mắt” đối với những nhóm người giống như họ - những người cũng muốn được thưởng thức một món ăn địa phương “đích thực”, nhìn thấy một nét văn hóa cũ, một cảnh sắc đặc biệt để đăng tải lên mạng xã hội... Năm 1995, nhiếp ảnh gia Martin Parr đã thực hiện một bộ ảnh châm biếm về việc chụp ảnh khi đi du lịch của các du khách trên khắp thế giới, với tên gọi Small World (Thế giới nhỏ).

2 bức thuộc bộ ảnh Small World của Martin Parr

Nhiều người nhìn thấy những vấn đề của việc du lịch, nhưng họ bỏ qua chúng vì tự nói với mình rằng việc nhìn thấy thế giới sẽ giúp họ hiểu nhiều hơn về giá trị của nó. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu người dân địa phương cảm thấy hoàn toàn bị “lấn át” bởi khách du lịch? Tổng thư ký UNWTO Taleb Rifai cũng đã nhìn nhận tình trạng phản đối du lịch là một vấn đề thực sự nghiêm trọng.

Thực tế, trong vài tháng qua, đã có nhiều lo ngại phát sinh từ việc lượng du khách đến châu Âu quá lớn. Ở Barcelona, một nhóm phản đối du lịch được gọi là Arran bị cho là đã phá hỏng nhiều lốp xe và đập vỡ cửa sổ của các khách sạn 5 sao. Hồi tháng 1, có một cuộc biểu tình đã giăng biểu ngữ với nội dung “Barcelona không phải để bán”. Một số người biểu tình tin rằng du lịch đại chúng (“mass tourism” – khái niệm đối nghịch với du lịch bền vững) đang phá hủy các thành phố.

Số du khách đến Tây Ban Nha đang tăng vọt nhanh chóng, đạt con số kỷ lục 75,6 triệu người trong năm ngoái. Hồi đầu tháng 7 vừa qua, hàng trăm người dân địa phương đã tiến hành “giành lại” bãi biển ở La Barceloneta khỏi những du khách "ham thích tiệc tùng, chè chén".

Những cuộc biểu tình tương tự cũng đã xảy ra ở nhiều nơi khác tại Tây Ban Nha như thành phố Palma, đảo Mallorca và thành phố San Sebastian.

Người dân địa phương ở La Barceloneta "giành lại bãi biển khỏi tay du khách". Ảnh: Anadolu

Không chỉ ở Tây Ban Nha, thành phố Florence (Italia) cũng đang trong tình trạng có quá nhiều khách du lịch. Ở thủ đô Rome và thành phố Milan, chính quyền đã ra lệnh cấm ăn uống ở nơi công cộng hoặc tắm, ngâm người, ném vật lạ… vào các đài phun nước.

Thành phố Venice cũng đang là một “điểm nóng” du lịch, khi dự kiến sẽ đón 20 triệu lượt khách trong năm nay. Môi trường ngày càng ô nhiễm. Số lượng dân cư nơi đây cũng đang giảm dần, chỉ còn 55.000 người. Có rất ít cửa hàng địa phương - kiểu cửa hàng không bán các món đồ phục vụ khách du lịch - và chỉ có 2 rạp chiếu phim trong toàn thành phố.

Các vấn đề tiêu cực từ du lịch cũng xảy ra ở nhiều nơi khác. Thành phố Dubrovnik (Croatia) đã gắn camera theo dõi dòng người xuống các tàu du lịch. Đảo Hvar phạt tiền các du khách (thường là du khách Anh) vì… có xu hướng trần truồng và “ăn chơi trác táng”. Khu resort Sunny Beach ở Bulgaria là nơi nổi tiếng có nhiều du khách Anh thực hiện các hành vi “xấu xí”.

Thông điệp phản đối du lịch ở thành phố Oviedo, phía bắc Tây Ban Nha. Ảnh: Alberto Morante/EPA

Dĩ nhiên du lịch có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của các thành phố. Nhưng thực tế cho thấy hiện tại, du lịch giá rẻ đã là một biểu hiện cho thấy toàn cầu hóa không phải lúc nào cũng tốt cho tất cả mọi người.

Tình trạng bất mãn với du lịch không chỉ đến từ hành vi của khách du lịch, mà còn đến từ việc người dân bị “đuổi” ra khỏi thành phố. Sự tồn tại và phát triển của các dịch vụ cho thuê nhà như Airbnb khiến giá thuê nhà tăng cao ở Barcelona, dẫn đến việc người dân địa phương không thể tiếp tục trụ lại ở trung tâm thành phố.

>>Khi Trung Quốc "lấn át" Mỹ ở châu Âu

BÍCH TRÂM