Gik Blue - cuộc “cách mạng” công nghiệp rượu vang

Start up - Ngày đăng : 06:43, 25/10/2017

Một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp rượu vang Tây Ban Nha được tao ra bởi 6 người trẻ không biết tì gì về loại đồ uống này.
Gik Blue - cuộc “cách mạng” công nghiệp rượu vang

Sắc đỏ, trắng hay hồng có lẽ đã quá quen thuộc với những tín đồ đam mê rượu vang trên toàn thế giới. Thế nên, một ly vang mang màu xanh, sáng tựa đèn neon chắc hẳn sẽ khiến cho nhiều người thích thú.

Gïk, hãng rượu vang xanh đầu tiên trên thế giới đến từ Tây Ban Nha, hứa hẹn sẽ khuấy động thị trường rượu vang toàn cầu trong tương lai với sản phẩm có một không hai của mình.

Aritz López, một trong 6 thành viên đồng sáng lập Gïk, cho hay: “Gïk Blue được sinh ra với sứ mệnh mang lại niềm vui cùng hơi thở mới cho những thứ vốn đã cũ. Chúng tôi, những người trẻ, khao khát đem đến sự đổi mới và tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp rượu vang Tây Ban Nha. Quê nhà chúng tôi, nơi sản xuất rượu vang lớn thứ ba trên thế giới, là địa điểm hoàn hảo cho ý tưởng khởi nghiệp này”.

Rượu vang xanh Gik Blue doanhnhansaigon
6 chủ nhân của thương hiệu Gik Blue

Màu xanh độc nhất vô nhị của Gïk Blue có cảm hứng bắt nguồn từ quyển sách Blue Ocean Strategy (Chiến lược Đại dương xanh) của W.Chan Kim. Trình bày về ý tưởng của mình, doanh nhân trẻ này nói:

“Thị trường rượu vang đỏ truyền thống hiện đang bị bão hòa trong những năm gần đây. Trên thị trường có đến hàng trăm thương hiệu khác nhau nhưng cả thảy chỉ tập trung vào những yếu tố mang tính truyền thống như niên hiệu thu hoạch, giống nho, xuất xứ và giá thành. Thành thực mà nói thì không nhiều người có đủ sự am tường để nhận thức những tiêu chí này, đặc biệt là với lớp trẻ. Bạn sẽ không bao giờ biết bản thân đã mua phải một chai rượu như thế nào cho tới khi bật nắp. Hơn nữa, khi mức độ cạnh tranh tăng cao, nhu cầu tiêu thụ vang cũng bắt đầu có chiều hướng đình trệ. Và, khi cung lớn hơn cầu, việc dư thừa sản phẩm là hệ quả tất yếu. Tại Tây Ban Nha, nhiều chủ vườn nho chỉ còn biết cắn răng đổ bỏ sản phẩm của mình. Có thể thấy, dường như 6 người chúng tôi là những kẻ điên khi dám dấn thân vào nền công nghiệp này. Tuy nhiên, học tập theo câu chuyện thành công của hãng rượu Yellow Tail được đề cập trong Blue Ocean Strategy, chúng tôi tự tin sẽ rẽ lối đi riêng, mang đến màu xanh cho thị trường toàn đỏ này”.

Hoài bão tuyệt vời là thế, nhưng cho đến khi bắt tay vào thực tiễn thì các vấn đề mới lần lượt phát sinh: Không ai trong số nhóm bạn 6 người có chút kiến thức nào về rượu vang cả. Thế nên, cả nhóm đã phải nhờ đến sự trợ giúp từ trường ĐH Basque Country và cả Phòng nghiên cứu thực phẩm của cộng đồng nơi này. Những kỹ sư hóa học tại đây đã miệt mài tới hai năm mới có thể tạo ra loại thức uống có màu xanh độc đáo này.

Gïk Blue có thành phần chủ đạo là nước ép nho đến từ Rioja cũng như Castilla-La Mancha, vốn là hai địa danh nức tiếng xa gần bởi chất lượng giống nho trắng và đỏ của mình. Sau đó, nước ép này được kết hợp với hai hợp chất tự nhiên là anthocyanin và indigotine. Anthocyanin là một loại sắc tố được tìm thấy trên vỏ quả nho đỏ còn indigotine là hợp chất tự nhiên thường được sử dụng trong việc tạo màu chàm cho thức ăn.

