Cổ phiếu của doanh nghiệp lớn hấp dẫn nhà đầu tư
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 00:39, 15/11/2017
Theo ông Tô Hải - Giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) - nhà tư vấn cho VPBank lên sàn, có khoảng 80 nhà đầu tư nước ngoài với giá trị đặt mua lên tới 1,2 tỷ USD.
Chỉ 2 tháng rưỡi sau, kỷ lục trên đã bị phá vỡ bởi phiên chào sàn của Vincom Retail diễn ra ngày 7/11, khi có tới 415 triệu cổ phiếu được trao tay tại mức giá 40.600 đồng/CP, tương ứng với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 16.800 tỷ đồng, tương đương 742 triệu USD. Đáng chú ý, đợt chào bán này nhận được hơn 2 tỷ USD nhu cầu đặt mua, gấp 3 lần giá trị chào bán và trở thành khối lượng đặt mua cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam cho đến lúc ấy.
Không chỉ hàng mới gây sốc với giá trị đặt mua kỷ lục, mà những cổ phiếu lâu đời như của Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) gần đây cũng đã chứng tỏ độ nóng khi liên tiếp tăng mạnh trước khi diễn ra phiên đấu giá để thoái vốn của cổ đông nhà nước. Và chiều ngày 10/11, phiên đấu giá đã diễn ra thành công tại VNM khi có lệnh khủng từ một nhà đầu tư nước ngoài ôm trọn hơn 48 triệu cổ phiếu đưa ra đấu giá tại mức giá 186.000 đồng/CP, cao hơn 23% mức giá khởi điểm.
Tín hiệu tích cực
Những phiên chào sàn và đấu giá thành công như trên cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng kinh tế của Việt Nam là rất tích cực trong dài hạn, nhất là khi những chỉ số vĩ mô gần đây đã được cải thiện đáng kể.
Hôm 31/10/2017, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Moodys đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ "ổn định" lên "tích cực". Trước đó, vào giữa tháng 5, Fitch Ratings cũng đã nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ "ổn định" lên "tích cực".
Các phiên chào sàn của các doanh nghiệp mới cũng như những phiên đấu thầu thoái vốn nhà nước trong giai đoạn sắp tới, với kỳ vọng sức hút từ thị trường sẽ tăng lên, đặc biệt là dòng tiền tham gia từ các quỹ đầu tư cũng như các tổ chức quốc tế và cổ đông nước ngoài.
Trong khi đó, việc các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các phiên chào sàn và thoái vốn với khối lượng kỷ lục như trên cũng tác động tích cực lên tâm lý thị trường, đặc biệt là trong thời điểm các chỉ số đang ở vùng giá cao kỷ lục như hiện nay. Điều này cho thấy chỉ cần hàng hóa có chất lượng cao thì không lo thiếu tiền để hấp thụ hết những phiên chào bán với khối lượng khủng này.
Ngoài ra, diễn biến này sẽ tạo thuận lợi cho các phiên chào sàn của các doanh nghiệp mới cũng như những phiên đấu thầu thoái vốn của Nhà nước trong giai đoạn sắp tới.
Cơ hội cho những doanh nghiệp còn lại
Trong 2 tháng còn lại của năm, nhiều doanh nghiệp lớn đã có kế hoạch IPO, trong đó có 3 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gồm Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), cùng những cái tên như Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH MTV Becamex IDC, cũng như hàng loạt cổ phiếu các ngân hàng.
Chính phủ đã công bố kế hoạch cổ phần hóa thêm 64 doanh nghiệp trong năm 2018, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Giấy Việt Nam, Mobifone, và nhiều doanh nghiệp lớn khác trong ngành vàng bạc, đá quý, bất động sản, phát điện,...
Đến năm 2019, mặc dù kế hoạch của Chính phủ dự kiến cổ phần hóa 18 doanh nghiệp, nhưng có thể nhìn thấy nhiều tên tuổi lớn hấp dẫn như Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Than và Khoáng sản...
Đối với việc thoái vốn của cổ đông nhà nước, việc thoái vốn thành công tại VNM sẽ là tiền đề để Nhà nước tiếp tục thoái vốn tại những doanh nghiệp blue-chip như Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP), Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC), Công ty CP FPT, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC) theo đúng thời hạn trong thời gian còn lại của năm nay.