Xuất khẩu phần mềm: Bài học từ FPT
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:23, 06/09/2017
Trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, vài chục năm "mang chuông đi đánh" ở Nhật Bản, Mỹ, Pháp rồi các thị trường mới nổi ở châu Á như Banglades, Myanmar, FPT đã tạo dựng thành công khi thị trường nước ngoài đem lại gần 1/6 tổng doanh thu của Công ty.
Đọc E-paper
Với sự hiện diện tại 21 quốc gia và cung cấp dịch vụ cho hơn 450 khách hàng, trong đó có 50 khách hàng thuộc danh sách Forbes 500, thương hiệu FPT đã tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường thế giới.
Bước tiến dài
Nếu so với các DN khác trong "làng công nghệ”, FPT là cái tên được nhắc nhiều nhất khi có đầy đủ các hoạt động từ phát triển phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) cho đến dịch vụ viễn thông và nội dung số, phân phối, bán lẻ các sản phẩm công nghệ. Điều đáng nói là các lĩnh vực của FPT tham gia hầu hết đều thành công, đưa Công ty trở thành thương hiệu tư nhân lớn thứ ba tại Việt Nam vào năm 2012.
Kết thúc 7 tháng đầu năm 2017, FPT có doanh thu hợp nhất hơn 23.587 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2016, thị trường nước ngoài đạt 3.649 tỷ đồng, tăng 16%.
Năm 1998, chuyến đi đến Bangalore (Ấn Độ), một đất nước nghèo nhưng hé lộ sẽ là một cường quốc CNTT trong thế kỷ XXI đã thổi bùng khát vọng xuất khẩu phẩn mềm của những người đứng đầu FPT. Ngay sau đó, lãnh đạo DN này đã đi đến quyết định thực hiện chiến lược toàn cầu hóa với trọng tâm là xuất khẩu phần mềm, bắt đầu là thị trường Nhật Bản, Mỹ, rồi đến các nước châu Âu, Nam Á...
Những chuyến "mang chuông đi đánh xứ người" đã đem lại những thành công lớn cho FPT. Nổi bật nhất là thị trường Nhật Bản. Mười năm qua, doanh thu của FPT Nhật Bản đạt mức tăng trưởng 32%/năm. FPT Nhật Bản hướng đến mục tiêu đứng trong danh sách 50 công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn tại Nhật Bản và hướng đến việc đóng góp 50% trong doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài vào năm 2020 của FPT.
Ở thị trường Mỹ, FPT là một trong số ít công ty CNTT của Việt Nam tạo được dấu ấn. Thành lập năm 2008, đến nay FPT đã có 7 văn phòng tại các thành phố lớn của Mỹ, gồm Texas, New York, Seattle, Chicago, Los Angeles, Dallas và Sunnyvale với trên 150 nhân viên đến từ 15 quốc gia, cung cấp dịch vụ CNTT cho hơn 20 khách hàng là các tập đoàn của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất máy bay, thiết kế hệ thống điều khiển thang máy, truyền hình vệ tinh, ngân hàng...
>>Ngành sản xuất phần mềm: Cơ hội từ thị trường nội địa
Trong giai đoạn 2011 - 2016, doanh thu từ thị trường Mỹ tăng trưởng bình quân 45%/năm, và năm 2016 đã đạt 1.003 tỷ đồng, dự kiến sẽ tăng lên 1.300 tỷ đồng trong năm nay. Nếu như trước đây FPT đơn thuần vào thị trường Mỹ theo cách khách hàng thuê gì làm nấy, chủ yếu tham gia vào những công đoạn có giá trị thấp thì nay đã cung cấp dịch vụ cho khách hàng từ A - Z (từ tư vấn, thiết kế đến triển khai, bảo trì).
Thậm chí, nhiều dịch vụ, giải pháp của FPT dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ di động (Mobility) cũng đã được những DN lớn của Mỹ đưa vào sử dụng. FPT đã bắt đầu tham gia vào những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ, điều mà không phải DN nào cũng làm được.
