Bay đêm đến Vancouver
Du lịch - Ngày đăng : 06:08, 26/11/2017
Những năm gần đây, Canada là địa chỉ du học, du lịch, đầu tư và lập nghiệp của nhiều người đến từ khắp thế giới. Và Vancouver là cổng vào chính đón tiếp các dòng khách này.
Canada - đất nước của cây phong lá đỏ |
Chuyến bay đêm số đẹp
Đưa chúng tôi từ sân bay quốc tế Hồng Kông đến với Vancouver - thành phố phồn vinh nhất ở bờ tây của Canada, là chuyến bay có số đẹp CX888 của Hãng Cathay Pacific khai thác bằng máy bay thân rộng, bay tầm xa liên lục địa B777-300ER. Tuy ở hai châu lục khác nhau, nhưng so với nhiều thành phố lớn khác tại Bắc Mỹ thì Hồng Kông - Vancouver là đường bay "trung xa" với thời gian bay trên không khoảng hơn 10 tiếng đồng hồ.
Trong số những hãng hàng không châu Á có đường bay đến Vancouver thì Cathay Pacific có nhiều năm kinh nghiệm khai thác đường bay nối kết bờ đông châu Á với bờ tây đất nước Canada. Ngay từ năm 1983, Hãng đã mở đường bay thẳng (non-stop) từ Hồng Kông đến Vancouver, rồi bay tiếp đến San Francisco (Mỹ).
Mọi chuyến bay đến và đi Hồng Kông đều từ Kai Tak, một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới, vì máy bay dễ va vào núi hoặc bay vào giữa các tòa nhà cao tầng rồi mới chạm đường băng, mà Cathay Pacific thì sử dụng máy bay lớn nhất hồi ấy là B747.
Đó là chuyện của ngày hôm qua, còn hiện nay, mỗi tuần Cathay Pacific có 17 chuyến bay nối Hồng Kông - Vancouver, gồm 3 chuyến khai thác bằng máy bay A350-900 khởi hành các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu, đến Vancouver lúc gần 8g sáng ngày hôm sau. Số 14 chuyến bay còn lại đều sử dụng máy bay B777-300ER và đến nơi lúc chiều tối.
Một chuyến bay khởi hành từ TP.HCM sẽ dài hơn 2 giờ, thêm khoảng 2 giờ chờ nối chuyến, thời gian vừa đủ để thưởng thức tô mì hoành thánh trong phòng chờ The Wing nổi tiếng của Cathay Pacific và lên máy bay tung cánh đến Vancouver.
Dấu vết quá khứ VancouverĐồng hồ chạy bằng hơi nước ở phố cổ Gastown
Ngày nay, Vancouver - thành phố lớn nhất của bang British Columbia chính là cổng vào hàng không lớn thứ hai của đất nước "lá phong đỏ”, còn cổng vào hàng không lớn nhất là thành phố Toronto ở bên phần bờ đông. Bởi gần đây, Vancouver đang thu hút rất nhiều người di dân, du học sinh và du khách xuất phát từ châu Á.
Cách đây hơn 200 năm, khi còn là vùng đất hoang sơ, Vancouver đã thu hút ánh mắt quan sát của Thuyền trưởng Geroge Vancouver thuộc Hải quân Hoàng gia Anh, trong khi thổ dân First Nations ngỡ ngàng không biết "những con vật dài có ba cột gỗ cao" là gì mà trôi thật nhẹ nhàng, thật dễ dàng trên mặt nước biển.
Đó là những chiếc thuyền buồm chở các nhà thám hiểm, thủy thủ Tây Ban Nha đi "chinh phục" Tân thế giới. Và từ quá khứ ấy phát triển theo dòng thời gian, Vancouver nay là hải cảng lớn nhất của Canada - đất nước vừa mừng 150 năm thành lập trong năm 2017.
Đất lành chim đậu hay nói chính xác hơn là đất rộng hút người tài giỏi đến khai phá, tìm cơ hội làm giàu. Vào năm 1871, khi vùng đất British Columbia chính thức gia nhập Liên bang Canada thì cuộc sống vẫn phát triển tất bật tại Gastown, nay là khu phố cổ ở Vancouver và rất gần bến cảng du lịch Canada Place.
