Nam Á có thể thiệt hại 215 tỷ USD vì lũ lụt
Quốc tế - Ngày đăng : 06:20, 22/09/2017
Trong khi dư luận toàn cầu vừa trải qua hai tuần liên tiếp dồn sự chú ý vào 2 cơn bão có cường độ mạnh kỷ lục Harvey và Irma ở Mỹ thì hơn 41 triệu người ở khu vực Nam Á cũng đã phải chống chọi với lũ lụt và mất nhà cửa.
Đọc E-paper
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ Tổ chức Tài nguyên Thế giới cho biết, trong khu vực trải dài từ Afghanistan ở phía Tây tới Bangladesh tại phía đông, một phần tư dân số toàn cầu sẽ đối diện với thiệt hại 215 tỷ USD mỗi năm tính tới 2030.
Tháng trước, ít nhất 1.200 người đã chết khi lũ quét qua Mumbai và Benglauru, hai trung tâm tài chính và công nghệ của Ấn Độ, cũng như thủ đô Dhaka của Bangladesh và Karachi - trung tâm tài chính của Pakistan. Ít nhất 34 người chết khi Mumbai trải qua cơn lũ tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ ở đây vào ngày 28 và 29/8. Trong khi đó ngày 31/8, Karachi chứng kiến 23 người thiệt mạng khi thành phố này ngập lụt với lượng mưa 48mm.
Theo quan sát của các chuyên gia thời tiết, đây chắc chắn không thể là con số sau cùng, và ngoài thiệt hại về người, nó cũng giáng một đòn tài chính nặng nề cho không chỉ khu vực mà còn trên toàn cầu.
Ông Tom Hill - Giám đốc điều hành tại Công ty Tư vấn an ninh Control Risks ở New Delhi cho rằng, những công ty hoạt động gần bờ biển, các con sông lớn, vùng trũng hoặc đồng bằng nơi đô thị yếu kém ở khâu thoát nước, sẽ đối diện với nguy cơ lớn từ lũ lụt. "Mưa nhiều và thời tiết khắc nghiệt không chỉ đánh vào các doanh nghiệp Nam Á, mà còn ảnh hưởng lên các công ty toàn cầu vốn xem Nam Á là nguồn cung cấp sản phẩm và vật liệu", ông nói.
Đến nay, mưa lũ đã ảnh hưởng tới 9,5 triệu người trong khu vực này mỗi năm, tương ứng tổng sản phẩm quốc nội trị giá 14,4 tỷ USD và 5,4 tỷ USD của Ấn Độ và Bangladesh cũng đối diện thách thức. Riêng năm 2016, châu Á được biết đã mất 87 tỷ USD sau 320 thảm họa thiên nhiên. Lũ lụt trong khi đó chiếm 47% trong tổng số tai họa liên quan tới thời tiết kể từ năm 1995 tới 2015, báo cáo của Văn phòng giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên Hiệp Quốc cho biết. Trong số 2,3 tỷ người bị ảnh hưởng thì có tới 95% là người châu Á.
Điều quan trọng nữa là các thành phố tại Nam Á dường như yếu trong khâu quy hoạch, còn các công ty thì không dám đầu tư mạnh do thường xuyên bị thiên tai làm gián đoạn. Nó thực sự khiến thiên tai - vốn bị cho đang có chiều hướng diễn biến khó lường với tần suất ngày càng tăng trong 100 năm nay, càng trở thành vấn đề nhức nhối, nhất là khi tính tới 2030 dự kiến có 250 triệu người sẽ sinh sống tại các thành phố Nam Á này.