Sức bật của thể thao Hàn Quốc
Thể thao - Ngày đăng : 06:49, 12/10/2017
Có quá trình phát triển lâu dài, bền vững, có kế hoạch rõ ràng..., đó chính là những điểm khiến thể thao Hàn Quốc mạnh mẽ. Nhưng sau tất cả, tình yêu đóng vai trò quyết định.
Đọc E-paper
Người hâm mộ Việt Nam vẫn còn tranh cãi về ý tưởng mời ông Kiatisuk Senamuang về dẫn dắt đội tuyển. Một số cho rằng đó là "nỗi nhục", chứng tỏ căn bệnh "sợ Thái Lan" của thể thao Việt Nam vẫn còn khá nặng. Nhưng khi có thông tin về việc ông Park Hang-seo về nắm cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam, hầu hết không đưa ra bình luận nào.
Ông Park là người Hàn Quốc từng làm trợ lý của huấn luyện viên Guus Hiddink (Hà Lan) trong mùa World Cup 1998 mà đội tuyển nước này vào tới bán kết. Có thể thấy, thể thao Hàn Quốc nhìn chung đã ở đẳng cấp khác để tranh cãi.
Phát triển khoa học thể thao
Không cổ động viên bóng đá nào phủ nhận rằng, khi đội U-23 Việt Nam hoặc tuyển quốc gia chạm trán với đội Sinh viên Hàn Quốc trong các giải giao hữu, đó đều là trận đấu cân sức. Điều gì khiến cả một đội "sinh viên" của Hàn Quốc cũng đã mạnh như vậy?
Đó là nhờ chính sách phát triển thể thao. Không riêng bóng đá, thể thao học đường của Hàn Quốc thuộc dạng độc đáo nhất khu vực, bên cạnh Nhật Bản.
Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích công dân tham gia và quan tâm tới những hoạt động thể chất, bằng cách ủng hộ các câu lạc bộ thể thao. Đa phần các câu lạc bộ này tổ chức sự kiện liên tục trong năm. Trong vài năm qua, số lượng câu lạc bộ chạy marathon đã tăng lên đáng kể, và các cuộc thi chạy được tổ chức hằng tuần. Số lượng tham gia trong một cuộc chạy nói chung thường từ 800.000 đến... 4 triệu người.
Đi kèm với các hoạt động là sự phối hợp của khoa học thể thao. Các nhà khoa học thể thao tại Hàn Quốc đã nghiên cứu những điều kiện tối ưu để giúp vận động viên hoàn thiện những kỹ năng khó nhất. Lấy ví dụ ở môn nhảy ngựa mà Hàn Quốc giành huy chương vàng tại Olympic London 2012, các chuyên gia cho rằng thời gian lý tưởng để chạm vào vòm yên ngựa là 0,15 giây, và góc tối ưu giữa tay và cơ thể là 22 độ để giữ cơ thể trên không trung lâu hơn cũng như chuyển tư thế nhanh nhất.
>>Sải chân đúng cách khi tập chạy bộ
Hàn Quốc có Viện Khoa học Thể thao Hàn Quốc (KISS), nơi đã thuê chuyên gia về đủ môn thể thao để nghiên cứu phát triển. Họ nghiên cứu các phương pháp và áp dụng lấy con người làm tâm điểm, tức chú trọng khai phá tối đa đặc điểm cơ thể/thể chất và tiềm năng mà một vận động viên có thể có.
Làm thể thao như... giải trí
Động lực chính trong toàn bộ sự phát triển ở lĩnh vực thể thao Hàn Quốc không gì khác là... khán giả. Chỉ khi nhận được sự quan tâm, ủng hộ, thể thao mới được hỗ trợ mạnh mẽ hơn về tài chính, và từ đó tái đầu tư để phát triển hơn nữa. Nói cách khác, nếu ai đó thừa nhận rằng người Hàn Quốc làm giải trí cực giỏi, thu hút được lượng lớn khán giả, thì thể thao của họ cũng phát triển như vậy.
Trang Korea.net từng viết rằng ngay cả các giải đấu cấp làng ở Hàn Quốc cũng thu hút tới 500.000 người tham gia, ủng hộ. Số liệu năm 2013 cho thấy lượng người hâm mộ thể thao gia nhập các câu lạc bộ đã lên tới 4,13 triệu người, tức 8,1% dân số nước này. Họ là những người yêu môn tennis, cầu lông, bóng bàn, bóng cổng (gate ball)...
Khi các ca sĩ nhận thức được thị trường giải trí đầy tiềm năng, họ sẽ dốc sức thể hiện mình, và nhà đầu tư cũng không ngại tạo điều kiện. Ở thể thao cũng tương tự. Số người hâm mộ tăng lên chính là xuất phát điểm cho sự phát triển của thể thao xứ kim chi.
Thời gian qua, người Hàn Quốc đã gây chú ý với việc chuyển niềm yêu thích sang môn golf. Nielsen Sports cho biết 35% dân số nơi đây đang mê môn golf, tức thị trường này đang mạnh hơn cả Mỹ và châu Âu. Điểm khác biệt nữa là môn golf ở Hàn Quốc rất được phụ nữ ưa chuộng. Ngày nay, 24 trên top 50 và 40 trên top 100 tay golf nữ hàng đầu thế giới là người Hàn Quốc.
"Với 15% dân số nói rằng golf là một trong những môn ưa thích nhất của họ trên truyền hình, người Hàn Quốc đang xếp hạng cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào khi nói về môn thể thao này và truyền hình", Giám đốc quản lý Nielsen Sports tại Hàn Quốc - ông John Mou cho biết.
Ở Hàn Quốc, golf thực ra chỉ xếp thứ tư trong danh sách những môn thể thao được chuộng nhất. Bóng chày (54%) và bóng đá (53%) đang "kèn cựa" nhau ở vị trí đầu tiên, tiếp theo là bóng rổ (21%). Điều đó nói lên rằng với sự phát triển ngành truyền thông và truyền hình nói riêng rất mạnh mẽ, thể thao Hàn Quốc đang trong giai đoạn hưng thịnh bậc nhất từ trước tới nay.