Xuất khẩu thủy sản: "Thẻ vàng" và những hệ lụy

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:32, 20/11/2017

Cuối tháng 10 vừa qua, EU chính thức cảnh cáo Việt Nam bằng chiếc “thẻ vàng” chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU). Vì chiếc thẻ vàng, EU có thể “treo” Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam, dự kiến chính thức thông qua vào giữa năm 2018.
Xuất khẩu thủy sản:

Thông tin này được bà Mariam Garcia Ferrer - Trưởng ban Thương mại và Kinh tế của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đưa ra trong cuộc họp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vào sáng 8/11 tại TP.HCM.

Nguy cơ mất uy tín với nhiều thị trường

Mỗi thị trường EU và Mỹ chiếm từ 16 – 17% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam hằng năm, tương đương 350 - 400 triệu USD. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký VASEP nhận định, việc bị EU rút "thẻ vàng" sẽ làm xấu đi hình ảnh, uy tín, thương hiệu của ngành hải sản. Đầu tiên, các lô hàng vào EU sẽ bị kiểm soát đặc biệt. Trong 6 tháng nếu tình hình không cải thiện, EU rút "thẻ đỏ", tức toàn bộ hải sản nhập vào EU sẽ bị cấm.

Đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Côn Đảo cho biết, thời gian container hàng hóa bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc có thể kéo dài 3, 4 tuần. Chi phí kiểm tra nguồn gốc là gần 15 triệu đồng/container, chưa kể phí lưu kho, phạt trễ hẹn cho phía đối tác khách hàng. Mặt khác, khi đã kiểm tra nghiêm ngặt thì hàng Việt Nam rất dễ bị trả về.

Theo ông Võ Thiên Lăng - Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, như vậy doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm một khoản phí lớn. Điều này sẽ kéo theo tình trạng ngư dân, người nuôi trồng thủy sản bị doanh nghiệp ép giá để giữ lợi nhuận.

Bà Mariam Garcia Ferrer nhận xét “thẻ vàng” lần này không phải là động thái đột ngột của EU đối với hải sản Việt Nam. Quyết định của EU là kết quả của việc phân tích kỹ lưỡng và tính đến mức độ phát triển của Việt Nam, được quyết định sau một thời gian dài thảo luận không chính thức với các cơ quan chức năng của Việt Nam từ năm 2012.

3 năm trước, Nhật Bản – thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ ba của Việt Nam phát hiện dư lượng thuốc kháng sinh trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam cao hơn mức giới hạn tối đa cho phép. Ngay sau đó, nước này phát đi thông báo nhằm gia tăng tần suất kiểm tra chỉ tiêu loại hóa chất này trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam, và thay vì kiểm tra 30% lô hàng như trước đây thì nay kiểm tra 100%. Hậu quả là lượng tôm xuất khẩu sang nước này đã sụt giảm đáng kể. “Bây giờ đến lượt EU. Dù chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động thương mại của hải sản Việt Nam xuất vào khối này nhưng nếu tình hình không được cải thiện, Việt Nam sẽ bị coi là nước không hợp tác và hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực sẽ xảy ra sau đó”, bà Mariam Garcia Ferrer nói.

Trừng phạt nghiêm khắc để tránh “thẻ đỏ”

Ông Võ Thiên Lăng cảnh báo, nếu bị EU phạt “thẻ đỏ”, thiệt hại sẽ còn nặng nề hơn nhiều và từ năm 2018 trở đi có rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ bắt đầu áp dụng “luật chơi” trên.

Năm 2015, Thái Lan bị phạt "thẻ đỏ" trong 12 tháng, thiệt hại 200 - 300 triệu USD. Năm 2016 vừa qua, Đài Loan cũng bị phạt "thẻ vàng" trong 12 tháng, thiệt hại 230 triệu USD. Năm 2014, Philippines bị phạt "thẻ vàng" trong 12 tháng, thiệt hại 250 triệu USD…

“Nghị viện châu Âu sẽ khó phê chuẩn FTA nếu Việt Nam vi phạm quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp”, bà Miriam Garcia Ferrer cảnh báo. Không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có nguy cơ bị cấm cửa ở một số thị trường lớn khác nếu chẳng may bị “thẻ đỏ” của EU.

Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty Baseafood tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bày tỏ: “Việc Ủy ban châu Âu EC rút "thẻ vàng" đối với mặt hàng. thủy sản nhập khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn cho doanh nghiệp và mức độ thiệt hại trong việc dính “thẻ vàng” của EC chưa dừng lại ở doanh nghiệp. mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc khai thác thủy hải sản của ngư dân. Bởi lẽ nếu sản phẩm của doanh nghiệp bị từ chối nhập khẩu vào EU, đồng nghĩa các thị trường khác như Australia, Nhật Bản… cũng sẽ áp dụng việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu dẫn đến việc thu mua nguyên liệu của tàu cá ngưng trệ, gây ra những hệ lụy hết sức đáng lo ngại”.

Bà Miriam Garcia Ferrer kiến nghị rằng cần phải đưa ra chế tài xử phạt và tăng mức xử phạt thật cao đối với các hành vi khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU) vào ngay trong dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi; có những bằng chứng, hành động cụ thể thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU…

Cho đến nay, Việt Nam đã triển khai một số giải pháp khắc phục theo các khuyến nghị của EU đưa ra. Nội dung của các khuyến nghị này chủ yếu liên quan đến vấn đề khung pháp lý và thực thi, quản lý đội tàu và năng lực khai thác, hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát, các vấn đề liên quan đến vấn đề “Tàu xanh” (tàu khai thác hải sản bất hợp pháp)… đặc biệt là sửa đổi đã bổ sung nội dung chống khai thác đánh bắt bất hợp pháp thành một chương trong dự thảo Luật Thủy sản.

Tuy nhiên, bà Miriam Garcia Ferrer cho rằng bản dự thảo nội dung Luật Thủy sản sửa đổi mà phía Việt Nam gửi đến EU cho thấy nhiều nội dung không theo tiêu chuẩn quốc tế EU đã khuyến nghị. Nếu chỉ đưa vào văn bản dưới luật như thông tư hướng dẫn thì sẽ không thấy thuyết phục, do đó bà Miriam đề xuất dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi cần quy định rõ chế tài xử phạt và tăng mức chế tài cao hơn, nhằm thể hiện được sự “mạnh tay” quyết liệt của chính phủ Việt Nam trong công tác chống khai thác bất hợp pháp.

Sắp tới, đoàn công tác của Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản (DG-MARE) của EC sẽ sang thanh tra việc thực hiện quy định IUU của Việt Nam. Việt Nam cần có những động thái thể hiện sự thay đổi thiết thực trong chống khai thác IUU để dù có thể vẫn bị “thẻ vàng” thì cũng không ảnh hưởng đến việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA hoặc tác động tiêu cực đến thương mại đôi bên.

ĐỨC HÀ