Sẽ có một "cuộc cách mạng" trà
Quốc tế - Ngày đăng : 06:42, 01/11/2017
Trà - vốn gắn bó với văn hóa và truyền thống châu Á - từng đánh mất vị thế của mình trước làn sóng du nhập văn hóa từ phương Tây, nhưng giờ đây, thức uống được chứng minh là rất có lợi cho sức khỏe này đang hồi sinh, trở nên cao cấp hơn, đắt giá hơn trên toàn cầu.
Sự xáo trộn thị trường trà
Châu Á là thiên đường về trà, kể cả trồng trọt và tiêu thụ. Nơi này có lịch sử 5.000 năm gắn bó với trà, và 7/10 cường quốc về trà tập trung ở châu lục này. Năm ngoái, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan là ba cái tên đứng đầu trong danh sách các quốc gia uống trà nhiều nhất thế giới.
Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nhà sản xuất trà hàng đầu thế giới. Diện tích trồng trà ở Trung Quốc là 2,72 triệu ha, lớn hơn cả diện tích của Israel. Các đồn điền ở đây tập trung sản xuất trà xanh, cũng như các các loại trà quý hiếm, đắt tiền như "trà vàng" của vùng Tứ Xuyên có giá lên đến gần 2.000 USD một ký.
Thế nhưng, văn hóa uống trà và sự danh giá của thức uống này từng bị mai một hồi những năm 1990, khi nền văn hóa cà phê của phương Tây theo chân những thương hiệu khổng lồ như Starbucks chiếm lấy không gian uống trà cũng như giá trị nền công nghiệp trà tại đây.
Ở khu phố Tàu của Jakarta, cửa hàng trà Pantjoran Tea House được trang trí bằng những tấm gỗ với biểu tượng Trung Hoa. Trong suốt giờ ăn trưa, Pantjoran vắng khách - một hình ảnh đối lập với cửa hàng cà phê gần đó. Ở khắp châu Á, trà được phục vụ rộng rãi và thường là miễn phí tại các nhà hàng, quán ăn đường phố.
Ngược lại, cà phê được phục vụ trong những không gian sang trọng và dành cho những người sành ăn. Quán cà phê đã tăng lên theo sự phát triển kinh tế, tầng lớp trung lưu ở châu Á - những người có nhiều tiền mặt sẵn sàng chi tiền để uống một cốc espresso. Nainika Singh của BMIResearch nói rằng: "Nền văn hóa cà phê ngày càng khiến khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những cốc cà phê cao cấp hơn và chất lượng hơn".
>>Cuộc đối đầu trên thị trường nước trà xanh
Tại trung tâm mua sắm Grand, các quán cà phê nổi tiếng như The Coffee Bean & Tea Leaf hay Starbucks có đến hai cửa hàng cách nhau chưa đến 50 mét và đang có kế hoạch mở cửa hàng thứ ba. Trên toàn khu vực, các trung tâm mua sắm sang trọng là nơi tập trung các quán cà phê chuỗi lẫn độc lập. Trong khi đó, hình ảnh các quán trà ấm cúng như TWG tại Jakarta (Indonesia) vẫn là điều gì đó hiếm thấy.
Thế nhưng, thị trường đang ghi nhận dấu hiệu hồi sinh của trà ngay trên chính quê hương mình. Mặc dù sản lượng cà phê không giảm nhưng thị trường trà toàn cầu cũng không ngừng phát triển. Theo Euromonitor International, thế giới tiêu thụ 2,9 triệu tấn trà vào năm 2016, tăng 1,2 triệu tấn so với năm 2002 và dự báo lượng tiêu thụ đạt 3,3 triệu tấn vào năm 2021. Tiêu thụ trà cũng được dự báo sẽ tăng nhanh hơn cà phê ngay từ bây giờ cho đến thời điểm đó, ở mức 15% từ mức 11,3% trong 5 năm đầu.
Nhiều người trong ngành công nghiệp trà tin rằng các cửa hàng bán trà sẽ thay thế cho quán cà phê và trà sẽ có vị thế mới, trở thành thứ nước giải khát được tiêu thụ nhiều nhất thế giới. Dường như đã linh cảm được cơ hội này, TWG đã được hình thành trong một trung tâm mua sắm của Singapore từ năm 2008. Trixie Anindita - đại diện của The Wellbeing Group (TWG) tại Indonesia cho biết, nơi này dường như hoàn hảo để xây dựng thành lũy cho trà tại châu Á, bởi nó là một trung tâm được bao quanh bởi các nhà sản xuất trà.
