CEO Saigon Books - người "đam mê" thách thức

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:47, 12/09/2017

Từng là tên tuổi lẫy lừng trong ngành kinh doanh xăng dầu, Nguyễn Tuấn Quỳnh đột nhiên quyết định rời ngành sau 22 năm gắn bó, tạo dựng thương hiệu cá nhân, và kiếm được khá nhiều tiền… để bước sang một lĩnh vực đầy thách thức là kinh doanh sách.
CEO Saigon Books - người

Khởi nghiệp ở tuổi 44 với Saigon Books, ông tự nhận vào mình sứ mệnh mang đến nhiều cuốn sách giá trị cho giới trẻ.

Cuộc đời ông cũng chính là một cuốn sách sống đầy cảm hứng về con đường tự học để trưởng thành, sẵn sàng chấp nhận thách thức, trải nghiệm, làm những việc nhỏ với tình yêu lớn, phấn đấu trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình để theo đuổi những ước mơ, và trên hết, ông là người hành động.

* Cuộc đời ông ngay từ những năm tháng tuổi trẻ đã là một chuỗi những chọn lựa liên tục, những khúc quanh bất ngờ, như những khát vọng ngày càng lớn để chinh phục bản thân?

- Quyết định đầu tiên tạo nên bước ngoặt cuộc đời tôi là thời điểm cuối lớp 12, trong việc lựa chọn ngành học tương lai. Là học sinh lớp chuyên của trường PTTH Nguyễn Hữu Huân, Thủ Đức, tôi nộp đơn cùng lúc hai trường Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Bách khoa, nhưng đến ngày cuối thì quyết định thi Kinh tế, mặc dù lúc đó ngành điện tử của đại học Bách khoa đang là trào lưu. Quyết định này ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời tôi khi bước ra kinh doanh. Cho đến giờ này, tôi thấy đó là quyết định đúng, dù thời điểm đó thiếu thông tin, gần như cảm tính thôi.

Quyết định thứ hai trong quá trình học đại học, khóa K16 đại học kinh tế TP.HCM có 770 sinh viên, tôi đến từ một trường ngoại thành, bước chân vô trường cảm thấy khá nhỏ bé, xung quanh mình rất nhiều người giỏi. Tuy nhiên bản thân lại mong muốn làm thế nào để có thể nổi lên trong 770 con người đó. Kiểm tra năng lực mình có, không phải là người học giỏi nhất, không chơi thể thao giỏi nhất, không phải giàu nhất… mà chỉ thích các hoạt động tìm tòi nghiên cứu. Ở bậc đại học, đó là điều phù hợp với mình.

Từ sinh viên năm nhất, tôi tự mày mò, chọn đề tài đầu tiên nghiên cứu về luật phá sản áp dụng cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đó là năm 1990. Tham gia cuộc thi Giải pháp kinh tế năm 1991 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, tôi được giải thí sinh trẻ tuổi nhất lọt vào vòng chung kết. Bước đầu tiên cho mình niềm tin, tiếp tục dành thời gian công sức nghiên cứu, năm 1993 tôi là sinh viên duy nhất của đại học Kinh Tế nhận được bằng khen của Thủ tướng về nghiên cứu khoa học.

Nhờ các hoạt động nghiên cứu, tôi được tham gia vào thành đoàn, giúp mình hoàn thiện bản thân, có kỹ năng quản lý, kỹ năng hoạt động xã hội, và được miễn làm luận văn tốt nghiệp. Từ 770 sinh viên, tôi nổi lên là gương mặt xuất sắc nhất của K16 Đại học Kinh tế, đó là một cú hích trong cuộc đời.

* Vì sao anh lại từ bỏ con đường tiến thân bằng chính trị, dù cơ hội đang mở ra, để chọn kinh doanh?