Cột gỗ totem của thổ dân trong Stanley Park |
Người định cư lập nghiệp ở đây vốn di dân đến từ Anh, Ailen, Scotland, các nước Tây Âu, các nước Bắc Âu, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nam Mỹ... Nhiều người đàn ông sống hoặc thành hôn với phụ nữ bộ tộc First Nations và nam giới của bộ tộc này cũng bắt tay làm đủ nghề hoàn toàn mới đối với họ. Ngày nay, có đến 52% cư dân Vancouver có tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ nào đó chứ không phải tiếng Anh.
Dạo bộ quanh Canada Place, du khách dễ dàng mường tượng chút lịch sử ấy của Vancouver. Trong khu phố Gastown - nơi định cư đầu tiên của thành phố với xưởng cưa gỗ và tửu quán phục vụ bia, chiếc đồng hồ chạy bằng hơi nước vẫn hoạt động tốt, phun xịt hơi nóng ào ào và đánh chuông rất đúng giờ dù đã trải qua 40 năm. Quanh cái "steam-powred clock" nặng trên hai tấn này luôn là đám đông du khách quốc tế.
Neo ở bên bến cảng hôm nay là chiến hạm của hải quân Canada, xa xa là những chiếc thủy phi cơ cứ tiếp nhau cất cánh, hạ cánh phục vụ du khách. Phía xa không thấy chiếc thuyền buồm cổ hay chiếc ghe đục khoét từ nguyên thân cây của thổ dân First Nations nào mà chỉ thấy vô số du thuyền đủ kiểu lớn, nhỏ.
Những cột gỗ chạm trổ công phu totem của thổ dân nay là biểu tượng nguy nga trong Stanley Park - công viên cây xanh rộng lớn mấy trăm hécta. Bên kia eo biển, trên các sườn đồi là những biệt thự trị giá vài triệu đô la mỗi cái. Chợt nhớ, người ta còn nói Vancouver là nơi thu hút giới hoạt động ngân hàng với tài sản kếch xù từ mọi nơi tìm đến đây mua nhà.
Tổ ấm đêm lạnh phương xaBến cảng du lịch Canada Place
Dấu vết quá khứ còn thể hiện ở khách sạn rất sang, đẹp dù đã có 78 năm lịch sử. Đó là Fairmont Hotel Vancouver, tọa lạc ở phần hướng tây của George Street, tức ngay trong phố downtown nên rất tiện cho việc tham quan, giải trí và mua sắm.
Khách sạn lâu đời, khánh thành tháng 5/1939 sau thời gian xây dựng kéo dài đến 11 năm và đã ngay lập tức có được vinh dự là nơi ngủ nghỉ của Vua George VI và Nữ hoàng Anh Elizabeth II khi đến thăm Vancouver. Và khách sạn đã được công nhận là địa điểm thuộc hàng di sản của thành phố Vancouver. Nhưng ở đây phòng ốc rất rộng, trang trí đẹp, đầy đủ tiện nghi của thời hiện đại.
Như rất nhiều khách sạn sang ở các nước Âu - Mỹ ngày nay, Fairmont Hotel Vancouver cũng là một smoke-free hotel. Ai còn nghiện thuốc lá thì chỉ có cách bước ra ngoài đường mà hút, dù trời lạnh lúc đêm cuối thu đầu đông. Ở tầng trệt, gần khu vực hành lang là Notch 8 - nhà hàng bar nổi tiếng của thành phố.
Canada tròn 150 năm thành lập |
Chỉ tên gọi cũng đã nói lên tất cả vì Notch 8 là cột mốc về đẳng cấp tay nghề trong chuyên ngành hỏa xa mà những kỹ sư, tay lái xe lửa cự phách nhất đạt được. Riêng chi phí thiết kế, trang trí nhà hàng này đã tốn hết 12 triệu đô la Canada. Và khách sạn còn dư không gian để dành cho những cửa hàng thời trang thuê để quyến rũ khách sành điệu đến từ năm châu bốn biển. Từ các thương hiệu Dior, Louis Vuitton qua Gucci, St. John đến Omega, Rolex... đều có đủ ở đây, nên các website về du lịch đều đã phân định khách sạn này là Luxury hotel 5 sao.
Những đêm lạnh buốt ở xứ lạ, tôi cũng may mắn được nếm trải chút ít lịch sử của thành phố trong cái tổ ấm đặc biệt này - Fairmont Hotel Vancouver. Bởi vậy, phải uống mừng với chai vang đỏ của Prospect Winery làm từ nho Merlot pha nho Cabernet Sauvignon thu hoạch năm 2014 từ Okanagan Valley - lãnh địa vang của bang British Columbia.