E-Logistics trợ lực xuất khẩu
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 06:53, 23/10/2017
Mức chi tiêu dành cho thương mại điện tử tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trung bình hằng năm 23% kể từ năm 2020. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là khi có sự trợ lực từ giao nhận thương mại điện tử.
Cơ hội
Theo tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, doanh thu thương mại điện tử năm 2016 của Việt Nam là 1 tỷ USD, trong đó doanh thu ngành giao nhận thương mại điện tử chiếm khoảng 10 - 12%. Mức chi tiêu dành cho thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng trung bình hằng năm 23% từ năm 2020. Còn theo số liệu của Bộ Công Thương, đến năm 2022, doanh thu thương mại điện tử sẽ tăng 150% hằng năm và đạt 10 tỷ USD/năm nhờ vào sự phổ biến của điện thoại thông minh và mạng xã hội Facebook.
Thị trường Việt Nam rất tiềm năng nhưng các doanh nghiệp ngành vận chuyển, giao nhận còn nhìn cơ hội ở thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới - thị trường đem lại nguồn thu lớn cho các doanh nghiệp. Nghiên cứu chung của Google và Temesek Holdings (Singapore) cho rằng thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á có thể tăng từ 5,5 tỷ USD năm 2015 lên 88 tỷ USD năm 2025. Phân tích kỹ hơn về tiềm năng này, Ngân hàng Đầu tư Nomura (Nhật Bản) đưa ra số liệu khá chi tiết. Cụ thể, doanh thu thương mại điện tử doanh nghiệp - người dùng (B2C) và người dùng - người dùng (C2C) khu vực ASEAN sẽ cán mốc 36,1 tỷ USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CARG) đạt 34%. Riêng doanh thu mảng giao nhận thương mại điện tử ước đạt 7 tỷ USD.
Internet đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đến với thế giới. Tại DHL Express, số lượng đơn hàng vận chuyển trong khối thương mại điện tử đã tăng từ 10% năm 2013 lên hơn 20% năm 2016 trong tổng số các đơn hàng quốc tế. Nếu không tính thị trường Mỹ, 21% dịch vụ giao nhận hàng của UPS trên thị trường quốc tế là B2C. Ông Daryl Tay - Giám đốc Điều hành UPS Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, cuộc cách mạng thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh hơn rất nhiều so với thị trường thương mại điện tử nội địa. Hiện nay, các nhà sản xuất Việt Nam có thể bán hàng trực tiếp tại các nền tảng thương mại điện tử trên toàn thế giới.
Ở góc độ của nhà cung cấp dịch vụ xuất khẩu trực tuyến, ông Trần Xuân Thủy - Giám đốc Thị trường Việt Nam của Alibaba - sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới cho biết, Việt Nam hiện đang xuất khẩu nhiều nông sản, hàng dệt may, da giày qua nền tảng của doanh nghiệp này. Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam là những nước có thế mạnh xuất khẩu hàng hóa lớn và Alibaba đang tìm kiếm các đại lý ủy quyền tại những nước này để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bằng nền tảng trực tuyến. Vì thế, thông qua các đại lý ủy quyền, Alibaba kỳ vọng có thể hỗ trợ 1.000 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tuyến trong thời gian tới.
Tăng cường công nghệ
Trước cơ hội lớn đang mở ra, các công ty vận chuyển, giao nhận hàng hóa tăng cường đầu tư vào công nghệ. Cụ thể, giữa tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Deutsche Post DHL (Đức) khai trương dịch vụ hậu cần thương mại điện tử DHL eComemerce tại Việt Nam. Theo đó, DHL eCommerce sẽ cung cấp dịch vụ như các công ty giao nhận thương mại điện tử hiện nay, kể cả dịch vụ thu tiền hộ.
Đầu tháng 10/2017, UPS Việt Nam thông báo tăng cường dịch vụ tại 10 tỉnh thành tại miền Trung và miền Nam đồng thời với việc cải thiện thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực châu Á từ hai ngày xuống một ngày, và hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu từ ba ngày xuống còn hai ngày. Công ty cũng tăng thời gian nhận hàng trễ nhất trong ngày thêm 3 tiếng đồng hồ. Ông Daryl Tay cho biết, UPS đang nỗ lực giảm thiểu những rào cản mà các doanh nghiệp thường đối mặt khi thâm nhập vào thị trường thương mại xuyên biên giới. Với các dịch vụ tăng cường này, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng kiểm soát các lô hàng xuất nhập khẩu chặt chẽ hơn, nhờ dịch vụ chuyển phát nhanh giờ xác định và vận chuyển hàng nặng.
Cũng theo ông Daryl Tay, thời gian qua, UPS đã đầu tư hàng triệu USD cho công nghệ nhằm đem lại những dịch vụ cao hơn đối với khách hàng, ttong đó có dịch vụ giao hàng nhanh dành cho gói nhỏ vào sáng sớm, dịch vụ cung cấp thời gian giao hàng dự kiến cũng như theo dõi tình trạng giao hàng, dịch vụ gửi trả hàng quốc tế, hỗ trợ khách hàng tạo nhãn giao hàng và hóa đơn thương mại cho gói hàng được gửi từ một quốc gia và trả về một quốc gia khác được chỉ định. UPS còn cung cấp dịch vụ giúp doanh nghiệp cập nhật quy định về giấy phép, mã số thuế, các biểu mẫu và các dịch vụ này được tích hợp vào trang web của nhà bán lẻ trực tuyến. Với khách hàng sở hữu trang web thương mại điện tử, UPS có thể hỗ trợ tích hợp hệ thống logistics, cho phép thực hiện và theo dõi đơn hàng cũng như đảm bảo trải nghiệm mua sắm dành cho khách hàng.
Cũng như UPS, FedEx đã đưa ra nhiều dịch vụ theo dõi chuỗi cung ứng và báo cáo trực tuyến. Khách hàng của FedEx Trade Networks có thể có được thông tin chính xác đến từng phút về hàng xuất nhập khẩu trong 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần.
Trong nước, Công ty Giao Hàng Nhanh đã thay đổi theo hướng trở thành công ty cung cấp nền tảng kết nối. Hiện tại, Công ty đang tuyển dụng nhân sự cho đơn vị chuyên dịch vụ giao hàng xuyên biên giới phục vụ thị trường Trung Quốc, Mỹ và Úc. Việc cơ cấu như vậy, theo đại diện của Giao Hàng Nhanh là giúp Công ty phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của thị trường.
Theo chia sẻ của lãnh đạo một tập đoàn vận chuyển lớn trên thế giới, hiện các doanh nghiệp cung ứng đang chịu sức ép ngày càng lớn từ nhu cầu cung cấp sản phẩm và dịch vụ với số lượng lớn hơn, chất lượng tốt hơn, tốc độ nhanh hơn và giá thành thấp hơn. Và như vậy, các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển sẽ phải cải tiến nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu khách hàng, và điều này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường xuyên biên giới.