Xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc: Cửa lớn khó qua
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:35, 04/09/2017
Với thế mạnh về nông nghiệp, những tưởng VKFTA sẽ là "cửa lớn" để rau củ quả của Việt Nam mạnh bước vào thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải nỗ lực cải thiện cả về chất lượng lẫn số lượng thì mới đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang Hàn Quốc.
Đọc E-paper
Thực thi hiệp định thương mại tự do việt nam - hàn quốc (VKFTA) từ tháng 12/2015, Hàn Quốc đã là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nửa đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hàn Quốc đạt 29,1 tỷ USD, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Các nhóm hàng được ưu đãi thuế quan từ VKFTA đều tăng trưởng cao như thủy hải sản tăng gần 28%, rau quả tăng 12%. Dù vậy, lượng xuất khẩu nông lâm thủy sản của việt nam chỉ mới đạt 4% nhu cầu nhập khẩu mỗi năm của Hàn Quốc. Trong đó rau củ quả chiếm tỷ lệ khiếm tốn.
Tỷ trọng không đáng kể
Theo phân tích của ông Chu Thắng Trung - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc tại một hội thảo về thúc đẩy xuất khẩu hàng nông, thủy sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc, mỗi năm Hàn Quốc chi khoảng 33 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng nông lâm, thủy sản từ các nước trong khu vực ASEAN. Thế nhưng, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cho đến cuối quý II/2017, lượng rau củ quả mà Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc đạt chưa tới 1,5% của 33 tỷ USD, dù được ghi nhận là tăng trưởng mạnh.
Thống kê từ Worlds Top Exports cũng cho thấy, năm 2016, xét về doanh số xuất khẩu, trong 15 đối tác thương mại toàn cầu của Hàn Quốc thì Việt Nam đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Mỹ và Hồng Kông, với doanh thu 32,7 tỷ USD, chiếm 6,6% và là đối tác lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Những số liệu trên cho thấy, cán cân thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc khi VKFTA thực thi đang nghiêng về phía Hàn Quốc.
Số liệu cập nhật từ phía Hàn Quốc còn cho biết, mặt hàng trái cây nói riêng và mặt hàng nông sản nói chung, người Hàn Quốc đang sử dụng thường xuyên sản phẩm nhập từ Philippines, Mỹ và Thái Lan. Còn đối với mặt hàng rau củ thì Trung Quốc, Mỹ, Nhật đang là những nhà cung cấp chính cho họ. Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh thị phần với Trung Quốc và Nhật Bản ở mặt hàng thủy sản.
Dù rằng, thời gian qua, nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, địa phương vẫn đang tập trung vùng trồng trái cây, rau củ để xuất khẩu sang thị trường các nước, trong đó có Hàn Quốc. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, huyện Cao Lãnh với gần 9.000ha trồng xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu đã xuất khẩu trung bình mỗi tháng khoảng 100 - 200 tấn xoài sang Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Vài năm trở lại đây, trái xoài được trồng tại Cao Lãnh đã thuyết phục được các doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam hoặc tìm tới đặt vấn đề hợp tác, như: Pulmuone, Haenam Sweet Potato, Samsung Welstory, Hyundai Green Food, CJ Freshway, Shinsegae Food, Emart, CJ Freshway.
>>Làm sao để tăng xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc?
Phải theo quy định của SPS
Tập đoàn Lotte (một trong những nhà nhập khẩu hàng đầu tại Hàn Quốc) cho biết, mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có tiềm năng lớn ở Hàn Quốc là thủy sản (tôm, mực lá, cá cơm, cá hú, cá điêu hồng, ghẹ, bạch tuộc...), trái cây (dừa, chanh dây, thanh long, xoài, măng cụt, chôm chôm, đu đủ, ổi...), rau củ quả (ớt, cà rốt, tỏi, gừng, nấm, bông cải xanh, rau diếp, cải thảo...). Lý do là nông sản Việt Nam khá rẻ so với Thái Lan và Trung Quốc.
Do đó, nếu doanh nghiệp muốn hợp tác cung ứng hàng cho Lotte thì cơ hội xuất khẩu vào các siêu thị Lotte ở các nước sẽ rất lớn. Trong quá trình hợp tác, Lotte sẽ hỗ trợ đối tác bằng phương thức góp ý để cải thiện sản phẩm. Nông sản Việt Nam cần đảm bảo tính đồng nhất về kích thước, hương vị, màu sắc, cũng cần lưu ý kỹ thuật đóng gói bao bì, chọn lọc kỹ sản phẩm tránh lẫn nhiều sản phẩm hỏng hay dị vật (đất, tóc, lá cây...).
Hàng hóa vào thị trường Hàn Quốc hiện nay đang bị kiểm tra rất nghiêm ngặt. Ông Lê An Hải, Phó vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) khuyến cáo: "Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu thực phẩm sang Hàn Quốc không chỉ phải đáp ứng chất lượng sản phẩm, giá cả, mà cần phải chú ý phương thức kinh doanh, chiến lược tiếp cận thị trường, bao bì mẫu mã, và phải tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng của thị trường mà mình nhắm đến".
Ông Heo Songmoo, Tham tán phụ trách kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cũng cho biết, để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng nên phía Hàn Quốc yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải đảm bảo chất lượng. Các quy định mà Hàn Quốc bắt buộc hàng nhập khẩu vào thị trường phải tuân thủ SPS (Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm định động thực vật) để áp dụng cho sản phẩm về động vật và thực vật, thủy sinh, an toàn thực phẩm với hàng chế biến.