- Thẳm sâu trong lòng tôi vẫn muốn làm giảng viên, vì cả gia đình theo nghề giáo, tuy nhiên để trở thành người thầy, kiến thức không chỉ đến từ sách vở, từ thầy cô, mà phải có trải nghiệm thực tế. Ước mơ làm giảng viên tạm gác lại, cần thêm thời gian tích lũy kinh nghiệm.

Chấp nhận vị trí thấp nhất trong phòng kinh doanh của Saigon Petro, năm 2001 tôi được bổ nhiệm phó trường phòng kinh doanh gas. Khi đó việc kinh doanh gas của Saigon Petro rất khó khăn, một số anh chị từ phòng kinh doanh ra ngoài lập công ty riêng cạnh tranh trực tiếp, một số về làm công ty khác, Saigon Petro mất thị trường, sản lượng kinh doanh giảm 40%.

Nhận bàn giao một "cơ đồ" đang ở thời điểm quá khó khăn đó, tôi đã làm một việc, đi gặp gỡ tất cả khách hàng của mình từ Cà Mau tới Đà Nẵng, lắng nghe những ý kiến góp ý của khách hàng và điều chỉnh chính sách kinh doanh. Nguyên tắc triển khai áp dụng mang lại thành công là đối xử công bằng, minh bạch với khách hàng. Trước đây thị trường gas luôn thiếu hụt, khi mình làm điều hành, công khai việc phân phối sản lượng khi thiếu gas cho mọi người biết và giám sát, tạo niềm tin cho khách hàng.

Thứ hai là coi khách hàng là đối tượng cùng chiến tuyến, công ty chỉ phát triển khi khách hàng phát triển, tư vấn cho họ kinh doanh, quản trị, kể cả việc học hành của con cái họ…

Chính sự công bằng minh bạch đó đã vực dậy sản lượng, chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2012 - 2014, lợi nhuận rất tốt, sau đó tăng gấp đôi và đứng vững vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam.

* Một cơ hội hy hữu nữa lại đến với anh, trong 2 năm kiếm… 1 triệu USD, ít ai biết anh đã từng phải đối diện với lời đe dọa… bị khai trừ Đảng nếu rời đi? Làm thế nào để trở thành người giỏi nhất trong ngành gas?

- Quyết định căng thẳng nhất trong cuộc đời tôi là rời Saigon Petro ra làm công ty tư nhân, khi đang là bí thư đoàn của công ty, đảng viên trẻ nhất được quy hoạch vị trí Phó tổng giám đốc.

Lúc đó quỹ đầu tư Mekong Capital mua trên 26% cổ phần của Saigon Gas với giá 42 ngàn đồng/cổ phiếu. Họ yêu cầu Saigon Gas phải tìm được người giỏi trên thị trường về kinh doanh bán lẻ, trước đó chỉ bán gas công nghiệp. Họ mời tôi về với ưu đãi được mua 20% cổ phần giá 10 ngàn đồng/cổ phiếu, điều kiện phải đưa công ty lên Top 5 nhà bán lẻ Gas trong 3 năm.

Tôi quyết định rời Saigon Petro, Chủ tịch Hội đồng thành viên không đồng ý và cho biết sẽ bị khai trừ Đảng nếu ra đi. Với tôi lúc đó, công việc tại Saigon Gas bắt đầu từ số không, thị trường rất cạnh tranh, nhưng nếu thành công, số tiền thu được từ 20% cổ phần là rất lớn. Tôi rất thích thách thức đó, nên chấp nhận nghỉ và có thể bị kỷ luật Đảng. Cuối cùng, những cán bộ lãnh đạo còn lại ở Saigon Petro thấy việc tôi nghỉ không ảnh hưởng nhiều đến công ty, nên đã ủng hộ tôi và may mắn tôi không bị kỷ luật.

Tôi đã đưa Saigon Gas tăng theo cấp số nhân, đạt 1.800 tấn gas/tháng năm 2007. Sau đó Saigon Gas bán cho Totalgas, tôi bán lại cổ phần, thu lại 1,2 triệu USD. Khi mua 20% cổ phần bằng mệnh giá 10 ngàn, cha mẹ tôi phải bán một phần đất trong nhà cộng với vay ngân hàng và thế chấp bằng căn nhà ba mẹ đang ở, vay tiền của một cổ đông công ty.