Gần một thập niên sau, TWG có 64 cửa hàng khắp châu Á và một số thành phố ở phương Tây và Mỹ như London, Munich và New York, cũng như các cửa hàng tại khu mua sắm cao cấp ở Jakarta. Các nhà bán lẻ cao cấp như Dean & DeLuca của Mỹ và Harrods của Anh đang bán các loại trà của TWG. Trà hiện tham gia vào thị trường như một loại thức uống đóng chai và phải gồng mình để cạnh tranh với những thương hiệu khổng lồ như Coca-Cola. Thế nhưng nhiều công ty trong ngành đã nhìn thấy cơ hội ở phân khúc cao cấp.
Công cuộc hồi sinh
TWG đang cố gắng đem lại một kỷ nguyên mới về trà trong khu vực, Anindita cho biết. Tầng lớp trung lưu ở châu Á đang ngày càng quan tâm đến tình trạng béo phì và các bệnh liên quan đến lối sống, chú trọng hơn đến việc bảo vệ sức khỏe. Và đó chính là cơ hội của trà. Trà được xem là một loại thực phẩm bổ sung sẽ phát triển mạnh ở châu Á - nơi mà các loại trà đóng chai đã được dùng như một loại nước lành mạnh hơn để thay thế các thức nước uống có gas.
Trong khi đó, trà được đẩy mạnh như là một nghiên cứu hay câu chuyện mới về lợi ích cho sức khỏe. "Tôi chắc chắn sự cao cấp hóa thị trường trà không chỉ diễn ra ở châu Á mà là toàn cầu. Đó là xu hướng và sẽ được nhìn thấy rõ trong những năm sắp tới", Maranda Barnes - đồng sáng lập TWG cho biết. Bởi "không giống như châu Âu, trà ở Bắc Mỹ không được coi là phổ biến", theo Kevin Gascoyne - tập đoàn trà Camellia Sinensis, "Thay vào đó, hình ảnh một loại nước uống bổ dưỡng, sự quyến rũ của một thực phẩm kỳ lạ đến từ phương xa".
Tuy nhiên, một thách thức khác đối với trà là phải cạnh tranh với nền văn hóa cà phê. Những nhà phát triển thị trường phải thuyết phục khách hàng rằng họ nên bỏ thêm chi phí để uống một thứ phổ biến như trà, để tận hưởng thêm nhiều loại hương vị, màu sắc được tạo ra từ trái cây, gia vị, thảo mộc... Các hãng trà cần phải nuông chiều khách hàng hơn - những người mong muốn trở nên sành sỏi hơn.
"So sánh với cà phê, lợi thế của trà chính là nghệ thuật, sự kỳ công, khó nhọc của những nghệ nhân, và bổ dưỡng hơn", theo Emeric Harney - Quản lý tiếp thị của Harney & Sons - công ty cung cấp trà của châu Á. "Công ty trà cao cấp có thể đổi mới và giới thiệu hương vị mới, độc đáo sẽ có thể thu hút sự chú ý của giới trẻ - những người quan tâm đến trải nghiệm và luôn luôn hứng thú với việc thử những điều mới lạ”, Nainika Singh - nhà phân tích tiêu dùng của BMI Research cho biết.
Guilaine Azam - Giám đốc truyền thông Kusmi Tea, một thương hiệu trà cao cấp của Pháp, hy vọng doanh số trà đóng hộp sẽ tăng bởi "người tiêu dùng châu Á là những người uống trà xanh từ cổ chí kim, nhưng gần đây, họ đã tìm kiếm các loại trà mới với hương vị mới".
Từng có một cuộc thay đổi lớn ở phương Tây bốn thập kỷ trước, khi mà rượu vang được coi như thứ gì đó chỉ dùng sau bữa ăn tối đã trở thành một thức uống phổ biến được nhấm nháp sau giờ làm, uống ở nhà, ở quán bar, ở các bữa tiệc ngoài trời. "Năm 1970, rượu vang đã trải qua một cuộc cách mạng lớn, mở ra những nơi và cách uống rượu hoàn toàn khác cho khách hàng. Và tôi nghĩ, điều tương tự hiện đang xảy ra, đối với trà”, Harney bình luận.