Doanh nghiệp và bài toán nguồn nhân lực R&D
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 03:06, 30/10/2017
Sau khâu nghiên cứu thị trường, khi các ngách thị trường mới, các công nghệ và kỹ năng quan trọng cần được tích lũy thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) được khám phá nhằm phát triển các sản phẩm và dịch vụ cho thị trường mới.
Để làm được điều này, doanh nghiệp (DN) cần phải có nguồn nhân lực chất lượng đảm nhận công tác R&D để hình thành các kỹ thuật, công nghệ hay mô hình kinh doanh mới.
Nguồn nhân lực này có thể được giải quyết bằng hai cách: nâng cấp nguồn nhân lực hiện tại trở thành các nhà nghiên cứu hàng đầu, hoặc thuê thêm nhân sự mới từ bên ngoài. Đối với trường hợp nâng cấp nguồn nhân lực hiện tại, cần có chính sách hỗ trợ gián tiếp và trực tiếp.
Theo đó, chi phí đào tạo này sẽ được miễn giảm hoàn toàn các loại thuế và phí liên quan, tùy theo yêu cầu kỹ năng mới. Chẳng hạn, nếu DN cần trích một khoản tiền để đào tạo các kỹ sư hoặc nhà khoa học với những kỹ năng nổi trội và vượt bậc thì khoản tiền này được miễn trừ tất cả các loại thuế và phí.
Bên cạnh đó, những công trình nghiên cứu có giá trị quan trọng (có khả năng thương mại hóa và đem lại giá trị cạnh tranh cao cho DN và nền kinh tế) cũng sẽ được tài trợ đăng ký bản quyền tại Việt Nam hoặc quốc tế.
Trong trường hợp những kỹ năng mới của người nghiên cứu mang tính đột phá, then chốt đối với các ngành công nghiệp mới và có giá trị lan tỏa cao (chẳng hạn như internet vạn vật - IoT, trí tuệ nhân tạo...), chính sách có thể hỗ trợ một phần hay toàn phần cho DN (nếu DN có thể trình ra đề án nghiên cứu thuyết phục).
Nếu đào tạo trong nước, nguồn nhân lực này sẽ được ưu tiên đào tạo tại các trung tâm nghiên cứu hàng đầu của đất nước cũng như tại các mạng lưới công nghiệp phụ trợ nhằm tận dụng tính chuyên sâu của các trung tâm này.
Khi cần thiết (chẳng hạn với nhu cầu cao và mức độ quan trọng của nguồn lực mới), có thể mời các chuyên gia hàng đầu trên thế giới phối hợp với các trung tâm và viện nghiên cứu trong nước thực hiện hoạt động đào tạo riêng biệt cho nguồn nhân lực này.
Ngoài ra, nếu có phát sinh thu nhập từ các hoạt động nghiên cứu này, chẳng hạn như thu nhập từ hợp tác nghiên cứu thông qua hướng dẫn nghiên cứu cho các công trình có liên quan, thì các khoản thu nhập này cũng sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Đối với trường hợp thuê nguồn nhân lực từ bên ngoài do DN không có sẵn nguồn nhân lực và cũng không thể nâng cấp đội ngũ hiện tại (DN phải chứng minh điều này do ưu tiên vẫn là sử dụng nguồn nhân lực trong nước trước), DN có thể được khuyến khích thuê ngoài các chuyên gia hàng đầu thế giới trong ngành thông qua các chính sách lao động thông thoáng cho nguồn nhân lực chất lượng cao và các khoản hỗ trợ khác như giảm thuế thu nhập cá nhân, chính sách về visa, nhà ở... nhằm thu hút lực lượng lao động tay nghề cao này. Đặc biệt, nguồn nhân lực người Việt là các kỹ sư, nhà khoa học hàng đầu thế giới sẽ là đối tượng được ưu tiên cao nhất.
Thực tế, tại Hàn Quốc và Đài Loan cho thấy có không ít người lao động bản xứ đã từng học tập và lao động tại Mỹ và châu Âu quay về phục vụ và phát triển các ngành công nghệ cao như điện tử, công nghệ sinh học... tại các nền kinh tế này và làm nòng cốt trong các nhân tố kinh tế quan trọng như Khu công nghệ cao Hinshu của Đài Loan. Tại Việt Nam, có thể thấy Khu công nghệ cao Sài Gòn đang là điểm thu hút rất nhiều công ty công nghệ do đội ngũ quốc tế và người Việt tại nước ngoài quản lý và phát triển.
Đối với nguồn nhân lực không phải gốc Việt, trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành then chốt (đặc biệt các ngành có liên quan đến công nghiệp 4.0) trong nước còn thiếu hụt, cũng cần có chính sách nhằm cạnh tranh với các quốc gia láng giềng trong thu hút nguồn nhân lực này.
Ví dụ, đối với những người có khả năng biến các ý tưởng công nghệ thành các ý tưởng kinh doanh trong trường hợp DN trong nước có nguồn lực công nghệ như công nghệ chế tạo robot, lập trình vi tính nhưng không thể biến các thế mạnh công nghệ này thành các robot trong các nhà máy hay các giải pháp kinh doanh trong kỷ nguyên IoT (người có khả năng quản trị kinh doanh và thương hiệu), và ngược lại người có thể phát triển các chi tiết và kỹ thuật cho sản phẩm từ các ý tưởng kinh doanh tổng quát (người có khả năng quản trị công nghệ và quy trình sản xuất).
Một ví dụ tại Việt Nam là việc Tập đoàn Vingroup bổ nhiệm ông James B.DeLuca - cựu Phó chủ tịch điều hành sản xuất toàn cầu của GM làm Tổng giám đốc nhà máy sản xuất ô tô Vinfast.