Thiết bị di động bùng nổ: Cơ hội nào cho máy tính?

Công nghệ - Ngày đăng : 06:52, 23/10/2017

Khi thị trường máy tính suy giảm, xu hướng kinh doanh mới được các hãng tính toán lại bằng cách tập trung vào các phân khúc hẹp hơn như hướng đến người dùng am hiểu công nghệ, có nhu cầu đặc thù như nhà thiết kế đồ họa, game thủ hay những người muốn khẳng định đẳng cấp thông qua chiếc máy tính họ sử dụng.
Thiết bị di động bùng nổ: Cơ hội nào cho máy tính?

Thay đổi chiến lược

Thị trường máy tính cá nhân (PC, bao gồm máy tính để bàn và laptop) liên tục suy giảm nhiều năm gần đây. Hãng Gartner ước tính số PC tiêu thụ trên toàn cầu chỉ còn 62,2 triệu máy trong quý I/2017. Riêng thị trường Việt Nam, IDC dự báo tiêu thụ từ khoảng 1,9 triệu chiếc năm nay xuống còn khoảng 1,72 triệu chiếc năm 2018. PC không còn là vật dụng thiết yếu của đa số người dùng như trước đây vì các thiết bị di động hiện giải quyết được 60% nhu cầu công việc của họ.

Các hãng lớn đã tập trung vào phân khúc hẹp hơn với những đối tượng cụ thể. Tại Việt Nam, Intel liên kết với các hãng Gigabyte, Asus, MSI... tổ chức những cuộc thi về chế tác máy tính theo kiểu "không đụng hàng" nhằm tạo dựng cộng đồng người dùng am hiểu sản phẩm và thích sáng tạo những kiểu máy tính độc quyền.

Ông Nguyễn Quốc Bảo - Quản lý của thương hiệu ROG ASUS cho biết: "Thị trường PC đã tối ưu hơn, tập trung phục vụ những người đam mê công nghệ. Có hãng sẵn sàng nhập về những mẫu laptop có giá từ 80 - 150 triệu đồng nhằm khẳng định một phân khúc cao cấp". Chẳng hạn trong giới doanh nhân, bên cạnh các dòng laptop phổ biến, các siêu phẩm của Dell hoặc HP với giá 40 - 50 triệu đồng họ sử dụng cũng được xem là một biểu tượng thành công.

Xu hướng mới

Trong khi đó, Lenovo tập trung vào dòng All-in-one dành cho gia đình và doanh nghiệp, các máy tính này kết hợp với màn hình cảm ứng, chạy hệ điều hành Windows 10 rất phù hợp với các nhu cầu giáo dục và giải trí trong gia đình như dạy trẻ học toán, tô màu, viết chữ... Các máy All-in-one sử dụng linh kiện kết hợp giữa máy tính để bàn và laptop nên tiết kiệm điện tốt hơn, thiết kế gọn hơn và bắt mắt. Intel cũng giới thiệu dòng NUC (máy tính để bàn nhỏ gọn, kích thước 10x10cm) thế hệ 2017 đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng và có thể kết nối với tivi trở thành thiết bị giải trí gia đình.

Các hãng Trung Quốc khác cũng tung ra nhiều mẫu tương tự dòng All-in-one của Dell, HP và Lenovo nhưng có nhiều lựa chọn hơn. Thậm chí, ViewPaker hay GoodM tung ra các bộ khung sườn máy tính All-in-one bao gồm màn hình máy tính và một khung đế để gắn các linh kiện phần cứng đặt ở mặt sau màn hình. Người dùng có thể tự mua các bo mạch chủ, ổ cứng, bộ xử lý, card đồ họa, nguồn điện để lắp vào khung đế, tự mình tạo ra bộ máy tính All-in-one với cấu hình "siêu cấp" theo ý muốn, hoặc có thể xem là sản phẩm trang trí nổi bật trong nhà.

Xu hướng được nhiều bạn trẻ yêu thích là tự xây dựng máy tính trên nền tảng Benchtable (để bàn chuyên dụng) và Wall-mount (treo tường). Đây là xu hướng thiết kế máy tính dành cho giới trẻ yêu công nghệ và đam mê thiết kế. Benchtable là mô hình máy tính tự sáng tạo, được đặt trên bàn làm việc với thiết kế mở để người dùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp như một "hồ cá” đặt trong nhà với hệ thống đèn LED kết hợp. Còn Wall-mount là dạng thiết kế theo mặt phẳng, gắn trên tường và kết nối qua hệ thống dây cáp và ống dẫn riêng biệt, thiết kế tương tự bức tranh minh họa về cơ học.

Các mẫu thiết kế "độc - lạ” như vậy giá từ 15 triệu đồng, nhưng các mẫu treo tường phải từ 40 triệu đồng. Các nhóm thiết kế máy tính chuyên dụng nổi bật hiện nay là Nhenhophach, BlackCat Modding... Cuối cùng, nếu smartphone là cuộc đua về cấu hình, thiết kế hay camera, thì với PC là sự chăm chút, tập trung phục vụ những người thích chế tác ra các mẫu "không đụng hàng". Họ cũng tạo ra những sản phẩm ấn tượng, trở thành thú chơi thu hút người khác đầu tư theo đam mê. 

>>4K: Từ laptop, tablet đến smartphone

ANH VŨ