Quảng Bình: Con đường trở thành điểm du lịch quốc gia còn xa
Du lịch - Ngày đăng : 04:30, 23/10/2017
Các công ty du lịch như Saigon Tourist và Vietravel đã có gần 10 tháng thử nghiệm những tour "chiều khách" mang tên "Theo dấu chân Kong đến đảo Đầu Lâu" để khách mãn nhãn với những địa danh mà đoàn quay phim Kong: Đảo Đầu Lâu (Kong: Skull Island) đã lấy làm bối cảnh, đó là Tràng An, Vân Long, Tam Cốc (Ninh Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Nhưng Quảng Bình vẫn nằm ngoài các tour này, và vẫn là một tour riêng có giá trị với những tài nguyên đắt giá nhờ hệ thống hang động đẹp nhất thế giới.
Đọc E-paper
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh vừa rồi, ở Quảng Bình dù lượng khách nội địa giảm, nhưng khách nước ngoài vẫn tiếp tục tăng bởi họ muốn xem những cảnh quay trong bộ phim Kong: Đảo Đầu Lâu ở thôn Yên Phú, xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa), nơi có núi non hùng vĩ làm say lòng người. Và ngành chức năng đánh giá, đây là năm đầu tiên ngành du lịch tỉnh Quảng Bình có mức tăng trưởng đáng kể, đón 2,1 triệu lượt khách trong 8 tháng, trong đó có 55.000 lượt khách quốc tế, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016.
Sau khi Kong: Đảo Đầu Lâu được công chiếu, quả thực thông tin về phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Việt Nam càng tạo nên sự tò mò đối với người nước ngoài, nên họ mong muốn đến tận nơi tham quan.
Trong lúc chuẩn bị cho chuyến đi cứu trợ sau cơn bão số 10, chúng tôi tranh thủ tìm kiếm thông tin về du lịch Quảng Bình, và rất mong có thể tận mắt nhìn những phong cảnh hùng vĩ được tái hiện trong bộ phim ăn khách Kong: Đảo Đầu Lâu. Nhưng những người bạn làm báo ở địa phương này nói, chưa đáng để đến, ngành du lịch Quảng Bình cũng chưa có động thái gì cụ thể khai thác phim trường giữa thiên nhiên này.
Việc đặt tên một con đường dài 3km để vào thung lũng Chà Nòi thuộc khu vực đèo Đá Đẽo xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, nơi từng là phim trường theo mong muốn của bà con dân làng cũng chưa tạo "ép phê” cho du khách, chưa kể trong phim sử dụng bao nhiêu hiệu ứng kỹ xảo quay và dàn dựng, nếu đến ngắm phong cảnh chân phương, sợ rằng sẽ có nhiều hụt hẫng do thiếu đầu tư cho dịch vụ du lịch.
Anh Nguyễn Quang Vĩnh, một hướng dẫn viên người địa phương cho biết, tại phim trường cũ, bà con rất mong có những đầu tư để gợi nhớ bộ phim nổi tiếng, những hình tượng thật của cuộc chiến đấu với hoang thú. Làm sao để phim trường quay những bộ phim nổi tiếng khắp thế giới trở thành một điểm đến, một thương hiệu du lịch còn quá nhiều việc để làm, nó không giống với cách "ăn sẵn" từ tài nguyên thiên nhiên như lâu nay ngành du lịch vẫn khai thác, hưởng thụ.
Tôi nhớ lần đi tham quan Angkor Wat ở Siem Reap, Campuchia, hướng dẫn viên nói không ngớt, chỉ từng địa điểm, từng khu đền quay bộ phim Bí mật ngôi mộ cổ. Bối cảnh bộ phim là một cái cớ để sáng tạo nên sản phẩm du lịch, chứ không phải là thứ để người ta chỉ đến xem thực tế. Bởi vậy, nếu ngành du lịch chờ đợi để ăn theo một bộ phim nổi tiếng, e rằng không có cơ hội, vì theo thời gian bất cứ bộ phim ăn khách nào cũng sẽ rơi vào quên lãng.
Đó chính là lý do đến tận bây giờ, trong danh sách sáu điểm đến sáng giá nhất của du lịch Quảng Bình năm 2017, không có tên phim trường bộ phim Kong: Đảo Đầu Lâu bởi giao thông khó khăn, và trên thực địa, hướng dẫn viên cũng chưa có gì nhiều để giới thiệu. Sáu điểm đến của Quảng Bình phần lớn dựa vào tài nguyên du lịch có sẵn, rất nổi tiếng như Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, động Phong Nha, động Thiên Đường (sắp tới có tour hang Sơn Đoòng), bãi Đá Nhảy, suối nước khoáng nóng Bang, suối nước Moọc và những năm gần đây là nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa.
