Mọi thứ về fintech
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:38, 15/11/2017
Theo báo cáo “Chỉ số Tiếp nhận Fintech” (Fintech Adoption Index) của trang EY.com, có khoảng ⅓ người tiêu dùng toàn cầu đang sử dụng từ 2 loại hình dịch vụ fintech trở lên, với 84% nói họ biết về fintech (tăng 22% so với năm trước). Tuy nhiên, không nhiều người dùng có cái nhìn rõ nét về những ứng dụng công nghệ tài chính mà họ đang sử dụng cũng như các thuật ngữ đi kèm với fintech. Dưới đây là toàn bộ khái niệm bạn cần biết về fintech.
Fintech
Fintech, hiểu theo nghĩa rộng, là bất cứ đổi mới nào về mặt công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Các tổ chức kinh doanh tham gia vào ngành tài chính là người đi tiên phong trong việc mang đến nhiều đổi mới công nghệ, góp phần phá vỡ những rào cản của thị trường tài chính truyền thống.
Hiện nay, phần đông doanh nghiệp đi đầu trong quá trình sáng tạo công nghệ mới là các startup. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng top đầu trên thế giới như HSBC hay Credit Suisse cũng đã tự phát triển ý tưởng fintech của riêng mình. Các doanh nghiệp chuyên về fintech thường sử dụng rộng rãi nhiều loại hình công nghệ, trải dài từ cái đơn giản như ứng dụng thanh toán trực tuyến cho đến những phần mềm phức tạp như trí tuệ nhân tạo hay big data.
Cryptocurrency
Cryptocurrency hay “tiền mã hóa” là loại hình tiền điện tử phi tập trung và không chịu sự phụ thuộc, điều tiết của chính phủ hay bất kỳ ngân hàng trung ương nào. Việc tạo ra tiền cũng như giao dịch được tiến hành bởi quá trình mã hóa. Hiện nay, Bitcoin và Ether là hai loại tiền mã hóa phổ biến nhất. Ngoài ra, còn những loại tiền ảo khác như Litecoin, Ripple và Dash.
Bitcoin
Bitcoin là loại tiền mã hóa phổ biến nhất trong thế giới fintech. |
Bitcoin là thuật ngữ được nhắc đến nhiều nhất bởi giới truyền thông và tài chính hiện nay. Nó là loại tiền mã hóa đầu tiên và phổ biến nhất trong thế giới của fintech. Loại tiền mã hóa này ra mắt từ năm 2008 và tới nay danh tính thực sự của người tạo ra nó vẫn còn là một ẩn số. Được biết, một người đàn ông với biệt danh Satoshi Nakamoto đã sáng tạo ra bitcoin và khi giới thiệu về loại tiền mã hóa này, ông đã định nghĩa như sau: Phiên bản tiền điện tử của mạng ngang hàng (P2P), cho phép hai bên thanh toán trực tiếp cho nhau mà không phải thông qua bất kỳ tổ chức tài chính nào”.
Blockchain
Blockchain (công nghệ chuỗi khối) được tạo ra bởi cha đẻ của bitcoin, Satoshi Nakamoto. Nó đóng vai trò như một “sổ cái”, dùng cho tất cả mọi người để ghi lại toàn bộ giao dịch với tiền mã hóa đã diễn ra thông qua hệ thống mạng máy tính. Công nghệ này bảo mật thông tin thông qua các chuỗi (blocks) đã được mã hóa. Nhiều chuyên gia blockchain tin rằng công nghệ này có thể đem lại sự bảo mật và minh bạch cho nhiều nền công nghiệp khác chứ không chỉ riêng fintech.
Ethereum
Ethereum là một dạng khác của blockchain. Nó được giới thiệu vào năm 2013 bởi Vitalik Buterin, một lập trình viên 19 tuổi người Canada gốc Nga. Giải thích về Ethereum, Buterin nói rằng nó được thiết kế khác với blockchain. Công nghệ này giúp người sử dụng viết nên các ứng dụng mang tính phi tập trung, nghĩa là cho phép người dùng tương tác trực tiếp với nhau mà không phải thông qua bất kỳ một đối tượng trung gian nào. Và, sản phẩm của công nghệ này chính là loại tiền mã hóa phổ biến thứ hai thế giới sau bitcoin, ether.
Disruptive innovation
Disruptive innovation hay “đổi mới đột phá”, diễn ra bất cứ khi nào công nghệ mới làm biến đổi cách thức vận hành của thị trường. Mặc dù đây không phải là thuật ngữ đặc thù của riêng fintech, song nó thường được sử dụng trong lĩnh vực này khi người ta muốn nói đến các sự kiện cụ thể, trong đó sự xuất hiện của những tiến bộ công nghệ buộc các tổ chức tài chính phải suy xét hay cải tổ lại chiến lược cũng như cách thức tiếp cận của mình với thị trường.
Regtech
Regulatory technology là thuật ngữ dùng để chỉ các loại hình công nghệ giúp cho các công ty thuộc ngành dịch vụ tài chính đáp ứng được các quy định về tuân thủ tài chính. Một trong những ưu tiên hàng đầu của regtech là tự động hóa và số hóa các quy định về “chống rửa tiền” (Anti-Money Laundering) để giảm thu nhập bất hợp pháp. Bên cạnh đó là quy định về thủ tục “Nhận biết khách hàng” (Know Your Customer), nhằm xác định và xác minh thông tin khách hàng của các tổ chức tài chính để chống lừa đảo.