>>8 bài học làm giàu từ các tỷ phú "nổi loạn"

Khát vọng làm giàu là hoàn toàn chính đáng. Qua kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận ra cơ may thành công nhất chính là hãy làm tốt nhất công việc mà bạn yêu thích, đam mê. Hãy luôn phấn đấu trở thành một trong những người giỏi nhất, chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Tôi đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên chính nhờ bí quyết này. Đó là năm tôi 35 tuổi. Tôi có cơ hội này vì tôi được đánh giá là người kinh doanh gas giỏi nhất tại thị trường lúc đó.

Công thức để trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực nào đó thì cần phải hội đủ 3 yếu tố: có ước mơ, có thầy giỏi và kiên trì luyện tập từ 8.000 giờ - 10.000 giờ theo đúng định hướng.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải nhanh nhạy nắm bắt được các cơ hội mở ra như hợp tác, cộng tác với người khác hoặc tự mình xây dựng và phát triển một hay nhiều doanh nghiệp. Ngay cả khi bạn không thích trở thành doanh nhân hoặc chủ doanh nghiệp thì ít nhất bạn sẽ là một người làm thuê xuất sắc và chuyên nghiệp với chế độ đãi ngộ thỏa đáng.

* 5 năm trong vai trò Phó tổng giám đốc PNJ, được quy hoạch làm Tổng giám đốc, anh lại một lần nữa… xin nghỉ để trở thành Tổng giám đốc của SFC?

- PNJ là ngôi nhà thứ hai của tôi, nơi tôi rất yêu quý. 5 năm ở đây tôi đã học được rất nhiều từ chị Cao Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT và từ công việc. Quyết định xin nghỉ ở PNJ của tôi cũng làm chị Dung khá bất ngờ, nhưng chị đánh giá rất cao sự dũng cảm này. Vì tự thấy mình không phải là người yêu thích nữ trang, nên tôi nghĩ phải bước sang một bên để nhường cơ hội cho người khác thích hợp hơn.

* Gắn bó với ngành kinh doanh xăng dầu 22 năm, tạo dựng được tên tuổi trong ngành, trở thành thương hiệu được săn đón… vì sao anh lại có một quyết định khá… điên rồ là khởi nghiệp tuổi 44 với ngành sách?

- Rời SFC, tôi nhận được lời mời làm Tổng giám đốc của một vài công ty doanh thu cả ngàn tỷ, với điều kiện làm việc, thu nhập khá tốt. Tuy nhiên tôi lại muốn có cuộc sống tự do, đặc biệt tự do về thời gian, làm được điều mình thích, và quan trọng nhất là không phải… báo cáo cho ai nữa. Lúc đó tôi là cổ đông của Alpha Books từ 6 năm trước. HĐQT Alpha Book đề nghị tôi làm Tổng giám đốc, sau 1 năm làm ở đây, tôi quyết định khởi nghiệp thực sự trong ngành sách với Saigon Books.

Nhiều người bất ngờ, tại sao từ ngành có doanh số lớn, lợi nhuận cao, lại chọn thị trường nhỏ và khó như vậy? Doanh số của SFC gần 3.000 tỷ, lớn hơn doanh số cả thị trường sách Việt Nam 2.400 tỷ/năm 2016. Thói quen đọc còn rất thấp, thị trường lại rất cạnh tranh, lợi nhuận làm sách gần như không có… Nhưng quan điểm của tôi là được làm sản phẩm mình yêu thích, có ý nghĩa, giá trị về xã hội. Tôi tin có cách làm khác hiệu quả.

