TPP không Mỹ: "Vắng mợ chợ vẫn đông"

Quốc tế - Ngày đăng : 06:58, 22/11/2017

Sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt thỏa thuận cốt lõi về nguyên tắc và được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
TPP không Mỹ:

Bất chấp sự vắng mặt của Mỹ, hiệp định tự do thương mại có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế và chính trị này vẫn sẽ được 11 thành viên còn lại tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, TPP vẫn sẽ "chừa đường" cho Mỹ quay lại cũng như luôn "rộng cửa" chào đón thành viên mới vì với càng nhiều đối tác tham gia thì thỏa thuận đa phương này lại càng phát huy được hiệu quả.

Cụ thể, theo báo cáo Tiềm năng Kinh tế vĩ mô của TPP (Potential Macroeconomic Implications of the Trans-Pacific Partnership) vào năm 2016, Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng nếu hiệp định này được chính thức thông qua thì "nó sẽ làm GDP của các nước thành viên tăng bình quân 1,1% cho tới năm 2030".

TPP cũng sẽ giúp cho thương mại thuộc các bên ký kết tăng thêm 11% vào năm 2030 và mang lại "cú huých" cho tăng trưởng mậu dịch của khu vực, vốn đã giảm còn 5% trong giai đoạn 2010 - 2014.

Cho nên, có thể nói việc "hồi sinh" TPP và đạt được sự đồng thuận trước nhất về mặt nguyên tắc đã là bước đầu thành công của các quốc gia còn lại. Dù việc Mỹ đứng ngoài cuộc chơi sẽ khiến cho lợi ích kinh tế của các thành viên ở lại bị giảm đi gần 50%, song, giá trị thu được vẫn là rất lớn, đặc biệt đối với các nước như Malaysia, Singapore và Brunei, vốn có lượng xuất khẩu sang thị trường TPP-11 nhiều hơn Hoa Kỳ.

Link bài viết

Tuy hiện tại triển vọng đưa TPP-11 lên thành TPP-15 hay TPP-16 vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa phải là thành viên như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Philippines đều đã ít nhiều thể hiện sự quan tâm đối với hiệp định này. Việc mở rộng lên TPP-16 sẽ làm gia tăng đáng kể lợi ích kinh tế của các bên liên quan và viễn cảnh này rất có thể sẽ thuyết phục Mỹ quay lại với dự án đầy tham vọng mà mình đã tiên phong.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, kết nạp 5 thành viên nữa sẽ làm lợi ích của TPP-11 tăng gấp 3 lần, đạt giá trị tương đương 500 tỷ USD/năm, hơn hẳn con số mà 12 nước ban đầu ước tính.

Để đạt mục tiêu này, các quốc gia cần phải tìm ra được tiếng nói chung trước khi chính thức thông qua hiệp định, đơn cử như 20 nội dung tạm hoãn tại cuộc họp TPP-11 có liên quan đến sở hữu trí tuệ, quyền lao động và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Nhật Bản - nước tiên phong thúc đẩy TPP-11 - cần triển khai các chính sách ngoại giao nhằm thuyết phục Thái Lan và Indonesia - 2 nước chưa mấy mặn mà với hiệp định này như dự kiến vì nó đòi hỏi đẩy mạnh cải cách nội địa. Bên cạnh đó, các thành viên của TPP cũng cần để cho Trung Quốc biết được rằng bản thân vẫn sẽ được chào đón nếu như nước này cam kết đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn khắt khe của hiệp định.

Và, với sự vươn lên của Trung Quốc, Mỹ sẽ phải cân nhắc lại về vấn đề TPP khi mà Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu nước này đã bắt đầu hứng chịu thiệt hại trong lúc nhiều quốc gia khác hưởng lợi từ những hiệp định thương mại của mình.

KHỞI VŨ