FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất?
Quốc tế - Ngày đăng : 05:19, 20/09/2017
Ngày 19 và 20/9/2017, Ủy ban Giám sát thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ nhóm họp thường kỳ để xác định chính sách tiền tệ cho giai đoạn kế tiếp. Kể từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã hai lần tăng lãi suất cơ bản đồng USD vào các cuộc họp tháng 3 và tháng 6. Liệu cuộc họp lần thứ 6 trong năm nay, chính sách tăng lãi suất có lặp lại?
Đọc E-paper
Lạm phát lõi quyết định chính sách lãi suất
Diễn biến lạm phát là yếu tố căn bản tác động đến chính sách lãi suất của Mỹ suốt thời gian qua. Số liệu CPI tháng 9 của Mỹ công bố hôm 14/9 tăng 0,4% so tháng trước, khá tích cực so với dự báo là 0,3% và của kỳ trước chỉ ở 0,1%, trong khi so với cùng kỳ 2016 tăng 1,9%. Tuy nhiên, FED luôn căn cứ vào lạm phát lõi để quyết định chính sách lãi suất, trong khi chỉ số CPI lõi (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) chỉ tăng 0,25%, bằng với mức dự báo. Theo dự báo thì khả năng lạm phát lõi trong năm nay ở mức 1,7%, cách khá xa so với dự báo 2% của FED.
Cơn bão Harvey và Irma gần đây đã gây thiệt hại khá lớn đối với nước Mỹ, khiến khả năng FED sẽ phải thận trọng với chính sách lãi suất. Theo ước tính của RMS - công ty định lượng thiệt hại từ thảm họa, cơn bão Harvey có thể gây ra khoản thiệt hại đã được bảo hiểm là từ 25 - 35 tỷ USD và tổng thiệt hại kinh tế bao gồm những khoản tổn thất không được bảo hiểm có thể ở mức 70 - 90 tỷ USD; tổng thiệt hại ước tính từ cơn bão Irma còn cao hơn, lên tới 172 tỷ USD.
Cơn bão Harvey không chỉ gây thiệt hại đến nhà cửa, tài sản mà còn tác động xấu đến thị trường việc làm và siêu bão Irma tiếp theo ngay sau đó còn làm tình trạng này trở nên trầm trọng hơn.
Việc Phó chủ tịch Stanley Fischer - người được xem là có hơi hướng "diều hâu" và có sức ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của FED đã đệ đơn từ chức, do đó phần nào ảnh hưởng đến khả năng tăng lãi suất của cơ quan này. Trước sự kiện này, Rabobank cho biết sẽ tiếp tục hạ xác suất nâng lãi suất lần ba trong năm nay. Trong khi đó, nhiệm kỳ của Chủ tịch FED là bà Yellen cũng sẽ kết thúc vào tháng 2/2018 và các ứng viên tiềm năng để thay thế theo ý Tổng thống Donald Trump khiến việc xác định lộ trình chính sách tương lai càng trở nên khó dự đoán.
>>FED tăng lãi suất, thị trường ngoại tệ phản ứng ra sao?
Việc FED thu hẹp quy mô tài sản bằng cách giảm tái đầu tư tiền gốc nhận được khi trái phiếu đáo hạn, theo đó giảm lượng cung tiền vào nền kinh tế và điều này có thể thay chính sách tăng lãi suất để hỗ trợ đồng USD phục hồi sau khi đã rớt giá mạnh kể từ đầu năm đến nay. |
Một vài dữ liệu kinh tế gần đây của Mỹ cũng chưa cho thấy sự khởi sắc hoàn toàn. Doanh số bán lẻ tháng 9 đã bất ngờ giảm 0,2%, trong khi dự báo tăng 0,1% và tháng trước tăng đến 0,6%. Tỷ lệ thất nghiệp công bố hôm 1/9 cũng tăng 4,4%, từ mức 4,3% trước đó, trong khi bảng lương phi nông nghiệp tăng thấp hơn nhiều so với dự báo. Như vậy, thị trường việc làm và tiêu dùng của Mỹ dường như đang có dấu hiệu chững lại.
Ưu tiên thu hẹp cung tiền trước
Bù lại, chính sách thu hẹp bảng cân đối kế toán hiện ở mức 4.500 tỷ USD sẽ có thể được bắt đầu triển khai. Biên bản cuộc họp của FOMC hồi tháng 7 cũng cho thấy các nhà hoạch định chính sách có khả năng ban hành quyết định thu hẹp bảng cân đối kế toán của FED trong kỳ họp tháng 9 này.
Nếu điều này xảy ra, thì càng có thêm cơ sở để dự báo FED sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới, do cơ quan này sẽ khó có thể vừa quyết định giảm cung tiền vừa tăng lãi suất, bởi một quyết định thắt chặt chính sách kép như thế có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên tăng trưởng kinh tế cũng như làm bất ngờ giới đầu tư.
Vì vậy, quyết định tăng lãi suất nếu có sẽ dời lại trong cuộc họp tháng 12, tuy nhiên như đã nói xác suất tăng lãi suất lần thứ ba trong năm nay đã giảm xuống đáng kể trước những khó khăn mà kinh tế Mỹ đang đối mặt gần đây.
Dù vậy, việc FED thu hẹp quy mô tài sản bằng cách giảm tái đầu tư tiền gốc nhận được khi trái phiếu đáo hạn, theo đó giảm lượng cung tiền vào nền kinh tế và điều này có thể thay chính sách tăng lãi suất để hỗ trợ đồng USD phục hồi, sau khi đã rớt giá mạnh kể từ đầu năm đến nay.
Theo như kế hoạch đã đưa ra, ban đầu sẽ có 6 tỷ USD tiền gốc trái phiếu đáo hạn thu về nhưng không tái đầu tư, tiếp đó cứ ba tháng con số này sẽ tăng thêm 6 tỷ USD đến khi đạt 30 tỷ USD mỗi tháng và kéo dài 12 tháng.
Đối với trái phiếu có đảm bảo bằng tài sản thế chấp, ban đầu sẽ có 4 tỷ USD tiền gốc trái phiếu đáo hạn thu về nhưng không tái đầu tư, tiếp đó cứ ba tháng sẽ tăng thêm 4 tỷ USD đến khi đạt 20 tỷ USD mỗi tháng và cũng kéo dài 12 tháng. Nếu theo đúng kế hoạch trên thì sau một năm, quy mô tài sản của FED sẽ giảm được 50 tỷ USD mỗi tháng và khả năng sẽ duy trì cho đến khi bảng cân đối đạt trạng thái bình thường ở khoảng 2.500 tỷ USD.