>>27 startup fintech có giá trị nhất thế giới
Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh (U.K.’s FCA) là nơi đầu tiên đưa ra thuật ngữ này. Hiện, các cơ quan như FCA đang hợp tác với nhiều công ty chuyên về regtech trên thế giới ở nhiều ứng dụng khác nhau để giúp việc tuân thủ các quy định được diễn ra tốt hơn và giảm thiểu chi phí.
Insurtech
Insurance technology là một nhánh nhỏ hơn của fintech, trong đó hướng đến sử dụng công nghệ nhằm đơn giản hóa và cải thiện chất lượng của ngành bảo hiểm. Tháng trước, theo báo cáo đến từ gã khổng lồ chuyên về tư vấn, Capgemini và cơ quan bảo hiểm phi lợi nhuận Efma, hiện các công ty bảo hiểm truyền thống đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày một gia tăng do sự xuất hiện của nhiều startup insurtech.
Initial coin offering
Initial Coin Offering (ICO) là một hình thức huy động vốn dành cho các startup sử dụng công nghệ blockchain. Khi ICO, doanh nghiệp sẽ bán số tiền mã hóa mà mình có để thu về tiền mặt. Nói nôm na thì ICO có khá nhiều điểm tương đồng với phát hành cổ phiếu lần đầu trước công chúng (IPO).
Theo các chuyên gia, công nghệ blockchain có thể đem lại sự bảo mật và minh bạch cho nhiều nền công nghiệp khác chứ không chỉ riêng fintech. Nguồn: FBNC |
Tuy nhiên, ICO khác với IPO ở chỗ cổ phiếu của một doanh nghiệp được phát hành khi IPO luôn biểu thị một phần quyền sở hữu trong công ty đó. Điều này không có trong ICO. Thông thường, các đoạn mã mà bạn mua được chỉ dùng để biểu quyết cho một số dự án và chúng chỉ là đơn vị tiền tệ bạn có thể bán cho người dùng khác hoặc chuyển đổi ra tiền tệ khác.
Open banking
Open banking là một tư tưởng mới xuất hiện gần đây trong ngành dịch vụ tài chính, trong đó yêu cầu các ngân hàng cho phép các bên thứ ba viết ứng dụng và cung cấp dịch vụ từ chính dữ liệu của ngân hàng. Trong open banking, nhất thiết cần phải có sự tham gia của ứng dụng giao diện lập trình (Application Programming Interface, API). Ứng dụng này là một phần mềm giao tiếp cho phép các chương trình tài chính khác biệt tương tác với nhau để từ đó hình thành nên mạng lưới kết nối giữa các tổ chức tài chính với nhà cung cấp trung gian thứ ba.
Những người ủng hộ open banking cho rằng một môi trường tài chính sử dụng rộng rãi API sẽ giúp các startup fintech tạo ra thêm nhiều ứng dụng mới nhằm hỗ trợ khách hàng kiểm soát thông tin cũng như ra quyết định tốt hơn.
Robo-advisor
Robo-advisors, tạm dịch “người máy cố vấn”, là thuật ngữ dùng để diễn tả các chương trình hỗ trợ người dùng đưa ra quyết định cho những vấn đề tài chính bằng cách mang lại lời khuyên thích hợp thông qua nhiều thuật toán. Những phần mềm này đóng vai trò thay thế người cố vấn tài chính của bạn, qua đó giảm bớt chi phí quản lý danh mục đầu tư.
>>Cơ hội và rủi ro từ fintech
Unbanked/underbanked
Unbanked hay underbanked được sử dụng để chỉ những cá nhân không có tài khoản ngân hàng hoặc những người vì lý do nào đó mà không thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính phổ thông. Nhiều công ty fintech đã và đang đặt mục tiêu phát triển các sản phẩm công nghệ hướng đến bộ phận này trong xã hội để kéo họ đến gần hơn với các loại hình dịch vụ tài chính.
Financial inclusion
Tài chính bao quát (Financial Inclusion) dùng để chỉ các giải pháp công nghệ được dùng để mang đến dịch vụ tài chính vừa với túi tiền dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối với những cá nhân có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn. Giống như bộ phận unbanked hay underbanked, nhóm này cũng không có cơ hội tiếp cận với các loại hình dịch vụ tài chính phổ thông. Đây là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất dành cho các công ty fintech ở những nước có thị trường đang phát triển.
Smart contracts
Smart contracts (hợp đồng thông minh) được dùng để chỉ những phần mềm tự động thực thi hợp đồng giữa người mua và người bán. Hợp đồng thông minh thường được xây dựng dựa trên nền tảng của công nghệ blockchain và giúp tiết kiệm nhiều thời gian cũng như chi phí vốn phải chi cho bên thứ ba làm hợp đồng.
Accelerators
Accelerator (vườn ươm tăng tốc khởi nghiệp), hay còn gọi là “seed accelerators”, dùng để nói đến các chương trình được thực hiện bởi các tổ chức tài chính nhằm huấn luyện và làm việc với các startup fintech. Các vườn ươm tăng tốc khởi nghiệp có thể được hỗ trợ bởi vốn tư nhân hay nhà nước. Một số chương trình còn được thực hiện bởi những ngân hàng lớn như Ngân hàng Trương ương Vương quốc Anh, Bank of England, ngân hàng tư nhân đa quốc gia Barclays.