Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC: Tích lũy năng lực công nghệ để bứt phá
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:32, 22/11/2017
CMC chính thức tiến ra thị trường nước ngoài với văn phòng CMC Global (Go Global) vừa mở tại Nhật Bản tuần rồi, đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ mang về 30% tổng doanh thu cho Tập đoàn. Ông Nguyễn Trung Chính cho biết: "Chúng tôi cung cấp các giải pháp và dịch vụ IT cho thị trường nước ngoài sau những thành công với nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Đây là bước gia tăng về giá trị công nghệ thay vì tập trung vào những lĩnh vực sử dụng nguồn lao động giá thấp".
Hiện thực hóa chiến lược "Go Global"
* Điểm nhấn trong chiến lược Go Global của CMC là gì, thưa ông?
- Chúng tôi xác định sự trưởng thành về năng lực cung cấp dịch vụ IT cho khách hàng toàn cầu và đây là bước hiện thực hóa. Từ 2010, CMC đã tập trung vào ba lĩnh vực chính: tích hợp hệ thống, viễn thông và phần mềm. Ngay trong nước, sản phẩm CMC đã hướng tới khách hàng quốc tế.
Có những đối tác như Honda Việt Nam, CMC đã cung cấp nhiều dự án ERP (giải pháp hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) vài triệu USD, sau đó thành nhà cung cấp cho Honda toàn cầu. Hay CMC cung cấp dịch vụ quản lý cho IBM ở châu Âu, từ đó có thêm kinh nghiệm với thị trường này. CMC đã cung cấp hệ thống an ninh thông tin cho nhiều đối tác tại Việt Nam và hợp tác triển khai ở Thái Lan, kỳ vọng sắp tới là Nhật Bản.
Thị trường nước ngoài là mảng mở rộng để tận dụng năng lực mà CMC đã xây dựng được. Ví dụ, về giải pháp tự động hóa, CMC đủ năng lực cung cấp cho Honda thì cũng có thể cung cấp cho Toyota hay Mazda. Điều này sẽ dễ dàng chứng minh với khách hàng về kinh nghiệm và chất lượng mà CMC có thể mang lại. Việc cạnh tranh bằng nhân lực giá rẻ sẽ dần không còn nên CMC phải chuyển đổi cách tiếp cận mới là không chỉ bán năng lực theo yêu cầu khách hàng mà còn bán giải pháp dịch vụ để gia tăng giá trị.
* Có muộn không khi thời điểm này CMC mới hiện thực hóa chiến lược toàn cầu?
- Tôi không nghĩ vậy. Phải có điều kiện thích hợp, đủ độ chín, chứ không thể đi ra thế giới với năng lực yếu và thiếu kinh nghiệm, thiếu sự hỗ trợ từ trong nước. Vậy nói muộn cũng đúng mà nói phù hợp, đúng thời điểm cũng không sai. Chẳng hạn giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới 2008 - 2011, có những lĩnh vực CMC bị thiệt hại nặng do khách hàng phá sản, nhiều đối tác nợ tiền, tồn kho tăng gấp ba lần chỉ trong 18 tháng. Dù CMC xác định ứng dụng công nghệ để gia tăng năng lực nên đầu tư vào hệ thống quản trị hiện đại nhưng con người vẫn chưa kịp thích ứng.
Nếu lúc đó mà CMC đi ra thế giới sẽ không đủ khả năng kiểm soát rủi ro, không đáp ứng được cùng một lúc nhiều định hướng. Nếu nóng vội, một khi sụp xuống không cách gì đỡ được, còn khi chậm có thể mất cơ hội nào đấy. Quan trọng là phải vững vàng trên con đường dài. Tôi tự tin lúc này CMC đã hội đủ các điều kiện về kinh nghiệm quản trị, sự trưởng thành của lãnh đạo, hệ thống công nghệ cho mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.
* CMC Telecom ra đời khi lĩnh vực này đã được chi phối bởi VNPT, Viettel hay FPT, vậy CMC định hướng theo cách nào?
- Viễn thông được CMC đầu tư đến nay là 9 năm nhưng phải mất 5 năm đầu mới đạt điểm hòa vốn và định hình cách làm. CMC Telecom hiện là công ty viễn thông duy nhất ở Việt Nam có 100% vốn tư nhân nhờ quá trình chuyển đổi theo Luật Viễn thông. CMC Telecom nhỏ hơn nhiều về quy mô lẫn nguồn vốn, doanh thu so với Viettel, VNPT hay FPT. Vừa nhỏ lại vừa trẻ, để tồn tại được, phải chọn cách đi khác biệt.
Trước hết CMC Telecom chọn cách tận dụng năng lực và kinh nghiệm về IT và tích hợp hệ thống để phát triển viễn thông. Thứ hai là tận dụng năng lực của đối tác chiến lược (Tập đoàn Time Dotcom Berhad của Malaysia nắm 44% cổ phần CMC Telecom - PV) để cung cấp cho khách hàng giải pháp tổng thể từ hạ tầng cáp quang ngầm, cáp quang biển và dịch vụ IT.
