Sheryl Sandberg tiết lộ 4 “bài tập” rèn luyện sự kiên cường
Phong cách sống - Ngày đăng : 06:38, 02/10/2017
Sự kiên cường không phải là tố chất bẩm sinh, mà được nuôi dưỡng thông qua sự rèn luyện mỗi ngày. Đó cũng là một lựa chọn khi một người phải đối diện với tình huống bất lợi.
Không phải là “sức mạnh từ bên trong”, sự kiên cường chỉ đơn giản là gắn bó với một mục tiêu dài hạn và kiên quyết đi đến cùng dù phải đối mặt với bất kỳ trở ngại nào.
Adam Grant – đồng tác giả cuốn sách Option B với COO Facebook Sheryl Sandberg – cho rằng, sự kiên cường không phải là tính cách cố định của cá nhân mà là một "dự án cả đời". Option B ra đời sau khi Sheryl Sandberg trải qua sự mất mát lớn, đó là sự qua đời của chồng bà. Mặc dù cuốn sách này mô tả cách nhìn nhận cuộc sống của Sheryl Sandberg sau nỗi đau mất người thân, nhưng nó cũng dành cho những người đang gặp các thách thức lớn khác trong cuộc đời, như gặp vấn đề về sức khỏe, mất việc, tan vỡ mối quan hệ…
Sandberg gợi ý, mặc dù những hoàn cảnh trên tạo cơ hội để một người trở nên kiên cường hơn, họ không nhất thiết phải trải qua một biến cố như vậy mới có được bài học về sự kiên cường. Nó giống như... cơ bắp, chúng ta có thể rèn luyện bằng cách “tập thể dục” thường xuyên. Và sau đây là 4 “bài tập” hiệu quả nhất mà "nữ tướng" Facebook chia sẻ trong cuốn sách của mình:
1. Can đảm
Tại Diễn đàn TED Talk mới đây, GS. Angela Duckworth (thuộc Đại học Pennsylvania) - tác giả cuốn sách Grit: The Power of Passion and Perseverance (tạm dịch: Can đảm – Sức mạnh của đam mê và sự kiên trì ) đã mô tả về sức mạnh của “đặc điểm triệu đô” là sự can đảm: “Can đảm là sự đam mê và kiên trì đối với những kế hoạch dài hạn. Nó là sự chịu đựng, gắn bó chặt chẽ với tương lai do mình vạch ra, không chỉ trong 1 tuần, 1 tháng mà là nhiều năm, và làm việc thật chăm chỉ để biến tương lai đó thành hiện thực. Can đảm là sống một cuộc đời như thể đang chạy marathon, không phải là chạy nước rút".
Sự kiên cường thường được hiểu là tinh thần lạc quan sau khi bị thất vọng hoặc gặp thất bại, còn sự can đảm thì giống như một động cơ giữ chúng ta luôn tiến về mục tiêu hoặc tầm nhìn của mình trong tương lai. Về cốt lõi, sự can đảm đòi hỏi chúng ta phải có sự kiên cường và nó ảnh hưởng đến cách chúng ta theo đuổi mọi mục tiêu.
2. Cầu tiến
Carol Dweck - Giáo sư tâm lý của Đại học Stanford, tác giả cuốn Mindset: The New Psychology of Success (tạm dịch: Tư duy – Phương pháp tâm lý mới để thành công) cho rằng, sự cầu tiến là yếu tố quan trọng để chứng minh sự can đảm, đòi hỏi sự duy trì niềm tin rằng chúng ta có thể phát triển thế mạnh và khả năng của mình nhờ làm việc chăm chỉ. Nghĩa là, sự cầu tiến đến từ sự đầu tư thời gian và công sức chứ không phải là món quà một người nhận được khi vừa sinh ra.
Những người có tư duy cứng nhắc thường có cái nhìn tiêu cực về sự tiến bộ. Họ tin rằng những thế mạnh, khả năng của mình là do bẩm sinh và khó thay đổi, vì vậy không mặn mà học hỏi những chiến lược mới để tiến bộ hơn.
Những người cầu tiến thì ngược lại. Như trường hợp của nhà phát minh Thomas Edison. Ông từng đối diện với những trở ngại gần như không thể vượt qua được. Và ông đã có câu nói nổi tiếng: “Tôi không thất bại. Tôi chỉ tìm ra 10.000 cách làm không hiệu quả”. Đó chính là ví dụ cho sự cầu tiến.
3. Bỏ qua chủ nghĩa hoàn hảo
Để sở hữu sự kiên cường và chứng minh chí cầu tiến nghĩa là chúng ta phải tuyệt đối bỏ qua chủ nghĩa hoàn hảo. Các nhà phát minh, họa sĩ, vận động viên và tác giả giỏi nhất đều biết rằng liên tục cố gắng, thất bại và phạm sai lầm là cách duy nhất để trở nên vĩ đại.
Sai lầm chỉ đơn thuần là những bước đi dẫn đến sự tiến bộ. Đừng sợ mắc sai lầm, và khi phạm sai lầm cũng đừng bỏ chạy, hãy đối mặt với chúng và tìm ra bài học từ đó.
4. Tập trung vào quá trình, chứ không phải kết quả
Một ví dụ của tư duy cứng nhắc là một học viên tập trung quá mức vào điểm số mà không quan tâm đến tầm quan trọng của điều mình đang học. Đây là trường hợp phổ biến ở những người đạt thành tích cao và là một trong những lý do cho thấy sự thông minh không phải là yếu tố quá cần thiết để có sự can đảm.
Can đảm nghĩa là gắn bó với một vấn đề dường như không thể giải quyết như tiếp tục duy trì thái độ tích cực trong quá trình tìm việc dù liên tục bị từ chối. Đây là một “cuộc chơi” dài hạn, khi mà những người xung quanh đang đo lường thành công bằng những gì họ đạt được ở hiện tại, trong khi chúng ta đang thực hiện một nhiệm vụ khó khăn và chỉ có thể nhìn thấy sự tiến bộ một cách từ từ nhưng có thể tạo nên sự khác biệt tuyệt vời trong tương lai.
(Nguồn: Entrepreneur)