"Bài toán" hậu cổ phần hóa doanh nghiệp điện ảnh

Đời thường - Ngày đăng : 06:37, 30/09/2017

Để hãng phim nhà nước sau cổ phần hóa hoạt động hiệu quả thì rõ ràng là "bài toán" khó giải.

Trong khi các hãng phim nhà nước sau cổ phần hóa hầu như không có hoạt động nào nổi bật thì các doanh nghiệp tư nhân được đánh giá là đang góp phần đem lại sự khởi sắc cho thị trường điện ảnh Việt.

Đọc E-paper

Nhiều tháng trước và đỉnh điểm là trong tuần qua, các nghệ sĩ của Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (VFS) đã "kêu cứu" về việc sau cổ phần hóa không có phim để làm, mà lãnh đạo Công ty lại có ý định cho thuê mặt bằng bán phở, chân gà nướng... Chuyện hậu cổ phần hóa của các hãng phim nhà nước một lần nữa lại được xới lên.

Tính đến thời điểm này, 3 hãng phim nhà nước là Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim truyện I, Hãng phim Giải phóng đều đã cổ phần hóa xong. Đây là điều tất yếu và phù hợp với quy luật phát triển của kinh tế thị trường, đặc biệt khi trong nhiều năm liền, các hãng phim này chủ yếu chỉ làm phim theo đơn đặt hàng của Nhà nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị xong rồi cất kho, không có doanh thu để đảm bảo thu hồi vốn đầu tư.

Trong khi từ đầu những năm 2000 đến nay, khi Nhà nước cho phép tư nhân làm điện ảnh, số lượng doanh nghiệp điện ảnh tư nhân không ngừng tăng. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, nếu năm 2011 có 121 công ty có chức năng sản xuất phim, thì năm 2015 tăng lên 379 công ty và hiện con số này còn cao hơn nhiều.

Nếu năm 2011 có 29 hãng phim nhà nước, thì năm 2015 giảm xuống chỉ còn 5, số lượng phim sản xuất theo đơn đặt hàng của Nhà nước ngày càng ít đi. Từ năm 2016 đến thời điểm này, chưa có thêm bộ phim điện ảnh nào được Nhà nước cấp vốn.

Thực tế cũng cho thấy nhiều năm nay, phim gắn mác "đặt hàng" khó kéo khán giả đến rạp. Năm 2015, các bộ phim đặt hàng như Nhà tiên tri (Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam), Đường xuyên rừng, Mỹ nhân (Công ty TNHH MTV Hãng phim Giải phóng), Trên đỉnh bình yên (Công ty CP Hãng phim truyện I)... được đầu tư kinh phí lớn nhưng khi ra rạp đều có doanh thu ít ỏi (chẳng hạn Mỹ nhân có ngân sách 16 tỷ đồng, chỉ thu về 500 triệu đồng khi chiếu thương mại), hoặc phải lấy những giá trị không thể đo đếm khi chiếu miễn phí trong các tuần phim kỷ niệm ngày lễ lớn, chiếu phim lưu động.

>>Điện ảnh hỗ trợ phát triển du lịch: Có thể hy vọng?

Không có phim Nhà nước cấp vốn được sản xuất thì năm 2015 vẫn có 40 phim và năm 2016 là hơn 40 phim do tư nhân sản xuất được cấp phép ra rạp. Dự kiến năm nay sẽ có hơn 50 phim ra rạp, cùng hàng chục dự án khác được sản xuất gối đầu cho năm 2018.

Từ nhiều năm nay, khán giả điện ảnh đã quen với những cái tên như Galaxy E&M, BHD, Sóng Vàng, HK Film, Chánh Phương Film, TNA Entertainments, CJ Entertainment, VAA... có sản phẩm ra lò đều đặn. Đó là những công ty cổ phần của những người xuất thân từ các ngành nghề khác nhau (bất động sản, truyền thông, quảng cáo, giải trí..., nhận thấy điện ảnh là thị trường còn giàu tiềm năng nên tự bỏ tiền túi ra làm phim.

Sự kết hợp giữa kinh nghiệm, kiến thức về kinh doanh cùng sự am hiểu về nghệ thuật và cả tâm huyết cá nhân đã đem lại cho điện ảnh Việt Nam những doanh nhân có tài điều hành và quản trị doanh nghiệp nghệ thuật - điều mà hầu hết lãnh đạo các hãng phim đều thiếu khi họ chỉ giỏi làm chuyên môn nghệ thuật thuần túy, "thu phục" được giới nghệ sĩ và cho ra đời nhiều bộ phim đáp ứng thị hiếu khán giả, có doanh thu và khả năng tái đầu tư cao.

Trở lại với các hãng phim nhà nước sau cổ phần hóa, khi không sản xuất phim điện ảnh thì họ làm gì? Cổ phần sớm nhất từ năm 2010, bên cạnh các dự án phim được Nhà nước đặt hàng, gặp đúng thời điểm phim truyền hình nở rộ (2011 - 2014), Công ty CP Phim truyện I nhận hợp tác và gia công khá nhiều phim truyền hình cho các công ty tư nhân ở TP.HCM. Hiện nay, Công ty này vẫn tiếp tục nhận gia công phim truyền hình, phim ngắn, video, phim tài liệu, phim điện ảnh...

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phim Giải phóng, hiện hoạt động chính của Công ty là làm phim gia công cho các đối tác bên ngoài, thực hiện phim ngắn theo yêu cầu của Nhà nước và kết hợp với các dịch vụ cho thuê phim trường, mặt bằng kinh doanh, rạp chiếu phim.

Từ tháng 7/2017, VFS có cung cấp một phần dịch vụ cho dự án phim Những nơi tận cùng thế giới (Pháp) và Người bất tử của đạo diễn Victor Vũ... Thực sự, các nghệ sĩ thuộc biên chế của hãng phim nhà nước lâu nay không thiếu việc làm, vì đa số công ty tư nhân vẫn thuê ekip làm phim có sẵn của chính các hãng phim nhà nước.

Khi "kêu cứu", các nghệ sĩ của VFS không chống lại cổ phần hóa, nhưng họ cần "nhà đầu tư chiến lược là người có tâm, có tầm và cả tiềm lực kinh tế" (lời đạo diễn Trần Quốc Tuấn) để "vực dậy" hãng phim đã có thương hiệu từ hơn nửa thế kỷ với biết bao thành tựu đóng góp cho điện ảnh nước nhà.

Có thể nói, để hãng phim nhà nước sau cổ phần hóa hoạt động hiệu quả thì rõ ràng là "bài toán" khó giải nếu không đi đúng hướng cũng như không có sự đầu tư chiến lược dài hơi, cụ thể.

>>Vì sao làm phim "remake" không phải trào lưu mới?

XUÂN HƯƠNG