Hiện CMC Telecom cung ứng hạ tầng, dịch vụ tích hợp hệ thống, phần mềm, lưu trữ quản lý dữ liệu và an ninh bảo mật cho hơn 20.000 khách hàng trong và ngoài nước. Chúng tôi có thể tự hào là mạng viễn thông Việt Nam dẫn đầu ở thị trường nước ngoài. Dù quy mô không lớn nhưng CMC Telecom có tính tập trung cao, thích ứng và thay đổi khá nhanh để tiếp cận những cái mới. Ví dụ, chúng tôi cung cấp rất nhanh dịch vụ điện toán đám mây do chính đội ngũ công ty thiết kế, hoặc là công ty đi đầu về an ninh thông tin nhờ lợi thế của một công ty IT mang lại.
"Kỹ thuật hóa" năng lực công ty
CMC ra đời năm 1993 do hai kỹ sư trẻ Hà Thế Minh và Nguyễn Trung Chính thành lập. Ông Minh tốt nghiệp Đại học Bách khoa Budapest (Hungary), từng làm việc tại nhà máy điều độ chuẩn hệ thống điện lưới Hungary. Sau khi cựu Chủ tịch Hà Thế Minh mất năm 2016, ông Chính tiếp tục dẫn dắt CMC cùng các cộng sự đều là những người xuất thân từ lĩnh vực kỹ thuật công nghệ.
* Nếu Luật Doanh nghiệp tư nhân chưa ra đời năm 1990, liệu có CMC ngày nay?
- Biết đâu giờ chúng tôi vẫn là một nhà khoa học máy tính chứ không phải một doanh nhân và có được CMC! Nhìn lại cả quá trình, chúng tôi may mắn được làm đúng nghề mình chọn và đi theo sự phát triển của công nghệ. Ở thập niên 1980, dù khó khăn nhưng ý chí nghiên cứu lớn lắm. Năm 1985, Viện Nghiên cứu công nghệ Quốc gia ra đời, Nhà nước gần như tập trung đầu tư cho Viện, cái gì tốt nhất thì dành cho nghiên cứu sản xuất máy tính.
Lúc đó khoảng cách của Việt Nam trong lĩnh vực máy tính chưa bị lệch nhiều so với thế giới, vì Intel cũng mới cho ra đời vi xử lý 8085, 8088 sau đó là 80286, châu Âu nổi bật có Zilog làm ra chip Z80. Trong điều kiện khó khăn nhưng mình đã sản xuất ra máy tính mẫu dựa trên thiết kế vi mạch, con chip, phần mềm điều hành hệ thống, nghĩa là từ A - Z như bất kỳ hãng máy tính nào với 200 máy tính mẫu ra đời chuẩn bị sản xuất đại trà. Viện cũng đã nhập hệ thống tự động thiết kế sử dụng CPU của Hitachi.
Phòng máy tính bị cháy năm 1989 đã khiến tất cả dở dang. Cho đến 1991, chúng tôi được phép thành lập một trung tâm nghiên cứu cho Viện. Đã có Luật Doanh nghiệp tư nhân nên chúng tôi theo đó lập công ty. Trong bối cảnh thiết bị nhập khẩu vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn, CMC nghiên cứu sản xuất tổng đài điện thoại 128-256 số khá phổ biến lúc đó. Từ khởi đầu đó, CMC đã phát triển cùng với quá trình phát triển của công nghệ trong 24 năm qua.
* Và có rất nhiều thăng trầm?
- CMC đã trải qua mấy lần biến động. Tôi nhớ, năm 1993 CMC là công ty IT đầu tiên trên phố Lý Nam Đế, về sau con đường này phát triển thành "phố IT" của Hà Nội. Năm 1998, CMC khai trương Blue Sky - siêu thị bán lẻ hàng điện tử đầu tiên tại Việt Nam, bổ sung cho hai mảng sản xuất và phân phối.
Lúc đó, CMC có vị thế tốt trên thị trường nhờ mô hình siêu thị được vận hành tốt. Nhưng sau đó chính sách thay đổi từ cách tính thuế theo doanh thu sang VAT, hàng trốn thuế nhanh chóng tràn lan khiến mô hình này gặp khó. CMC định mở Blue Sky tại TP.HCM cũng không thành. Kết hợp với một vài lý do nữa thì Công ty dừng mảng bán lẻ và tập trung vào các hoạt động tích hợp hệ thống và phần mềm.
Vào năm 2007, khi thị trường chứng khoán sôi động, các công ty chuyển từ mô hình trách nhiệm hữu hạn sang đại chúng. CMC lúc đó có 5 - 6 công ty con về phần mềm, tích hợp, sản xuất, bán lẻ... nhưng không tối ưu được nguồn lực. Chúng tôi đã mời các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, KPMG (nhà cung cấp các dịch vụ tư vấn, kiểm toán, thuế và pháp lý), các luật sư từ Đại học Harvard, Mỹ về tư vấn, tổ chức theo mô hình tập đoàn.