Nhưng không dễ
Theo đại diện FPT, để có những thành công trên không phải là điều dễ dàng. Trong giai đoạn đầu, FPT đã phải trả giá khi là người tiên phong mở hai văn phòng ở Ấn Độ (thành lập tháng 11/1999) và Mỹ (tháng 1/2000) và chỉ sau hơn một năm hoạt động, vì không có được hợp đồng như dự tính, đã phải "tan".
Cùng với Mỹ và Ấn Độ, thị trường Pháp cũng khiến DN này gặp nhiều khó khăn. Thành lập năm 2008, và ngay sau đó Pháp rơi vào khủng hoảng tài chính cùng với đó là tập quán kinh doanh của DN Pháp luôn muốn tự kiểm soát và tự làm, ít khi hợp tác thông qua đối tác và thường chia sẻ lợi ích không cao cho đối tác, khiến Công ty FPT Softwave Europe (công ty con của FPT tại Pháp) gặp khó khăn.
Mãi đến năm 2014, FPT mới có cuộc gặp đầu tiên với lãnh đạo một tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới có trụ sở tại Pháp và mong muốn được hợp tác trong việc cung cấp một số giải pháp liên quan đến chuyển đổi công nghệ Mobility. Thế nhưng việc này cũng thất bại. Năm 2016, nhân dịp lãnh đạo cấp cao của họ tháp tùng Tổng thống sang Việt Nam, FPT mới có cơ hội tiếp cận và bàn về chuyện hợp tác. Rút kinh nghiệm những lần trước, lần này FPT không nói sẽ "bán" cái gì mà tập trung vào việc sẽ cùng họ làm gì trong chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số.
Nếu như ở Bangladesh, FPT chỉ mất hai năm đã có được hợp đồng 33,6 triệu USD thì ở Myanmar FPT phải mất gấp đôi khoảng thời gian đó để thắng gói thầu có giá trị 11,3 triệu USD. Các quốc gia này đang có nhu cầu rất lớn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông. Nhanh chóng nắm bắt thời cơ này, năm 2013, FPT bắt đầu hành trình khai phá vùng đất mới. Tại đây, FPT tập trung kinh doanh các lĩnh vực đã có kinh nghiệm tại Việt Nam, như tích hợp hệ thống, viễn thông, đào tạo CNTT, dịch vụ quản trị doanh nghiệp (ERP)...
Để có đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu quốc tế, bên cạnh đãi ngộ tương xứng với năng lực người lao động, FPT đã dùng chính sách đào tạo để giải quyết bài toán này. FPT xây dựng theo hướng trở thành một tổ chức học hỏi. Theo đó, cán bộ, nhân viên của công ty hằng năm bắt buộc phải tham gia một khóa học về chuyên môn, kỹ năng mềm hoặc ngoại ngữ. Để đáp ứng nhu cầu của từng thị trường, FPT đưa ra những chương trình nhân lực riêng. Chẳng hạn như với thị trường Nhật Bản là triển khai chương trình 10.000 kỹ sư cầu nối.
Từ thực tế tại FPT và các DN khác, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, DN Việt Nam còn thiếu thông tin và hiểu biết về thị trường quốc tế. Cách thức để tiếp cận thị trường nước ngoài chưa đem lại hiệu quả cao, đồng thời marketing chưa được chú trọng. Rào cản ngôn ngữ và văn hóa kinh doanh cũng là một trong những điểm khó khăn của DN Việt Nam khi vươn ra thị trường các nước.
Theo ông Bình, điều quan trọng nhất để các DN có thể thành công ở thị trường nước ngoài là phải có đội ngũ nhân lực giỏi về chuyên môn và thuần thục ngoại ngữ. Hiện nay, sự phát triển của công nghệ S.M.A.C, IoT đang tạo điều kiện rất tốt cho các DN phần mềm Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tên tuổi lớn trong việc cung cấp dịch vụ, giải pháp tại Nhật Bản và các nước Nam Á.