Tản mạn bia Đức mùa lễ hội Oktoberfest
Du lịch - Ngày đăng : 06:47, 20/10/2017
Ngày nay, Oktoberfest không chỉ là mùa lễ hội của riêng nước Đức ở München/Bayern mà còn diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ Blume – Brazil đến Kitchener-Waterloo của Canada hay Cincinati – Mỹ và Thượng Hải của Trung Quốc…
Đọc E-paper
Chuyến bay khuya đưa chúng tôi về lại Sài Gòn sau mười ngày đi công tác và chiều tối hôm đó chúng tôi có cuộc hẹn với mấy anh em bạn tại một quán bia Đức. Ngồi trong không gian bài trí theo phong cách một quán bia Đức nên bao dòng suy tư của một thời sống lưu lạc bên trời Âu len lỏi tìm về trong tôi.
Bởi trong mười mấy năm ở Đức, khi còn là sinh viên, có một quãng thời gian tôi làm bartender; nhưng được trải nghiệm và hiểu biết nhiều về bia Đức lại là lúc làm việc tại bệnh viện ở Spandau – Berlin. Bởi lúc đó, mỗi tuần chúng tôi có hai lần ra ngoài thưởng thức bia Đức, một lần đi chung với tất cả các trưởng phòng trong ban quản trị bệnh viện và một lần cùng với bác sĩ của các phân khoa. Mỗi lần hẹn, chúng tôi lại chọn những quán bia khác nhau.
Khi nói về nước Đức, người ta thường liên tưởng đến hai điều: (1) chuyện xe hơi chạy trên xa lộ không bị giới hạn tốc độ và (2) Đức là quốc gia sản xuất nhiều loại bia nhất thế giới. Nhưng có một điều không phải ai cũng biết, đó là nếu mỗi ngày chúng ta nếm thử một loại bia của Đức thì phải mất đến 13 năm mới thử hết hơn 5.000 loại bia đang có mặt tại đất nước này!
Munich/München – thủ phủ của tiểu bang Bavaria/Bayern là nơi diễn ra lễ hội Oktoberfest hằng năm. Đây là lễ hội đã có lịch sử hơn 200 năm, nhân lễ cưới trọng đại của hoàng thái tử Ludwig và công chúa Therese vào ngày 12/10/1810 và kéo dài liên tục trong năm ngày. Thuở đó, đức vua có nhã ý mời tất cả thần dân của thành phố Munich đến dự yến tiệc trong khu vườn thượng uyển với nhiều tiết mục như đua ngựa, ngắm xe hoa… Từ đó đến nay, lễ hội liên tục diễn ra hằng năm, trừ những năm xảy ra thế chiến.
Ngày nay lễ hội Oktoberfest thường được khai mạc vào thứ Bảy – tuần thứ ba của tháng 9 và kết thúc vào đầu tháng 10. Kể từ đầu thế kỷ XXI, mỗi năm người ta ghi nhận lễ hội Oktoberfest đã đón tiếp trên 6 triệu người tham dự đến từ nhiều quốc gia với hơn 7 triệu lít bia được thưởng thức.
Người Đức ví bia như là một loại "bánh mì lỏng", thông thường có độ cồn dưới 10 độ. Nguyên liệu chính của bia là lúa mạch, nhưng phần làm nên tên tuổi của loại "bánh mì lỏng" này chính là hoa bia, tuy không nhiều nhưng đem lại hương thơm và mùi vị đặc trưng cho từng loại bia. Trong hàng ngàn loại bia trên thị trường, người ta xếp chúng vào nhiều loại khác nhau như bia được uống để xã giao, để chào đón hay mời gọi. Có loại uống cho đã khát, có loại uống để nạp năng lượng cấp tốc như khi chúng ta ăn phở hay thịt bò. Có những loại bia được dành cho những ngày đông nắng ấm, số khác được dùng để uống cho tinh thần sảng khoái, tỉnh táo khi đọc sách – loại bia này có độ cồn cao như rượu vang.
Mặt khác, có vô số bia được đặc chế cho phù hợp với thức ăn, như có loại dùng với hải sản, loài có vỏ cứng, hay loại hợp gu với cá, với phô mai, xà lách, patê, hoặc những loại mạnh hơn dùng cho xúc xích, thịt xông khói. Lại có nhiều dòng bia đúng gu cho từng loại thịt như gà, bò, heo, trừu… mà mỗi loại thức ăn lại được nấu, nướng, chiên hay xào theo phong cách ẩm thực của mỗi vùng miền.
Hôm đó, chúng tôi uống loại bia Schneider Weisse, thuộc dòng Hefeweizen, được uống với ly cao và cách uống tựa như cách người Mễ uống bia Corona từ chai: trái chanh được cắt thành tám hay mười lát dài và lớn, sau đó thoa lát chanh lên miệng chai rồi bỏ vào trong chai; kế tiếp rải ít muối trên miệng chai, để khi uống ngụm bia có vị chua và đắng của chanh hòa quyện với chút mặn của muối. Với bia Schneider Weisse thì thay vì uống từ chai, bia được rót vào ly lạnh.
Thưởng thức bia là một cảm nghiệm với nhiều cung bậc, cho người uống cảm nhận được sự hài hòa của các vị đắng, cay, chua, ngọt, mặn, nồng, chát, the… trong từng loại bia, để cuối cùng đọng lại trong ký ức cái dư âm hoàn hảo của loại thức uống này.
Điều này cũng giống cách chúng ta nghĩ về các món ăn tình tự quê hương như phở Bắc, bún bò Huế, mì Quảng, hủ tíu Mỹ Tho… không chỉ gợi nhớ về hương thơm và mùi vị của từng món ăn, mà còn đưa ta về với những nơi chốn từng đi qua.