Đầu tư khoảng 10 tỷ, bước đầu rất khó khăn, sau một năm tôi đã xây dựng tên tuổi của Saigon Books với hướng đi dựa trên những dòng sách chính: Kinh tế, kỹ năng sống, giáo dục và sức khỏe, nhân vật và tự truyện, sách văn học và sách thiếu nhi.

>>Cận cảnh cửa hàng sách không niêm yết giá của Amazon

Một năm qua với tôi rất thú vị, mỗi cuốn sách ra đời như một đứa con, chăm chút từ chọn bản thảo, in ấn, marketing… Tôi gần như đọc hết các bản thảo, bên cạnh kiến thức được mở mang, điều hay nữa là được gặp những con người thú vị, ngoài chuyện mở rộng mối quan hệ, tôi học rất nhiều từ cuộc đời của họ.

Tự nhận vào mình sứ mệnh xây dựng và phát triển đội ngũ tác giả trẻ người Việt, tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro, trong 2 năm đầu công ty vẫn bù lỗ, năm thứ ba mới có lời. Như cuốn Cẩm nang tự học IELTS của tác giả Kiên Trần, bản thảo đã bị 4, 5 nhà xuất bản từ chối, nhưng tôi đã thành công, 6 tháng bán 15 ngàn cuốn, trở thành sách bán chạy nhất (best seller). Kiên Trần đã trở thành một cái tên “hot” trong làng xuất bản. Đó là điều thú vị của người làm sách.

Saigon Books tham vọng sẽ có tủ sách về các nhân vật người Việt, trong đó cố gắng giới thiệu những gương mặt nổi trội xuất sắc, đặc biệt những người trẻ trong nhiều lĩnh vực.

* Thách thức nào lớn nhất với anh khi điều hành một công ty… nhỏ?

- Ngay từ hồi đại học tôi đã nghĩ khi về già sẽ làm giảng viên kinh tế, sau này nhận ra làm sách có thể giúp người ta mở rộng kiến thức, thay đổi cuộc đời tốt hơn. Nhìn lại thấy mình may mắn, được nhận khá nhiều, phải có nghĩa vụ chia sẻ trở lại với cộng đồng. Tâm niệm của tôi là cố gắng xuất bản được nhiều cuốn sách giá trị cho giới trẻ. Cuối đời, ráng làm công việc có ý nghĩa, và tất nhiên phải hiệu quả, bắt buộc tôi phải suy nghĩ, sáng tạo hơn rất nhiều.

Một công ty nhỏ 30 nhân viên khó hơn rất nhiều công ty với 3.000 nhân viên, nguồn lực hạn chế, Tổng giám đốc phải làm rất nhiều việc, kể cả hỗ tợ bán hàng, gói hàng, giao hàng, marketing, sale, bên cạnh làm chiến lược, đúng nghĩa một công ty khởi nghiệp. Phải tính toán chật vật vì tài chính có hạn. Ngày xưa quen nói trăm tỷ, giờ tính tới từng ngàn đồng, ít nhiều phải thay đổi bản thân trong việc chi xài cho phù hợp. Trước đây làm nhiều tiền, cách tiêu xài khác, giờ bỏ tiền ra cá nhân nên phải phát huy khả năng sáng tạo, linh hoạt của bản thân.

* Làm việc với các tác giả trẻ, anh có niềm tin?

- Có nhiều bạn trẻ giỏi, có năng lực, khát khao muốn thể hiện mình, dám sống, dấn thân, độc lập trong suy nghĩ. Bên cạnh những tập tùy bút về tình yêu, những cuốn sách về trải nghiệm sống, những bài học về cuộc đời của các bạn trẻ là dòng sách Saigon Books đang quan tâm. Cuốn Lột xác của Lâm Khánh Chi được đăng 9 kỳ trên Tuổi Trẻ.

* Có bao giờ anh… tuyệt vọng?