CMC trở thành công ty đại chúng và các cổ đông chiến lược tham gia khá sớm. Có thể nói, bước ngoặt quan trọng với CMC là nhận giấy phép viễn thông và năm 2010 chính thức cung cấp dịch vụ GigaNet dựa trên công nghệ FTTx-GPON lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.
* Ông nghĩ sao khi người khác đánh giá CMC chưa có sự đột phá so với các công ty cùng giai đoạn?
- Chúng tôi cũng cho rằng CMC còn nhỏ so với mong muốn và mục tiêu. Nếu so với thế giới, một công ty IT có doanh thu 4.400 tỷ đồng (2016) như CMC chưa là gì. Trong nước, nhiều công ty có cùng các lĩnh vực, như FPT về IT hay Viettel, VNPT về viễn thông có quy mô lớn hơn CMC nhiều. Viettel có sức mạnh riêng theo hướng viễn thông giá rẻ, FPT hướng về gia công IT với quy mô nhân lực lớn. CMC có chiến lược riêng. Năm 2010, CMC tái cấu trúc với định hướng những mảng phát triển chiến lược hoặc phải đứng trong top đầu thị trường hoặc không theo đuổi nữa. Đến nay chúng tôi đã đạt vị trí tốt trong các lĩnh vực mình lựa chọn.
* Việc quản trị ở CMC có gì đặc thù, thưa ông?
- CMC được xây dựng trên trụ cột là những người làm kỹ thuật nên yếu tố kỹ thuật cũng thấm đẫm, nó quyết định văn hóa công ty với những con người sống thẳng thắn mà đơn giản, vui vẻ. Có thể CMC không có nhiều đột phá nhưng việc tập trung vào công nghệ và dịch vụ đã xây dựng nên năng lực cạnh tranh cốt lõi. Tôi tự hào CMC là công ty không phảng phất chút mô hình gia đình, đúng nghĩa là công ty cổ phần đại chúng, dựa trên sự hợp lực của những người có cùng chí hướng để phát triển theo khái niệm "bất vị thân".
* Nhưng lãnh đạo toàn "dân kỹ thuật" liệu có những hạn chế?
- Có. Người làm kỹ thuật tương đối "cứng", đòi hỏi mọi chuyện rành mạch, rõ ràng nên không phải lúc nào cũng khôn ngoan, uyển chuyển trong kinh doanh. Lãnh đạo là dân kỹ thuật nên hoạt động của CMC cũng theo hướng chú tâm sản phẩm mà không mạnh về truyền thông tiếp thị. Tuy nhiên tôi nghĩ "cái được" nhiều hơn, bởi những người sáng lập có thiên hướng kỹ thuật sẽ dẫn dắt công ty theo hướng sáng tạo công nghệ mới.
* Nhìn lại ông thấy đã lèo lái CMC đi qua những khó khăn như thế nào?
- CMC quen với khó khăn và "ít than, ít kêu". Khó khăn là bình thường trong phát triển doanh nghiệp nên chúng tôi luôn trong tâm thế vượt qua, kể cả khi tưởng chừng đã tận cùng mình vẫn ý thức tìm đường thoát. Cũng có thể tôi là mẫu người lạc quan, suy nghĩ tích cực, nhưng tôi nghĩ người lãnh đạo nào muốn thành công cũng cần tố chất đấy.
Than nhiều sẽ nản chí. Còn nhìn theo hướng tích cực sẽ thấy quy luật là sự tiến bộ bao giờ cũng đẩy lùi cái lạc hậu và khó khăn. Kinh tế khó khăn rồi sẽ lại đi lên, CMC đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và năng lượng đủ lớn để đi tiếp, bất luận xung quanh thế nào. Vấn đề là người lãnh đạo phải luôn truyền nhiệt huyết, không tự thỏa mãn với những gì đang có, nhất là khi đang đứng trước cơ hội lớn lao mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
* Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, CMC xác định đường hướng thế nào?
- CMC may mắn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, có nhiều lợi thế để khai thác nền kinh tế số vốn không bị giới hạn về cơ hội. CMC cũng đã được tôi luyện qua những khó khăn để thiết lập nền tảng công nghệ, nhiều năm trước đã xây dựng Công ty theo mô hình doanh nghiệp sáng tạo. CMC có viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ, có phòng thí nghiệm và các định hướng nghiên cứu theo xu thế của thế giới. Điều này không nhiều công ty làm vì nó xuất phát từ tâm huyết những người sáng lập, mình ý thức được việc nghiên cứu quan trọng như thế nào để phát triển doanh nghiệp công nghệ. Tôi tự tin rằng CMC đã chuẩn bị đủ cho giai đoạn phát triển bùng nổ.
* Cám ơn ông về những chia sẻ!