Mở ra cơ hội kinh doanh thành công tại Việt Nam
Chính sách mới - Ngày đăng : 02:41, 07/11/2017
![]() |
Với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam diễn ra sáng nay (7/11) tại Đà Nẵng.
Đây là sự kiện đáng chú ý của Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Economic Cooperation - APEC), thu hút 1000 doanh nhân trong và ngoài nước tham dự.
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Việt Nam xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, dẫn kết quả khảo sát của AmCham Singapore tháng 9/2017 cho thấy, 56% doanh nghiệp được khảo sát xem Việt Nam là đối tác thương mại tốt nhất. Năm 2017, dự kiến GDP tăng 6,7% và phấn đấu trong giai đoạn năm 2016 - 2020 tăng 6,5-7%. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên khoảng 2.300 USD.
Thu nhập tăng nhanh khiến ngày càng có nhiều người Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, từ đó làm thay đổi cấu trúc tiêu dùng của nền kinh tế, mở ra các cơ hội cho các nhà đầu tư biết cách nắm bắt, đón đầu xu thế thay đổi đó.
![]() |
Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới - cựu Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler đăng đàn về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Ông nói: "Tôi thấy tin tưởng Việt Nam thể hiện được năng lực cạnh tranh với môi trường đầu tư tốt. Đây không phải là ý kiến của cá nhân tôi, mà căn cứ vào báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) đều cho thấy, năng lực cạnh tranh của Việt Nam có sự thăng hạng. Đánh giá của chúng tôi về năng lực cạnh tranh được xây dựng bởi một loạt chính sách và thể chế, xác định năng lực về năng suất lao động... Để đảm bảo có đủ pháp quyền để chống tham nhũng, khung pháp lý để đảm bảo an sinh xã hội tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, nâng cao năng lực và Chính phủ phải tạo ra khung pháp lý hợp lý, phù hợp".
![]() |
Về lĩnh vực tài chính, bà Kwakwa - Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam phải có sự tham gia mạnh mẽ hơn của kinh tế tư nhân và tiếp tục đẩy mạnh hơn việc cải cách cơ chế chính sách cho kinh tế tư nhân phát triển. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa của Việt Nam hiện diễn ra rất nhanh, nhưng có dấu hiệu chậm lại hơn so với một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Trong nhiều đối thoại giữa các nhà đầu tư và Thủ tướng, hầu hết đã đánh giá cao về kết quả năm 2017 khi đã cắt bỏ hơn 5.000 thủ tục hành chính, giảm lãi suất ngân hàng, mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
>>Cải cách thủ tục hành chính - Giải pháp chống suy giảm kinh tế