Rượu vang xanh Gïk Blue doanhnhansaigon
Một chai Gïk Blue 750ml có giá bán lẻ là 11 đô la

Hương vị của Gïk Blue là sự pha trộn giữa vang truyền thống ướp lạnh cùng cocktail với độ ngọt dịu, thanh thoát cùng cảm giác giống xi-rô đọng nhẹ nơi chót lưỡi khi thưởng thức. Đồng thời, theo lời của Gïk, sản phẩm của mình “sử dụng chất tạo ngọt không chứa calorie nên sẽ đem đến cho người dùng trải nghiệm tuyệt vời”. Thực đơn đi kèm một chai Gïk Blue thường được tiến cử là sushi, nachos với guacamole, mì pasta kiểu carbonara hay cá hồi xông khói cùng nhạc alternative.

Ông Enrique Isasi, chủ nhà hàng Sushi Artist Madrid - một trong những nơi đầu tiên nhận tiêu thụ loại vang này, cho biết: “Thoạt đầu, người ta không tin chúng tôi đang bán rượu vang có màu xanh, nhưng một khi nếm thử, khách hàng yêu thích nó ngay từ những ngụm đầu tiên và đặt mua liên tục.

Khách hàng có thể hào hứng ủng hộ Gïk, nhưng các hãng sản xuất rượu địa phương lại không như vậy. Đầu năm 2017, startup này đã bị một đối tượng nặc danh tố vi phạm quy định chỉ được bán rượu vang trắng hoặc đỏ trong thị trường nội địa. Kết quả là Gïk phải lãnh 3.000 euro mức án phạt từ Chính phủ Tây Ban Nha. Theo Aritz López, mức phạt ban đầu đã có thể là từ 30.000 cho đến 45.000 euro nếu như không có đơn thỉnh nguyện được đăng trên website Change.org. Kéo theo đó, Gïk cũng phải thay đổi nhãn mác “đứa con cưng” của mình để phù hợp với quy định, biến nó thành sản phẩm có “99% rượu và 1% nước nho”.

Aritz López lý giải: “Tại xứ sở bò tót, rượu vang gắn liền với đời sống văn hóa và tinh thần. Điều này đã không thay đổi hàng trăm năm qua. Tây Ban Nha là quốc gia ưa chuộng truyền thống hơn là sự cách tân. Thế nhưng, Gïk Blue sẽ thay đổi điều đó”. Anh nói rằng cả bản thân và 5 người bạn của mình đều cảm thấy rằng nền công nghiệp rượu vang nơi quê nhà đang thiếu đi sự đổi mới cần có. Chàng doanh nhân trẻ tuổi tiếp lời: “Chúng tôi sinh ra và lớn lên trong một môi trường mà rượu vang luôn tồn tại như một thứ gì đó xa xỉ và cao trọng. Ngày hôm nay, chúng tôi có mặt là vì hết thảy những con người chỉ đơn thuần thích thưởng thức một ly vang nhẹ nhàng chứ không muốn lấp đầy tai hàng vạn quy tắc cứng nhắc”.

Cũng bởi lý do này mà trong khi nhiều nhà máy rượu cung cấp đầy đủ chi tiết về giống nho, vùng trồng, năm thu hoạch v.v... thì Gïk hoàn toàn bỏ qua những thông tin đó. Trả lời trên website của mình, doanh nghiệp này nói: “Chúng tôi cảm thấy các quy định xung quanh việc thử rượu là không cần thiết và cho rằng tất cả mọi người không cần phải am hiểu tất tần tật chi tiết về nho chỉ để thưởng thức một ly vang. Đó là lý do chúng tôi không gắn nhãn những thông tin như vậy”.

Sau một năm thử nghiệm tại Tây Ban Nha, Gïk Blue đã cất cánh bay sang thị trường các nước khác ở châu Âu. Hiện, Gïk Blue đã được bày bán tại 25 quốc gia và doanh nghiệp vẫn đang lên kế hoạch mở rộng thị trường sang nhiều nơi khác. Một chai Gïk Blue 750ml có giá bán lẻ là 11 đô la.

>4 bài học startup từ "Thung lũng Silicon" của HBO

>Cựu CEO The KAfe: "Startup có thể thất bại vì... gọi vốn thành công