- Chưa bao giờ. Tôi có niềm tin vào bản thân và đội ngũ cộng sự. May mắn nhất là tôi có đội ngũ cộng sự tốt, nhiệt tình và yêu thương nhau. Để có đội ngũ như thế bên mình, là người đứng đầu, phải sống tử tế với anh em. Không chỉ trả mức lương thỏa đáng mà còn quan tâm đến cuộc sống cá nhân của họ và cư xử công bằng.

Làm kinh doanh quan trọng nhất là phép chia, chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm, tôi chọn mô hình chia sẻ cổ phần cho người quan trọng để cùng nhau làm, những thách thức đều được chia sẻ, không có bí mật. Tất cả mọi người đều có quyền góp ý, đưa ra giải pháp để xuất, nhờ thế luôn tìm ra giải pháp tốt về kinh doanh.

* Có vẻ như may mắn luôn mỉm cười với anh, có bao giờ anh đối diện với thất bại chưa?

- Trong quá trình trưởng thành, tôi nhận ra một chân lý: nếu như tôi chết đi với gia tài 100 triệu USD hay là 10 USD thì cũng không khác gì nhau. Chết là hết. Vì vậy, giá trị của cuộc đời không phải là gia tài vật chất bạn để lại cho con cháu mà chính là những đóng góp có giá trị cho cộng đồng trong suốt cuộc đời của bạn.

22 năm sau ngày tốt nghiệp đại học, tôi đã làm việc cho hơn 26 công ty, đi được trên 40 nước, chia sẻ kiến thức với hàng ngàn sinh viên, bạn trẻ, viết hàng trăm bài báo, tác giả của 2 cuốn sách…

Tuy vậy, cuộc sống của tôi không phẳng lặng. Tôi cũng đã trải qua những thất bại trong công việc và trong tình cảm. Tôi đã có nhiều lúc thất vọng về bản thân và gây tổn thương cho những người yêu thương mình. Nhưng nhờ vậy, tôi đã trưởng thành hơn từ những nỗi đau của mình trong cuộc sống.

Tôi cũng đã học từ những thất bại của chính mình. Tôi là người có máu đỏ đen. Thời kỳ bùng nổ của chứng khoán – vàng, tôi đã mê mải lao vào kinh doanh chứng khoán, kinh doanh vàng tài khoản và thất bại không ít. Cách đây 7 năm, tôi quyết định là mình sẽ không kinh doanh chứng khoán nữa (trừ việc mua cổ phiếu của những công ty mà tôi điều hành) và càng không dính vào thị trường mua bán vàng cũng như tránh xa những trò đỏ đen.

>>Sự phát triển của ngành kinh doanh sách online

Tôi sống chậm lại và quan sát cuộc đời. Theo thời gian, tôi hiểu về những giá trị mình có thể cống hiến cho đời, những suy nghĩ tích cực giúp mình sống có ích. Để trở thành một người có giá trị là một chặng đường dài. Đầu tiên và quan trọng nhất, bạn cần phải hoàn thiện bản thân mình.

Tôi nhận ra rằng, khi có những ước mơ cháy bỏng, thôi thúc và hăm hở bắt tay thực hiện nó, sẽ tạo ra được một cuộc sống thú vị và có giá trị. Tôi cho rằng, hành trình cuộc đời của con người, chính là khám phá ra những năng lực và khả năng của bản thân.

Thành công với tôi là làm được việc ý nghĩa với mình và cộng đồng, và được công nhận. Thất bại là khi mình đã không nỗ lực hết sức để đạt được kết quả mong muốn mà lẽ ra mình đã đạt được và không có cơ hội để sửa sai…

Muốn có được tình yêu? Hãy cho đi tình yêu. Muốn có được sự trân trọng? Hãy trân trọng mọi người. Muốn có được niềm vui? Hãy mang lại nụ cười cho những người bên bạn. Muốn có được thành công? Hãy giúp người khác thành công... Sẽ vô vọng nếu bạn không cho mà chỉ mong được nhận! Tạo hoá vốn công bằng!

(Theo Bizlive - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

KIM YẾN