Ngành gỗ Việt Nam: Áp lực nhân công và công nghệ
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:59, 10/11/2017
Ông Nguyễn Chánh Phương - Giám đốc Công ty Danh Mộc cho biết: "Giá nhân công ngày càng tăng đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư máy móc nhiều hơn. Cách mạng công nghiệp 4.0 buộc phải đầu tư máy móc càng hiện đại thì sản phẩm làm ra càng dễ cạnh tranh. Ngay cả Trung Quốc, tuy nhân lực rất dồi dào nhưng đã chuyển hướng phát triển mạnh về robot để cắt giảm lao động. Doanh nghiệp Việt Nam không thể trông chờ mãi vào giá nhân công rẻ vì sẽ không còn là lợi thế".
Ngành gỗ Việt Nam thu hút hơn 300.000 lao động nhưng số người được đào tạo chính quy không nhiều. Các trường đào tạo nghề không thu hút được học viên ngành chế biến gỗ, nhân lực từ các trường đại học ra cung không đủ cầu, dù phải đào tạo lại. Mục tiêu ngành gỗ trong 5 - 10 năm nữa có thể đạt doanh số 22 tỷ USD, gấp 3 lần hiện nay, đồng nghĩa nguồn nhân công tăng tương ứng. Vì thế nhu cầu tất yếu là phải đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất.
Là chuyên gia tư vấn về máy móc ngành gỗ, ông Lưu Phước Lộc - Giám đốc Công ty M.T.R cho rằng, một trong những cách để tiến tới tự động hóa là doanh nghiệp phải sản xuất chuyên một sản phẩm nào đó. Doanh nghiệp Việt Nam làm quá nhiều mẫu mã, mẫu mã thay đổi liên tục, lại phải sản xuất quá nhiều mặt hàng. Như vậy là không hiệu quả nhưng buộc phải làm. Theo ông Lộc, yếu tố ảnh hưởng đến tự động hóa chính là đơn hàng.
>>Ván sàn gỗ Việt Nam trước cơ hội "thoát sàn"
Khi đơn hàng ổn định, số lượng lớn, sản phẩm ít thay đổi thì doanh nghiệp có thể hướng đến chuyên môn hóa và tự động hóa. Tự động hóa chỉ dễ dàng diễn ra khi doanh nghiệp định hướng được dòng sản phẩm sản xuất theo hướng chuyên môn hóa. Ví dụ tại Mỹ, hầu hết hàng nội thất đã được modul hóa, tức thống nhất chặt chẽ về quy chuẩn sản phẩm giữa nhà thiết kế - nhà sản xuất - nhà phân phối. Chẳng hạn nhiều loại cửa đều cùng một kích cỡ, mua về chỉ cần ráp vào. Các thông số của các loại tủ, giường, bàn ghế,... đều được thống nhất.
Nói đến sự dịch chuyển đơn hàng đến Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM chia sẻ: Ngành gỗ Việt Nam có thể so sánh tương đương với một nước trung bình tại châu Âu, trong đó có rất nhiều nước mạnh về đồ gỗ như Ý, Đức, Ba Lan... Tuy nhiên, ngoài quy mô phát triển ngành cùng thị trường nội địa, họ còn có thị trường truyền thống là những quốc gia láng giềng trong khối EU. Nếu doanh nghiệp Việt Nam cũng nghĩ về những người láng giềng như thế thì cục diện sẽ khác.
Ngoài thị trường xuất khẩu chính là châu Âu và Mỹ, doanh nghiệp gỗ nên nghĩ đến thị trường Đông Nam Á với dân số hơn 600 triệu người mà Việt Nam đang đứng đầu về sản xuất đồ gỗ. Như vậy thị trường cho ngành gỗ Việt Nam là rất lớn. Hiện đã có sự dịch chuyển thị trường sản xuất đồ gỗ đến Việt Nam nhưng chúng ta chỉ mới khai thác cơ hội gia công, còn nhiều giá trị chưa khai thác, đó là thiết kế, thương hiệu, thương mại. Thoát khỏi gia công, vận hội mới thật sự khai mở với ngành gỗ Việt Nam đầy tiềm năng.