Cần chuẩn chung cho thanh toán di động

Du lịch - Ngày đăng : 04:03, 28/11/2017

Liệu QR code (Quick Response, mã phản hồi nhanh), một hình thức thanh toán di động mới, có thể giải quyết bài toán trả tiền ở mọi lúc mọi nơi hay không?
Cần chuẩn chung cho thanh toán di động

Lắm quầy nhiều ví…

Anh Quang, giám đốc một doanh nghiệp xây dựng mong mỏi giá như có thể dùng điện thoại di động để thanh toán ở nhiều cửa hàng, dịch vụ, từ mua vé ở rạp chiếu phim, ăn ở cửa hàng thức ăn nhanh, đến uống cà phê…

Mong ước của anh Quang có lẽ cũng là mong ước chung của nhiều người tiêu dùng hiện nay khi mà mỗi chuỗi bán lẻ, nhà hàng, quán cà phê... lại có một kiểu thanh toán qua điện thoại thông minh (smartphone) khác nhau. Chẳng hạn, muốn thanh toán qua smartphone ở chuỗi cà phê CoffeHouse, người dùng phải có ví MOMO, ở nhà hàng McDonald’s thì phải có ví điện tử MOCA…

Liệu QR code (Quick Response, mã phản hồi nhanh), một hình thức thanh toán di động mới, có thể giải quyết bài toán trả tiền ở mọi lúc mọi nơi hay không?

Tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2017 diễn ra vào đầu tháng 11, các nhà cung cấp giải pháp thanh toán, ngân hàng… thừa nhận việc có quá nhiều ứng dụng thanh toán (ví điện tử, ứng dụng di động…) sẽ gây bối rối cho người tiêu dùng. Họ sẽ phải tải về nhiều ứng dụng khác nhau để trả tiền qua smartphone ở những cửa hàng khác nhau.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VietinBank cho rằng cần nghiên cứu và đưa ra một tiêu chuẩn thống nhất về định dạng QR code trong thanh toán di động.

"Khi có một chuẩn QR code chung cho toàn thị trường, các ứng dụng thanh toán di động khác nhau đều có thể đọc hiểu và chấp nhận thanh toán cho một mã QR duy nhất gắn với một sản phẩm hoặc hóa đơn xác định. Điều này về mặt hình ảnh cũng tương tự như việc một máy POS (máy quét thẻ ngân hàng) do một ngân hàng lắp đặt có thể đọc và chấp nhận thanh toán cho các loại thẻ ngân hàng khác nhau", ông nói.

Nếu không có chuẩn chung cho QR code thì hình thức thanh toán này sẽ khó mở rộng vì mỗi nhà cung cấp dịch vụ đang tìm cách “độc chiếm” một góc riêng trên thị trường. Trong khi đó, chỉ với chiếc thẻ tín dụng trên tay, người tiêu dùng có thể ăn bánh pizza, uống cà phê, mua vé xem phim, thanh toán cước taxi… một cách thoải mái, không cần lo nghĩ phải dùng ví điện tử hay mã QR nào.

Mở rộng điểm chấp nhận QR code

Theo số liệu khảo sát của Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam (VnPay), số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR code hiện đạt gần 5.000 điểm, và dự báo đến hết năm 2018 sẽ tăng lên 50.000 điểm. Việt Nam cũng đã có 12 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán này (với phạm vi thanh toán khác nhau).

Tuy nhiên, để hình thức thanh toán di động như QR Pay (thanh toán bằng mã QR) trở nên phổ biến thì vẫn cần phải mở rộng nhiều hơn các điểm chấp nhận QR code.

Mới đây nhất, hãng điện thoại Samsung đã hợp tác với Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam cho ra đời dịch vụ thanh toán bằng hình thức chạm smartphone (Samsung Pay). Dù vậy, người tiêu dùng vẫn chưa thể thanh toán bằng Samsung Pay ở một số cửa hàng do thiết bị POS không tương thích với công nghệ thanh toán không dây Samsung Pay.

Trên thực tế, thanh toán di động thông qua các hình thức trả tiền như QR code, NFC, MST (Magnetic Secure Transmission) của Samsung Pay… có tiềm năng rất lớn tại Việt Nam khi hơn 50% dân số đang sử dụng smartphone, với người dùng trẻ, có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ.

Để thúc đẩy việc phát triển thanh toán di động, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Tiểu ban nghiên cứu thuộc Hội đồng Thanh toán và Công nghệ của ngành ngân hàng để thực hiện nghiên cứu kinh nghiệm triển khai, áp dụng thiết lập chuẩn chung cho thanh toán QR Code tại một số quốc gia trên thế giới, làm cơ sở đề xuất việc xây dựng chuẩn, quy định chung cho thanh toán QR Code tại Việt Nam.

Theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, hiện đã có trên 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Trong 9 tháng đầu năm nay, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt trên 423.000 tỉ đồng; tỷ lệ lần lượt tương ứng đạt 93% và 139% so với năm ngoái.

Một số ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán di động cho việc thanh toán tiền điện, nước, cước phí điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp… Đồng thời, đã có 25 tổ chức (không phải ngân hàng) cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có dịch vụ ví điện tử thông qua Internet và điện thoại di động nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán các giao dịch thương mại điện tử và chuyển tiền nhỏ lẻ.

(Theo TBKTSG)

CHÍ THỊNH