Bóng đá châu Âu vào mùa "trảm tướng"
Thể thao - Ngày đăng : 09:16, 15/11/2017
Từ Frank de Boer, Slaven Bilic cho đến chiến lược gia lão làng Carlo Ancelotti, làn sóng sa thải huấn luyện viên (HLV) đang lan rộng khắp châu Âu.
Đọc E-paper
Khi mùa bóng chỉ mới đi qua được 1/3 chặng đường, hàng loạt đội bóng đã phải lựa chọn giải pháp cuối cùng mong cứu vãn tình thế. Ngày 6/11 vừa qua, Slaven Bilic vừa trở thành HLV thứ tư phải nhận trát sa thải tại Premier League mùa này. 10 ngày trước, Ronald Koeman ở Everton cũng đã phải chịu chung cảnh ngộ, trước đó nữa là Craig Shakespeare tại Leicester City và Frank de Boer ở Crystal Palace.
Càng chi nhiều, yêu cầu càng cao
Khắp châu Âu, tin tức các HLV mất việc cũng liên tục xuất hiện ở các giải đấu hàng đầu. Khắc nghiệt không kém Premier League, La Liga cũng đã có 4 HLV bị loại khỏi cuộc chơi. Tại Bundesliga, dù chỉ có 18 đội bóng nhưng 3 trong số đó đã phải đổi người dẫn dắt chỉ sau vòng 11. Từ "ông lớn" Bayern Munich đến đội bóng cuối bảng Werder Bremen đều phải tìm đến giải pháp thay ngựa giữa dòng.
Đâu là điểm chung giữa các đội bóng phải vội vàng thay tướng chỉ sau 1/3 mùa giải? Đó chính là những cái tên đã "bạo chi" trong kỳ chuyển nhượng mùa hè. Thống kê từ Transfermarkt cho thấy, Everton đã chi ra hơn 142 triệu bảng để tăng cường lực lượng, West Ham ném ra đến 40 triệu bảng mua sắm tân binh. Bayern Munich cũng lần lượt đưa về những "bom tấn" như James Rodriguez Corentin Tolisso... với rất nhiều kỳ vọng.
Đầu tư lớn thế nhưng thành tích thu về lại dưới mức chấp nhận được, lãnh đạo các đội bóng bắt buộc phải hành động. Áp lực thành tích, kỳ vọng nơi người hâm mộ, sức ép từ giới truyền thông... khiến sự kiên nhẫn trở thành điều xa xỉ với các HLV hiện nay. Sa thải một HLV chính là phương án đơn giản nhất và cũng nhanh chóng nhất để chấm dứt cơn khủng hoảng trên sân cỏ cũng như trong nội bộ mỗi đội bóng.
>>Bóng đá châu Á ngụp lặn trong vùng trũng
Năm 2007, Jose Mourinho bị Chelsea sa thải ngay từ tháng 9 đã gây nên một cú sốc, thế nhưng 10 năm sau, Carlo Ancelotti rời Bayern, cũng trong tháng 9, lại là chuyện rất đỗi bình thường.
Cách nay 6 năm, mùa bóng 2011 - 2012, Premier League chỉ có 1 HLV bị sa thải trước Giáng sinh. Tuy nhiên, trong những mùa bóng gần đây, danh sách các "thuyền trưởng" mất việc ngay từ tháng 10, tháng 11 càng lúc càng dài.
Sa thải Ancelotti, thay bằng chính cựu HLV Jupp Heynckes, Bayern nhanh chóng lấy lại ngôi đầu Bundesliga. Leicester City đã leo lên được giữa bảng xếp hạng, trong khi Everton cũng có được chiến thắng đầu tiên sau hơn một tháng.
Sự "đổi vận" chóng mặt của các đội bóng sau khi thay thế HLV càng củng cố thêm niềm tin cho giới chủ. Càng sớm "trảm tướng" càng nhanh chóng trở lại, khi các mục tiêu của mùa giải vẫn còn trong tầm tay.
Trăm dâu đổ đầu HLV trưởng
Không có thay đổi về chiến thuật, khác biệt duy nhất giữa Bayern - Heynckes và Bayern - Ancelotti chỉ là tinh thần của các trụ cột. Dưới thời Heynckes, tiền vệ ngôi sao Arjen Robben thi đấu như thể "hồi xuân", trái ngược hoàn toàn với hình ảnh nhạt nhòa khi Ancelotti còn dẫn dắt. Thậm chí, sau trận thua PSG ở Champions League, cầu thủ người Hà Lan còn thẳng thừng từ chối lên tiếng ủng hộ ông thầy của mình.
Uli Hoeness - Chủ tịch Bayern Munich không ngần ngại chỉ ra 5 cầu thủ đã ra mặt chống đối và khiến Ancelotti phải ra đi. Ngày nay, các HLV không chỉ phải giỏi chuyên môn mà còn phải quản lý bằng được "phòng thay đồ" của mỗi đội bóng. Càng nhiều ngôi sao được đưa về, những vấn đề nội bộ lại càng trở nên nóng bỏng. Và thế là các HLV đôi khi trở thành "vật tế thần" để lập lại hòa bình.
"Màn kịch" tương tự cũng tái diễn ở Leicester City - đội bóng từng bất ngờ vô địch Premier League hơn một năm trước. Tờ The Sun tiết lộ, trong trận đấu cuối cùng trước khi bị sa thải, HLV Craig Shakespeare gần như đã "xuống nước" với các cầu thủ của mình, mong cố giành một trận thắng. Ronald Koeman cũng từng phải "họp khẩn" với nhóm trụ cột của Everton, kêu gọi họ nỗ lực vì chiếc ghế của mình.
>>Bài học quản trị từ HLV Ferguson
Quyền lực quá lớn của một hoặc một nhóm cầu thủ đang trở thành "sóng ngầm" ở rất nhiều đội bóng châu Âu. Tại PSG, Neymar - ngôi sao trị giá 220 triệu euro đang tỏ ra bất mãn với HLV Unai Emery. Ở Real Marid, Zinedine Zidane đang kẹt giữa nhóm cầu thủ công thần và nhóm cầu thủ trẻ, khát khao hơn nhưng lại ít được ra sân thi đấu. Trong khi đó, ở Chelsea, Antonio Conte vừa tống khứ được mầm loạn Diego Costa thì lại lập tức phải đau đầu về trường hợp của David Luiz - cầu thủ vừa bị loại khỏi danh sách thi đấu trước Man United.
Từ những Chelsea, Real Madrid sang đến AC Milan, Dortmund,... hàng loạt chiếc ghế HLV đang lâm vào cảnh lung lay trên khắp châu Âu. Khi mùa bóng sắp sửa bước vào giai đoạn quyết định, làn sóng sa thải HLV chắc chắn chưa thể dừng lại. Giờ đây, chỉ cần một thất bại cũng có thể trở thành giọt nước tràn ly, khiến các chiến lược gia hàng đầu phải trả giá bằng chiếc ghế của mình. Mỗi trận đấu đều trở thành canh bạc sống còn, thế nhưng những "con át chủ bài" lại đang không hoàn toàn nằm trong tay các HLV.