Tử vong do làm việc quá sức

Quốc tế - Ngày đăng : 09:36, 09/10/2017

Nguyên nhân thực sự đằng sau sự qua đời của nữ phóng viên người Nhật hồi 2013 vừa được tiết lộ
Tử vong do làm việc quá sức

Văn hóa làm thêm giờ, vốn xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước tại Nhật Bản, đã và vẫn đang là nguyên nhân gây ra nhiều cái chết thương tâm cho người lao động của quốc gia này.

Mới đây, Chính phủ Nhật Bản lại thêm một phen đau đầu trước tình trạng “làm việc quá sức” khi Văn phòng Giám sát tiêu chuẩn lao động Tokyo công bố nguyên nhân cái chết của một nữ phóng viên đài truyền hình NHK xuất phát từ tình trạng suy tim gây ra bởi lao lực kéo dài.

Miwa Sado qua đời vào tháng 7 năm 2013 sau khi đã làm việc tổng cộng 319 tiếng đồng hồ trong vòng một tháng, gấp đôi số thời gian tiêu chuẩn mà một người lao động Mỹ bình thường phải đảm bảo là 160 tiếng. Tại thời điểm xảy ra sự việc, người phụ nữ 31 tuổi đang là phóng viên mảng chính trị của đài truyền hình NHK và tham gia đưa tin về cuộc bầu cử thượng viện Nhật Bản. Ba ngày sau khi cuộc bầu cử kết thúc, khán giả đã không bao giờ còn có thể thấy được nụ cười của cô phóng viên này nữa. Nguyên nhân thực sự đằng sau sự qua đời của cô, karoshi (thuật ngữ người Nhật đặt cho những ca tử vong do làm việc quá độ), chỉ mới được người quản lý của Miwa tiết lộ vào tuần qua.

Trường hợp của nữ phóng viên Miwa Sado đã làm dấy lên làn sóng tranh luận mạnh mẽ trên toàn nước Nhật xung quanh “văn hóa làm thêm giờ”, vốn đã đâm rễ sâu trong nhận thức của người dân quốc gia này. Sự kiện thậm chí đã khiến Thủ tướng Shinzō Abe phải vào cuộc và chỉ ra rằng chính văn hóa lao động tại Nhật Bản là tác nhân chính đã đẩy các nhân viên lâm vào tình cảnh phải bắt buộc thể hiện sự tận tuỵ cũng như cống hiến của mình với ông chủ thông qua giờ làm thêm.

Trong báo cáo hướng dẫn về “karoshi” được xuất bản năm 2016, chính phủ đất nước mặt trời mọc cho biết cứ mỗi 5 người Nhật thì có 1 cá nhân tiềm ẩn nguy cơ tử vong do làm việc quá sức. Cũng theo số liệu từ báo cáo trên, trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có 22,7% công ty cho biết nhân viên của mình thường xuyên làm thêm 80 tiếng mỗi tháng, mức độ bắt đầu gây nguy hại cho sức khỏe.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, cư dân xứ sở hoa anh đào làm việc nhiều hơn hẳn người lao động ở Mỹ, Anh và các quốc gia phát triển khác. Cụ thể, trung bình người Nhật chỉ nghỉ phép có 8,8 ngày/năm, ít hơn một nửa so với số thời gian được cho phép. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng ngày nghỉ phép ở Hongkong là 100% và tại Singapre là 78%.

Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, từ đầu năm 2015 đến tháng 3/2016, đã có hơn 2.000 trường hợp nhân viên tự sát vì áp lực công việc cùng hàng loạt ca tử vong do bệnh tim, đột quỵ cũng như nhiều vấn đề về sức khỏe khác bắt nguồn từ làm thêm giờ.

Để ứng phó tình trạng tử vong do lao động quá độ, Chính phủ Nhật đã đề xuất giới hạn thời gian làm thêm ở mức 100 giờ đồng hồ một tháng, đồng thời cũng đưa ra các mức phạt đối với những công ty “dung túng” cho nhân viên lao động quá giờ. Tuy vậy, theo các chuyên gia thì những biện pháp này vẫn chưa đủ sức răn đe.

Masahiko Yamauchi, một nhân viên cấp cao tại đài truyền hình NHK, nói rằng cái chết của Miwa Sado đã phản ánh rõ nét “thực trạng tồn tại trong các cơ quan và tổ chức ở Nhật Bản nói chung, bao gồm cả hệ thống lao động và phương thức đưa tin bầu cử”.

>Làm nhiều, tiêu ít như người Nhật

>14 nguyên tắc sống khiến người Nhật được thế giới ngưỡng mộ

KHỞI VŨ