Bóng đá: Gian nan thử sức anh tài

Sống cân bằng - Ngày đăng : 06:44, 01/09/2017

Các cầu thủ có thể buồn lòng với những lời chỉ trích. Nhưng đó cũng là kinh nghiệm quý báu để họ được học hỏi và trưởng thành, vì cơ hội vẫn còn nhiều ở phía trước...
Bóng đá: Gian nan thử sức anh tài

Các cầu thủ có thể buồn lòng với những lời chỉ trích. Nhưng đó cũng là kinh nghiệm quý báu để họ được học hỏi và trưởng thành, vì cơ hội vẫn còn nhiều ở phía trước... 

Đọc E-paper

Tại cuộc họp báo sau trận U22 Việt Nam thua U22 Thái Lan ngày 24/8, huấn luyện viên Hữu Thắng tuyên bố nhận trách nhiệm và từ chức. Đó không phải cái kết quá sốc cho người hâm mộ. Đơn giản vì lứa U22 năm nay đã chơi đẹp mắt, nỗ lực, vì thế càng tạo cảm giác rất khó chấp nhận một khi họ thua.

Những "vật tế thần"

Trong lần trả lời phỏng vấn tạp chí GQ năm 2016, cựu danh thủ người Anh David Beckham vẫn khẳng định chiếc thẻ đỏ tại trận đấu vòng 16 đội giữa Anh và Argentina ở World Cup 1998 là một trong những khoảnh khắc kinh điển trong sự nghiệp của mình.

Sau khi Beckham rời sân, tuyển Anh bị Argentina loại sau loạt luân lưu. Dĩ nhiên Beckham trở thành "vật tế thần" của dư luận, và thậm chí bị chính người cùng "chiến tuyến" quay lưng. Chàng tiền vệ 23 tuổi có ngoại hình bắt mắt khi ấy, bị cho đã hành xử và phản ứng kém vì không thể kiểm soát bản thân trước Diego Simeone bên đội Argentina.

Suốt cả tháng trời sau đó, anh bị truyền thông và dư luận phỉ nhổ. Một tờ báo thậm chí đã in gương mặt cầu thủ Manchester United trên tấm bảng phóng phi tiêu để cổ động viên trút giận. Tờ The Sun còn đưa tin rằng một người nào đó "treo cổ” hình nộm với chiếc áo số 7 của Beckham bên ngoài một hộp đêm tại London.

Một năm sau, ở mùa giải 1998-1999, Beckham trở thành trụ cột của Manchester United trong mùa giải họ đoạt cả Champions League, Premier League lẫn FA Cup. Sự nghiệp của Beckham tiếp tục thăng trầm với những cáo buộc chuyện quan hệ ngoài hôn nhân, lẫn mâu thuẫn với huấn luyện viên Sir Alex Ferguson, lần sút penalty "lên trời" khi gặp Thổ Nhĩ Kỳ...

Nhưng cái tên của Beckham vượt khỏi phạm vi của bóng đá, hay thậm chí của thể thao đơn thuần. Anh trở thành một thương hiệu, một biểu tượng toàn cầu, và là người rước đuốc cho Vương quốc Anh tại Thế Vận hội 2012.

Trả lời GQ ở tuổi 40, Beckham nói rằng chiếc thẻ đỏ ấy, cơn bão chỉ trích năm ấy "khiến tôi thật sự khó khăn trên tư cách cầu thủ, và trên tư cách một con người. Nhưng nó khiến tôi trưởng thành rất nhanh".

>>Xây dựng thương hiệu cá nhân: Cú hat-trick của David Beckham

Chỉ trích, thì có sao?

Thực tế kể từ sau trận hòa U22 Indonesia trong thế trận đối thủ chỉ còn 10 người ở vòng trước, đội U22 Việt Nam đã hứng chịu nhiều lời chỉ trích từ người hâm mộ. Đợt sóng ngầm ấy tạm lắng để chờ "đại cục" - tức trận gặp U22 Thái Lan. Và bao dồn nén cảm xúc vỡ ra, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Bao giờ cũng vậy, kẻ chỉ trích sẽ nhanh chóng gặp người bảo vệ. Một cuộc tranh cãi diễn ra giữa phe chỉ trích và những người không muốn thấy cầu thủ như Công Phượng hay Minh Long thành "vật tế thần". Trong thể thao, đặc biệt môn bóng đá, "vật tế thần" là khái niệm không mới mẻ, mà câu chuyện của Beckham ở trên là minh chứng rõ ràng nhất.

Ở Anh, truyền thông là một thế lực. Báo chí nước này sẵn sàng đưa một cầu thủ trẻ "lên mây" chỉ sau một trận, nhưng cũng thừa sức đẩy các siêu sao bóng đá của họ vào hố bùn. Lấy ví dụ Wayne Rooney từng được xem là "con cưng" của truyền thông Anh khi khởi đầu sự nghiệp như mơ, tỏa sáng ở EURO 2004 và chuyển sang Manchester United.

Nhưng ở World Cup 2016, Rooney gặp trường hợp y như Beckham, nhận thẻ đỏ ở trận gặp Bồ Đào Nha sau pha vào bóng với Cristiano Ronaldo - đồng đội tại Manchester United. Mọi thứ hoàn toàn có thể tồi tệ với Rooney, nhưng cầu thủ sinh năm 1985 đã nỗ lực để có một chỗ đứng trong lịch sử Manchester United.

Ngày nay, tình trạng chuyển nhượng cầu thủ "phá giá" khiến Kyle Walker, Raheem Sterling hay Paul Pogba gặp áp lực rất lớn trước truyền thông và người hâm mộ. Chưa ai biết số cầu thủ này ai thành công, ai thất bại. Nhưng cái chính là họ xem như được tôi luyện trong môi trường không được phép mắc sai lầm. Sự nỗ lực của họ không chỉ nhằm đền đáp tấm lòng của cổ động viên, mà trước hết còn cho sự nghiệp của chính mình.

Trong thời đại mạng xã hội và quảng bá bóng đá như ngày nay, lứa cầu thủ trẻ của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... cũng sớm đi vào lòng người hâm mộ với mức độ tương tự các "tiền bối" như Huỳnh Đức và Hồng Sơn. Họ dễ nổi tiếng, nhưng áp lực đặt lên họ cũng lớn hơn. Và trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, những lời chỉ trích dù "độc hại" mấy vẫn có mặt tốt, vì nó là liều thuốc thử cho những nhân tài thực sự.

>>5 mẹo đón nhận lời chỉ trích một cách nhẹ nhàng

NHẬT ĐĂNG