"Cơn sốt" bán thực phẩm qua mạng tại Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 06:45, 10/10/2017
Các công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc đang đua nhau nhảy vào lĩnh vực bán lẻ thực phẩm, trang CNN Money cho hay.
Gần đây, việc hãng bán lẻ trực tuyến Amazon.com tìm cách thâu tóm công ty bán lẻ thực phẩm Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD đã thu hút sự chú ý lớn ở Mỹ. Việc thâu tóm Whole Foods cũng đánh dấu cú đột phá mạnh mẽ của “đế chế” thương mại điện tử Mỹ trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm không cần thu ngân.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng Trung Quốc đã dẫn trước Mỹ trong lĩnh vực này.
Alibaba, công ty thương mại điện tử số 1 Trung Quốc, đã có chuỗi cửa hiệu bán lẻ thực phẩm vừa có trên thực tế vừa có trên mạng. Hãng lặng lẽ mở chuỗi cửa hiệu này từ 2 năm trước “vì không ai để ý và chúng tôi muốn thử” - Phó chủ tịch Alibaba, ông Joe Tsai, cho biết tại một hội thảo ở Hồng Kông mới đây.
Mang thương hiệu Hema, chuỗi cửa hiệu của Alibaba muốn chiếm một chỗ đứng trên thị trường bán lẻ thực phẩm trực tuyến đang phát triển với tốc độ nhanh chóng của Trung Quốc. Theo tổ chức nghiên cứu IGD, thị trường này được dự báo sẽ đạt quy mô 180 tỷ USD vào năm 2020.
“Trung Quốc chắn chắn sẽ là quốc gia đi đầu về quy mô và mức độ phổ biến của thị trường thực phẩm trực tuyến”, Giám đốc châu Á của IGD, bà Shirley Zhu, nhận định.
>>"Liên minh" Amazon-Whole Foods khiến các nhà bán lẻ Mỹ lao đao
Tuy nhiên, theo bà Zhu, Alibaba và Amazon “cũng đã chứng minh rằng vẫn có một vai trò cho các cửa hàng thực tế trong lĩnh vực thương mại điện tử”, nhất là đối với các mặt hàng tươi sống.
Người mua hàng tại Hema phải tải một ứng dụng của cửa hiệu này và kết nối ứng dụng đó với một tài khoản trên nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay của Alibaba. Họ có thể mua hàng trực tuyến và nhận thực phẩm tươi được giao đến nhà, hoặc họ có thể yêu cầu đầu bếp của Hema nấu thực phẩm đó thành món ăn và giao đến nhà.
Ngoài ra, khách hàng có thể đến cửa hiệu thực tế của Hema để tự tay chọn mua thực phẩm và thanh toán tại quầy không nhân viên thu ngân. Họ cũng có thể yêu cầu cửa hàng nấu thực phẩm thành món ăn để ăn tại chỗ hoặc mang đi.
Sự nổi lên của mua sắm trực tuyến được cho là báo hiệu đặt dấu chấm hết đối với các cửa hiệu truyền thống. Mặc dù vậy, các chuyên gia trong ngành nói rằng trải nghiệm tại các cửa hiệu truyền thống giúp xây dựng niềm tin của người tiêu dùng, và trong trường hợp bán lẻ thực phẩm, các cửa hiệu thực tế còn được sử dụng như nhà kho.
“Điều quan trọng trong ý tưởng cửa hiệu Hema là chúng tôi đang sử dụng các điểm bán lẻ thực tế để làm kho chứa hàng. Đây là điều mà Amazon nên học hỏi khi họ thâu tóm Whole Foods”, ông Tsai nói.
Đó cũng là điều mà công ty bán lẻ trực tuyến lớn thứ nhì Trung Quốc JD.com đã thành thạo.
“Không giống như sách, bạn không thể giữ táo tươi trong hàng ngàn nhà kho ở khắp cả nước và chờ khách mua”, Phó chủ tịch JD, ông Josh Gartner, phát biểu. “Có một hệ thống cửa hiệu bán lẻ thực tế cộng với nhu cầu sẵn có tại các địa phương giúp mô hình này ngay lập tức có thể mở rộng”.
Thông qua một số thỏa thuận đối tác chiến lược, hệ thống của JD hiện có khoảng 350 cửa hiệu thực tế được dùng như trung tâm chứa hàng cho mảng bán lẻ thực phẩm trực tuyến. Năm ngoái, JD đã mua lại trang thương mại điện tử tại Trung Quốc của Wal-Mart và hiện đang bán nhiều mặt hàng trên trang này, bao gồm hàng thực phẩm.
Cách đây hai năm, JD đã thâu tóm cổ phần trong chuỗi bán lẻ thực phẩm Yonghui Superstores của Trung Quốc và hiện đang sử dụng khoảng 200 cửa hiệu của chuỗi này cho hoạt động giao hàng khách mua online. Nhờ mạng lưới các cửa hàng thực tế và đội ngũ shipper chạy xe máy, JD có thể giao hầu hết các đơn hàng trực tuyến chỉ trong vòng khoảng 30 phút đồng hồ.
Với số lượng người dùng điện thoại thông minh (smartphone) ngày càng tăng và lực lượng dân số trẻ dồi dào, giới phân tích cho rằng thị trường thực phẩm trên mạng của Trung Quốc sẽ không có dấu hiệu giảm nhiệt trong những năm tới.