Cả tỉnh Quảng Bình mới có một khu resort 5 sao, gần đây có thêm một số khách sạn 3 và 4 sao. Phần lớn 8.500 phòng khách sạn tại Quảng Bình dừng ở mức 1 hoặc 2 sao, thậm chí chỉ là nhà nghỉ.
Một lần chúng tôi cần thuê 3 phòng ở TP. Đồng Hới vào giữa đêm, ông chủ phát giá 800 nghìn đồng, sau giảm còn 500 nghìn đồng cho cả 3 phòng. Tiền nào của đó. Ông báo trước như vậy.
Hôm đó điện yếu, không đủ để sử dụng máy lạnh, bước vào phòng nhìn bốn cái giường xếp hàng ngang như phòng ký túc xá mà ngao ngán. Nhà tắm, vệ sinh có chất lượng tương ứng.
Chúng tôi từng nghỉ tại khách sạn 4 sao cũng ở thành phố này những ngày không phải cao điểm, cảm giác lạnh lẽo vắng khách bao trùm từ khu sảnh đón đến tận bữa ăn sáng ngày hôm sau. Nhân viên cũng vậy, hầu như chưa được đào tạo kỹ để làm việc ở các cơ sở lưu trú cao cấp. Lối đầu tư này làm cho du khách có mức chi tiêu thấp tìm đến đây, làm tăng nhanh số lượng, nhưng nguồn thu từ du lịch vẫn thấp.
Sự kiện phim Kong: Đảo Đầu Lâu là dịp để nhìn lại tốc độ đầu tư vào du lịch tại Quảng Bình là rất chậm. Tháng 8 vừa qua, nhân dịp về Quảng Bình làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương cho phép nghiên cứu xây dựng cáp treo từ đường Hồ Chí Minh đến Hang Én - là hang động lớn thứ ba thế giới thuộc Khu Di sản Thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng. Từ Hang Én đi thêm 3km mới tiếp cận được khu vực hang Sơn Đoòng.
Còn rất nhiều tranh luận xung quanh việc xây dựng cáp treo vào các di sản thiên nhiên ở Quảng Bình cũng như thực tế việc bảo vệ di sản này những năm qua. Cái đáng lo nữa là dịch vụ còn kém của các cơ sở hạ tầng du lịch, như chất lượng nơi lưu trú đã nói ở trên.
Tại động Thiên Đường, những nhà làm du lịch vừa cố gắng có các dịch vụ giúp du khách dễ dàng tham quan vẻ đẹp hang động, vừa chú trọng khuyến khích tìm hiểu giá trị thiên nhiên, góp tay bảo vệ nó, mọi dịch vụ ăn uống, giải trí đều ở bên ngoài khu vực di sản, khiến cho lượng khách tham quan luôn ở mức vừa phải, kiểm soát tốt rác thải.
Tại động Phong Nha, 3.000 người dân được tham gia phục vụ du khách để được hưởng lợi từ tài nguyên thiên nhiên nơi họ sinh sống. Tuy nhiên du khách cũng ta thán quá nhiều về sự tranh giành khách trong quá trình di chuyển trên sông Son vào động Phong Nha.
Mọi tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường đều chưa ổn. Dịch vụ ăn uống lấn vào tận khu vực tham quan. Từ kinh nghiệm xử lý hài hòa quyền lợi của người dân địa phương và nhà đầu tư của hai điểm tham quan Thiên Đường và Phong Nha cho thấy, cần cân nhắc để vừa phát triển dịch vụ du lịch ở tầm chuyên nghiệp vừa phải bảo vệ được thiên nhiên.
Những khu vực thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ như Phong Nha - Kẻ Bàng, Sơn Đoòng lại cần những cách quản lý thể hiện văn hóa chứ không đơn giản chỉ nhằm mục tiêu khám phá. Đó là điều các cơ quan quản lý nhà nước nên kiểm soát chặt chẽ khi giao di sản cho một doanh nghiệp có khả năng tài chính đầu tư, khai thác.
Những sản phẩm du lịch "nhạy cảm" cần có tham vấn về bảo vệ môi trường từ các tổ chức độc lập trong quá trình xây dựng, khai thác. Điều đó giúp cho du lịch phát triển bền vững, đẩy nhanh quá trình tiến tới công nhận Quảng Bình là điểm du lịch quốc gia.
>Quảng Bình thu hút đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng
>Hang động Bố Trạch Quảng Bình dài 31km kỷ lục mới của thế giới