Tâm huyết giữ gìn cải lương tuồng cổ

Đời thường - Ngày đăng : 06:32, 17/11/2017

Sân khấu cải lương ngày càng mai một nhưng vẫn có những người cố gắng trụ lại với mong muốn cống hiến cho khán giả những nét đẹp của cải lương, nhất là cải lương tuồng cổ.
Tâm huyết giữ gìn cải lương tuồng cổ

Sân khấu cải lương ngày càng mai một nhưng vẫn có những người cố gắng trụ lại với mong muốn cống hiến cho khán giả những nét đẹp của cải lương, nhất là cải lương tuồng cổ. 

Đọc E-paper

Nghệ thuật cải lương, đặc biệt cải lương tuồng cổ, vốn là tinh hoa của vùng đất Nam bộ xưa với 2 gia tộc lừng danh là Minh Tơ và Huỳnh Long. Từ 2 cái nôi này, đã có biết bao nghệ sĩ tài danh cống hiến cho bao thế hệ khán giả mộ điệu suốt thời gian dài với hàng trăm tuồng tích kinh điển.

Nhưng vào thời internet và mạng xã hội lên ngôi, số đông khán giả, tập trung ở giới trẻ, có xu hướng thích xem những loại hình mang đậm màu sắc giải trí thì nghệ thuật truyền thống nói chung, cải lương tuồng cổ nói riêng, mai một dần. Nhiều nghệ sĩ đã tâm sự rằng rất muốn làm nghề, muốn được cống hiến, được thăng hoa với nghệ thuật nhưng không tìm được điểm tựa cho niềm tin, một thánh đường dành riêng cho sân khấu cải lương cũng như lớp trẻ nối nghiệp được rèn nghề.

TP.HCM vốn có Nhà hát Trần Hữu Trang là thánh đường của nghệ thuật cải lương, nhưng nhà hát vẫn chưa hoàn thiện sau khi được xây mới lại. Bởi vậy, để có được những điểm diễn góp phần vực dậy cải lương, thời gian qua nhiều nghệ sĩ và cả những người tâm huyết với cải lương tuồng cổ đã rất cố gắng xoay xở.

Như nghệ sĩ Vũ Luân từng xây dựng một điểm diễn riêng ở công viên Lê Thị Riêng, doanh nhân Huỳnh Anh Tuấn cố công thiết lập sân khấu cải lương định kỳ ở Nhà hát Nón Lá, một nhóm nghệ sĩ và doanh nhân tâm huyết đã gầy dựng một sàn diễn cải lương ở khách sạn Oscar...

Dù họ sớm phải buông tay do khó khăn khách quan, nhưng vẫn còn một số người kiên trì với cải lương tuồng cổ. Trong đó phải kể đến những người trẻ dù không xuất thân từ cái nôi cải lương, song đã trót đam mê đến cùng. Đó là nhiếp ảnh sân khấu trẻ Lê Hoàng, từ giữa năm 2016 đến nay đã mở sân khấu cải lương biểu diễn hằng tuần ở Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh.

Ca sĩ trẻ Hoàng Đăng Khoa từ năm 2015 đến nay không chỉ dấn thân sang nghệ thuật cải lương mà với sự tiếp sức của nhiều nghệ sĩ, nhất là nữ doanh nhân - nghệ sĩ Kim Ngân (con gái của cố nghệ sĩ Kim Ngọc), đã duy trì được chương trình "Giữ mãi đam mê" tổ chức đến lần thứ 7 vào hạ tuần tháng 11 vừa qua ở rạp Công Nhân.

Điểm chung của sân khấu Lê Hoàng và chương trình "Giữ mãi đam mê" là tập trung vào tuồng cổ - thể loại khán giả của cải lương yêu thích hơn tuồng tâm lý xã hội.

Bên cạnh những trích đoạn cải lương tuồng cổ quen thuộc như Mộc Quế Anh, Bá Vương biệt cơ, Chiêu Quân cống Hồ, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Tiêu Anh Phụng loan trào, Đào Tam Xuân phục hận, Thiên môn trận, Nhiếp chính thần phi, Triệu Tử Long phá thiên môn trận..., cả sân khấu Lê Hoàng và chương trình "Giữ mãi đam mê" đều có dàn dựng cải lương nguyên vở.

