Giá dầu khởi sắc, kinh tế vùng Vịnh vẫn còn tê liệt

Quốc tế - Ngày đăng : 06:57, 12/11/2017

Giá dầu thế giới đã đi vào ổn định, nhưng các nền kinh tế ở khu vực Trung Đông vẫn còn gánh chịu hậu quả của đợt giảm giá “vàng đen” chóng mặt bắt đầu cách đây hơn 3 năm.
Giá dầu khởi sắc, kinh tế vùng Vịnh vẫn còn tê liệt

Trang CNN Money dẫn một báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết kinh tế các nước vùng Vịnh sẽ gần như không tăng trưởng trong năm nay. Trong báo báo này, IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP 6 nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) xuống 0,5%, từ mức 0,9% đưa ra trong lần dự báo hồi tháng 5.

“Các nước xuất khẩu dầu lửa đang tiếp tục điều chỉnh để thích nghi với mức giá dầu thấp. Giá dầu giảm sâu đã tác động xấu đến tăng trưởng và dẫn tới thâm hụt lớn về tài khóa và cán cân vãng lai”, theo báo cáo của IMF về triển vọng kinh tế vùng Vịnh.

Sản lượng dầu ở vùng Vịnh đã giảm xuống sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) và một số nước xuất khẩu dầu lớn ngoài khối, bao gồm Nga, nhất trí cắt giảm sản lượng để cứu giá dầu. Thỏa thuận này kéo dài đến hết tháng 3/2018 và một số quốc gia đang tính khả năng gia hạn thỏa thuận.

Dự báo tăng trưởng kinh tế vùng Vịnh của IMF được dựa trên mức giá dầu trung bình 50 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) tại thị trường Mỹ hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 54 USD/thùng, còn giá dầu Brent tại thị trường London giao dịch quanh ngưỡng 60 USD/thùng.

Ông Jihad Azour - Giám đốc IMF phụ trách khu vực Trung Đông và Trung Á, khuyến cáo rằng các chính phủ trong khu vực không nên vì giá dầu hồi phục mà trì hoãn các cải cách kinh tế. Vị chuyên gia IMF cũng hối thúc các nước vùng Vịnh thúc đẩy kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế và cho rằng dầu vẫn là một nhân tố quan trọng đối với tình hình kinh tế vĩ mô của các nước này.

Mấy năm gần đây, giá dầu giảm đã buộc các nước vùng Vịnh điều chỉnh lại chiến lược kinh tế. Vào năm ngoái, Arab Saudi - nền kinh tế lớn nhất khu vực và cũng là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đưa ra chiến lược mang tên Tầm nhìn 2030 phác họa hình ảnh của nền kinh tế nước này trong thập niên tới.

Theo đó, Chính phủ Arab Saudi bắt đầu cắt giảm các khoản trợ cấp, áp các loại thuế mới, và dỡ bỏ lệnh gây tranh cãi không cho phép phụ nữ lái xe. Riyadh cũng vay vốn từ thị trường trái phiếu quốc tế 3 lần trong vòng chưa đầy 5 năm, với số vốn huy động nhiều tỷ USD mỗi lần.

Các nước khác ở vùng Vịnh, gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Kuwait cũng dự định sẽ đánh thuế tiêu thụ từ năm tới.

Những cải cách chính đang được lên kế hoạch như đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) và tiếp tục xóa bỏ các chính sách trợ cấp là hướng đi đúng, cho phép các nước vùng Vịnh tăng tính linh hoạt tài khóa mà không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, ông Azour nhận xét như vậy.

>>13 sự thật khó tin về Arab Saudi

N.N