Gia hạn cho vay ngoại tệ: Mũi tên trúng nhiều đích
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 01:31, 22/11/2017
Từ ổn định tỷ giá...
Theo Thông tư số 31/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sẽ hết hạn vay ngoại tệ vào cuối năm nay. Tuy nhiên, để hỗ trợ DN xuất khẩu, NHNN đã cho phép gia hạn đối với đối tượng này, đặc biệt là với nhu cầu vay ngắn hạn, vì chi phí vay ngoại tệ thấp hơn tiền đồng. Về lâu dài, NHNN vẫn chủ trương dừng cho vay ngoại tệ giữa ngân hàng thương mại với DN, chuyển sang quan hệ mua bán để ổn định giá trị VND, do đó động thái gia hạn của NHNN vừa rồi là khá bất ngờ.
Quyết định trên của NHNN được xem là "mũi tên nhắm tới nhiều mục tiêu" trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn rủi ro và lợi thế cạnh tranh của DN xuất khẩu vẫn ở mức thấp. Với áp lực từ tỷ giá vẫn đang ngày càng tăng, nhất là khả năng tháng 12 tới, FED sẽ lần thứ ba tăng lãi suất cơ bản đồng USD trong năm nay cùng với sự phục hồi của đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế, thì việc gia hạn cho DN vay ngoại tệ sẽ giúp giảm áp lực cầu lên ngoại tệ.
Nếu không được gia hạn thì nhu cầu ngoại tệ của DN xuất khẩu tăng đột biến sẽ gây áp lực rất lớn lên thị trường ngoại hối và tỷ giá biến động mạnh là khó tránh khỏi, nhất là khi kể từ đầu năm đến nay NHNN đã rút 7 tỷ đô la Mỹ ra khỏi lưu thông để đưa vào dự trữ.
Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ 10 tháng của năm nay đã lên mức 11,5% - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, do đó nhu cầu ngoại tệ để hoàn trả các khoản vay vào cuối năm là rất lớn, nếu như DN buộc phải tất toán theo quy định.
Theo số liệu thống kê gần đây của NHNN, tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu vào cuối tháng 8/2017 là 207.001 tỷ đồng, tăng 8,14% so với đầu năm. Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn 3,4% trong tổng dư nợ, nhưng con số này cũng tương đương gần 9 tỷ USD.
Rõ ràng nếu không được gia hạn thì nhu cầu ngoại tệ của DN xuất khẩu tăng đột biến sẽ gây áp lực rất lớn lên thị trường ngoại hối và tỷ giá biến động mạnh là khó tránh khỏi, nhất là khi kể từ đầu năm đến nay, NHNN đã rút 7 tỷ đô la Mỹ ra khỏi lưu thông để đưa vào dự trữ. Cụ thể, trong phiên đăng đàn trước Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết trong tháng qua đã mua thêm được 1 tỷ USD giúp dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng 7 tỷ USD so với đầu năm và đạt mốc 46 tỷ USD.
Trong bối cảnh NHNN vẫn cố gắng ổn định giá trị và niềm tin vào tiền đồng, thì việc kiểm soát tỷ giá và quản lý tốt thị trường ngoại hối là rất quan trọng. Trong năm 2016, tỷ giá trung tâm chỉ tăng vỏn vẹn 1,2% và gần 11 tháng qua chỉ mới tăng 1,3%, có thể xem là điểm sáng trong điều hành của NHNN.
Và có lẽ cơ quan này không muốn phá vỡ sự ổn định tỷ giá vốn đã được duy trì suốt thời gian qua, ít nhất là trong giai đoạn trước mắt.
... Đến tạo điều kiện cho lãi suất VND
Nếu tỷ giá tăng mạnh, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất VND đủ mức hấp dẫn đối với người gửi tiền. Trong bối cảnh hoạt động của DN vẫn còn nhiều khó khăn thì nếu lãi suất tăng là một thách thức rất lớn đến kinh doanh.
Mặt bằng lãi suất đã ổn định và giảm về mức khá phù hợp trong suốt thời gian qua, định hướng của NHNN là sẽ tiếp tục giữ ổn định lãi suất và thậm chí có thể giảm thêm lãi suất cho vay thời gian tới. Như vậy, việc gia hạn cho vay ngoại tệ ngoài tác động giảm áp lực lên thị trường ngoại hối còn gián tiếp giúp mặt bằng lãi suất không bị áp lực tăng.
Trong bối cảnh tiền đồng vẫn được định giá cao, nếu so sánh mối tương quan giữa lạm phát và tỷ giá danh nghĩa với các quốc gia khác, do đó hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước như Mỹ hoặc châu Âu gặp sự cạnh tranh rất lớn. Do đó, việc vẫn giữ kênh cho vay ngoại tệ sẽ phần nào giúp DN xuất khẩu tiết giảm chi phí tài chính, từ đó giá bán sản phẩm đầu ra cạnh tranh hơn và giúp cán cân thương mại của Việt Nam cân bằng hơn.
Trong 10 tháng qua, Việt Nam xuất siêu hơn 1,2 tỷ USD, tuy nhiên chủ yếu là nhờ các DN FDI xuất siêu hơn 17,6 tỷ USD, còn các DN trong nước vẫn nhập siêu đến 14,6 tỷ USD, cho thấy cán cân thương mại vẫn phụ thuộc lớn vào DN FDI. Với việc hàng thủy sản nhập khẩu vào châu Âu của Việt Nam bị "thẻ vàng" thì cán cân thương mại càng bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian tới.
Dù lãi suất vẫn ở mức 0%, nhưng tiền gửi USD tại các ngân hàng gần đây lại có xu hướng tăng. Chính sách gia hạn cho vay ngoại tệ sẽ giúp các ngân hàng giải ngân được nguồn vốn đầu vào này, nếu không, buộc phải chuyển sang VND để cho vay, và nếu mức độ quá lớn sẽ đưa đến rủi ro thanh khoản ngoại tệ và thị trường ngoại hối.
>>Khi ngân hàng ngừng cho vay ngoại tệ