Với sự đầu tư dàn dựng kỹ lưỡng, công phu, kịch mục phong phú, phục trang đẹp, vũ đạo hay và không ngại hao tốn kinh phí, sức lực tập luyện của nghệ sĩ, suất diễn nào ở sân khấu Lê Hoàng cũng bán được 100 vé trở lên trên tổng số 300 ghế, còn chương trình "Giữ mãi đam mê" cũng luôn đạt được số khán giả lý tưởng như kín 350 ghế ở chương trình lần thứ 7 vừa rồi. Theo chia sẻ của nghệ sĩ Bình Tinh thì "để đổi lấy một chiếc vé của khán giả là sự đầu tư đầy nhiệt huyết, đam mê, thậm chí cả nước mắt và tính mạng".

>>Tuồng cổ ở Thổ Hà

Sát cánh cùng phục vụ khán giả ở sân khấu Lê Hoàng hay chương trình "Giữ mãi đam mê" là nhiều nghệ sĩ từ rất nổi tiếng đến mới chập chững vào nghề như Quế Trân, Thoại Mỹ, Chí Linh, Vân Hà, Công Minh, Ngọc Dung, Tú Sương, Ngân Huệ, Cẩm Hiền, Thái Vinh, Lăng Ba, Kiều Phượng Loan, Thúy My, Bình Tinh - Quán quân Sao nối ngôi 2016, Võ Minh Luân, Thái Vinh, Hoài Nhung...

Ngoài ra, cũng nên kể đến một số nhà sản xuất đã dành sàn diễn cho cải lương trên màn ảnh nhỏ, với các gameshow như Chuông vàng vọng cổ, Đường đến danh ca vọng cổ, Sao nối ngôi... Ở những chương trình này và một số gameshow khác, nhiều trích đoạn cải lương tuồng cổ nổi tiếng đã được dàn dựng rất công phu.

Mặc dù nghệ sĩ phải hát tuồng dài mới thể hiện được hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật cải lương và việc tập trung hát trích đoạn không giúp họ phát huy tối đa khả năng ca và diễn, nhưng cũng rất đáng mừng là những trích đoạn cải lương trên màn ảnh nhỏ đã được khán giả trẻ ủng hộ nồng nhiệt. Chẳng hạn, lượt xem của Đường đến danh ca vọng cổ trên mạng xã hội YouTube tính trung bình là 1 triệu trở lên. Qua Chuông vàng vọng cổ, Đường đến danh ca vọng cổ, Sao nối ngôi,... sẽ thấy rõ nhiều người vẫn mê cải lương, đến với cải lương bằng đam mê.

NSƯT Ngọc Đáng từng tha thiết nói: "Chúng tôi hằng ước mong duy trì và gìn giữ bộ môn cải lương, nhất là cải lương tuồng cổ. Nghệ sĩ luôn muốn giữ cho ngọn lửa nghề cháy mãi, nhưng ai là người đốt lửa? Xin thưa, đó chính là quý khán giả. Rất mong khán giả đừng quay lưng với nghệ sĩ và nghệ thuật cải lương - một loại hình nghệ thuật rất độc đáo của dân tộc Việt Nam".

Và trên thực tế, khán giả chưa hề quay lưng, chỉ là còn thiếu những người có đủ khả năng để cùng chung tay với các nghệ sĩ vực dậy cải lương. Được biết thêm rằng, đã có một dự án khá thú vị là "Phục dựng cải lương tuồng cổ bằng animation" được khởi xướng từ năm 2014, với mong muốn đưa cải lương tuồng cổ đến gần giới trẻ ngày nay. Tuy gặp nhiều thử thách và đang phải tạm dừng, song những người thực hiện vẫn sẽ cố gắng triển khai dự án một cách tốt nhất có thể.

>>Đời tuồng

HƯƠNG THỦY