Rối bời danh hiệu, danh xưng: Không riêng gì showbiz

Đời thường - Ngày đăng : 06:18, 01/09/2017

Những ngày qua, việc ca sĩ Ngọc Sơn được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam "phong tặng" danh hiệu Giáo sư âm nhạc và tặng bằng khen đang gây xôn xao dư luận.
Rối bời danh hiệu, danh xưng: Không riêng gì showbiz

Những ngày qua, việc ca sĩ Ngọc Sơn được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam "phong tặng" danh hiệu Giáo sư âm nhạc và tặng bằng khen do "có nhiều hoạt động xuất sắc trong công tác xây dựng thương hiệu vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Việt Nam" đang gây xôn xao dư luận.

Đọc E-paper

Loạn từ showbiz...

Quá nhiều vấn đề được công chúng "ví von" như đang xem một vở hài kịch. Thứ nhất, dựa trên tiêu chuẩn nào để phong danh hiệu Giáo sư âm nhạc cho ca sĩ Ngọc Sơn? Bởi đã có nghị định của Nhà nước quy định rất rõ ràng và cụ thể về việc phong chức danh giáo sư, tiến sĩ. Phải có bao nhiêu bài viết đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế, bao nhiêu giải thưởng chuyên ngành, bao nhiêu năm giảng dạy... mới đủ tiêu chuẩn để gửi hồ sơ đến hội xét duyệt, từ hội đồng cơ sở, hội đồng liên ngành tới Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước trước khi có quyết định chính thức. Đằng này từ một ca sĩ, sau một đêm ngủ dậy bỗng trở thành giáo sư thì quá lạ.

Lý giải của người có trách nhiệm trong vụ việc này rằng Ngọc Sơn đã chủ động khai học vị Giáo sư khi làm hồ sơ gửi đến Hội; phía Ngọc Sơn lại cho biết trước đây từng làm giáo sư âm nhạc tại Nhật càng khiến mọi việc trở nên nực cười.

Thắc mắc thứ hai, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác có liên quan đến lĩnh vực hoạt động, vậy liên quan gì đến việc khen tặng và phong hàm Giáo sư cho một ca sĩ - người của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật?

Câu chuyện của Ngọc Sơn chợt khiến không ít người liên tưởng đến những danh xưng "trời ơi" đang tràn ngập trong giới showbiz. Không biết từ khi nào và từ đâu, quá nhiều danh xưng được gắn liền với những tên tuổi nghệ sĩ, người mẫu: vua nhạc sến, ông hoàng nhạc Việt, nữ hoàng giải trí, nữ hoàng phòng trà, nữ hoàng nội y...

Có lẽ hiếm đất nước nào trên thế giới có nhiều siêu mẫu như ở Việt Nam, nhiều đến mức dường như ai là người mẫu rồi cũng sẽ trở thành siêu mẫu.

Vấn đề loạn danh xưng một phần không nhỏ thuộc về các bầu sô và một số công ty truyền thông, tổ chức sự kiện. Họ cố "thổi" danh xưng nghe thật kêu cho nghệ sĩ, diễn viên tham gia chương trình do mình tổ chức cốt để tăng giá trị cho chương trình.

Chẳng hạn, ở sân khấu của một diễn viên hài, khán giả từng "ngộp" với danh sách các siêu mẫu, diễn viên điện ảnh... mà có tìm mỏi mắt họ cũng không thể nhớ nổi những người "rất nổi tiếng" đó từng xuất hiện ở bộ phim điện ảnh hay chương trình nghệ thuật nào. Ví dụ như danh hài Phúc Béo, diễn viên điện ảnh Bích Phượng, Tuyết Xuân, nam vương Phạm Thành, siêu mẫu Hoàng Yến My, Nhã Trúc.

Hay trong buổi họp báo chương trình Festival Đờn ca tài tử lần 2 năm 2017, khi giới thiệu 2 nhân vật đại diện, một cô bé được biết đến nhờ gương mặt xinh xắn và tham gia khá nhiều gameshow truyền hình bỗng được giới thiệu bằng danh xưng nghệ sĩ nhí, dù em vẫn chưa tham gia một chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp quan trọng nào.

... đến các hiệp hội

Ở một số tổ chức, hội nghề nghiệp, chuyện phong danh hiệu có dấu hiệu trục lợi cũng từng xảy ra và bị dư luận phản ứng mạnh mẽ.

Năm 2015, dư luận từng xôn xao về việc một công ty tư nhân lấy danh nghĩa của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa tôn giáo Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc để tổ chức chương trình "Tôn vinh Nghệ nhân văn hóa dân gian".

Một số cá nhân, doanh nghiệp nhận được thư mời đăng ký tham dự với lời đề nghị nếu hỗ trợ hoạt động quảng bá - truyền thông cho chương trình từ 30 triệu đến 1 tỷ đồng sẽ được tặng bằng Nghệ nhân văn hóa dân gian, hoặc bằng Chứng nhận vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa di sản dân tộc, được báo cáo thành tích với lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong Phủ chủ tịch dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 11/2015.

Hay việc Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam trao bằng Chứng nhận Nghệ nhân ưu tú văn hóa dân gian trong nghi lễ chầu văn của người Việt cho một cá nhân ở đền Thiên Linh Ứng - Phú Thọ, sau đó tiếp tục tặng bằng Chứng nhận Di sản văn hóa nhân dân cho các cá nhân trong lĩnh vực đông y, thầy lang, thầy thuốc đã khiến dư luận bức xúc.

Tại thời điểm đó, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng cho rằng, việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú văn hóa dân gian trong nghi lễ chầu văn của người Việt là chưa đúng với các quy định của pháp luật.

>>Những công ty lớn đang làm giàu nhờ showbiz

Còn trong năm 2016, dư luận cũng xôn xao với thông tin nhiều cá nhân bất ngờ được một công ty truyền thông đề nghị vinh danh là "Trí thức Việt Nam sáng tạo và cống hiến" kèm theo yêu cầu đóng góp hơn 20 triệu đồng.

Mới nhất, đầu năm 2017, Giải thưởng do Trung ương Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam (VSATH) tổ chức đã bị dư luận kịch liệt phản đối và cho rằng mang màu sắc của việc mua bán danh hiệu, mượn tên tuổi các nhà khoa học để kinh doanh. Bởi kèm theo thư mời gởi các cá nhân có Bản đăng ký hỗ trợ tự nguyện, đề nghị các nhà khoa học tham gia tôn vinh danh hiệu Nhân tài đất Việt - Thời đại Hồ Chí Minh phải tự nguyện đóng góp cho Ban tổ chức chương trình từ 10 - 14 triệu đồng. Bị phản ứng dữ dội, chương trình vinh danh lạ đời này đã buộc phải dừng lại.

Phong tặng danh hiệu tùy tiện, mạnh ai nấy làm đang ảnh hưởng không ít đến những giá trị, chuẩn mực của xã hội, nhưng vẫn chưa có được những giải pháp chấn chỉnh và ngăn chặn thực trạng này. Có lẽ đã đến lúc các cơ quan quản lý phải mạnh tay hơn, đưa ra những quy định xử phạt rõ ràng, cụ thể. Không thể để những giá trị ảo làm công chúng mất niềm tin đối với giá trị thật của các danh hiệu, giải thưởng.

>>Lối sống "chuẩn mực" của người trẻ Việt

KHÁNH VÂN