Lối thoát nào cho tình trạng dự án công đội vốn?

Du lịch - Ngày đăng : 08:33, 30/11/2017

Theo Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc chậm thực hiện dự án làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm, trong đó 6,5% do lạm phát và 11,1% do lợi ích của dự án bị mất đi.
Lối thoát nào cho tình trạng dự án công đội vốn?

Triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là việc không còn phải bàn cãi để tạo cơ sở hạ tầng đáp ứng sự phát triển.

Chiều 24/11/2017, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, với 94,3% đại biểu tán thành. 

Theo Nghị quyết, diện tích đất thu hồi gần 5.400 ha, trong đó dành 5.000 ha cho sân bay Long Thành; hơn 282 ha thuộc về khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn; 97 ha của khu tái định cư Bình Sơn; khu nghĩa trang là 20 ha. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành một lần cụ thể mức hỗ trợ đối với hộ gia đình bị ảnh hưởng thu nhập trên cơ sở bảo đảm hài hòa với các dự án đã thực hiện trên địa bàn và hoàn thành trước năm 2021 với tổng mức đầu tư 22.938 tỷ đồng.

Link bài viết

Như vậy, đây là một dự án giải phóng mặt bằng đội vốn liên tục sau mỗi lần báo cáo. Cụ thể, ban đầu UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo hơn 13.000 tỷ đồng, sau đó hơn 18.000 tỷ và con số hiện nay vừa được Quốc hội thông qua là gần 22.938 tỷ đồng.

Nhìn sang những dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM đang thực hiện, cũng thấy tình trạng đội vốn. Các tuyến metro được kỳ vọng là giải pháp giao thông công cộng nhằm giảm ùn tắc cho hai thành phố này nhưng tất cả đều chậm tiến độ và đội vốn. Ở Hà Nội, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đội vốn hơn 50% và tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đã hai lần tăng giá.

Ở TP.HCM, Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên được duyệt với tổng vốn đầu tư 17.400 tỷ đồng vào năm 2007 thì đến năm 2011, được điều chỉnh tăng lên 47.325 tỷ đồng, tức gấp gần 3 lần. Hiện cả ba dự án này vẫn đang thiếu vốn và có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ dù đã liên tiếp... lùi thời gian đi vào vận hành.

Theo Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc chậm thực hiện dự án làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm, trong đó 6,5% do lạm phát và 11,1% do lợi ích của dự án bị mất đi. Tính trung bình, nếu chậm trễ 2 - 3 năm sẽ làm tăng chi phí lên đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính. Chỉ tính sơ qua những dự án nói trên đã thấy con số khổng lồ, nếu không sớm có giải pháp, giám sát và kiểm toán chặt chẽ thì việc các dự án đó tiếp tục đội vốn là điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, các dự án đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn đi vay, áp lực nợ công gia tăng, nếu cứ tiếp tục tăng sẽ đẩy nợ công ngày càng lớn, chất lượng nợ công càng giảm sút. Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 vừa được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2017 thì bội chi năm 2018 là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP và tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước là 363.284 tỷ đồng.

Tình trạng này sẽ khó khắc phục nếu như các quy trình dự án công không tuân thủ nghiêm ngặt các Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư. Quá trình quy hoạch thẩm định phải chặt chẽ. Khi đấu thầu phải chọn nhà thầu có năng lực về tài chính và xây dựng. Bên cạnh đó, để đảm bảo các nguồn chi ngân sách dành cho dự án được sử dụng đúng mục đích, không khai gian dối làm đội vốn sau khi đã duyệt giải ngân.

Kiểm toán Nhà nước cần giám sát chặt chẽ việc kê khai sử dụng vốn của các dự án để kịp thời theo dõi, tư vấn Chính phủ có các biện pháp kịp thời. Lập đoàn công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định. Khi phê duyệt thiết kế, dự toán thì hồ sơ khảo sát của các dự án yêu cầu phải đầy đủ hồ sơ thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình thiết kế, dự toán phải được thẩm tra, thẩm định sát sao.

Khi thẩm tra cần xác định sớm nguyên nhân chậm dự án tại khâu nào, ai chịu trách nhiệm. Tăng cường nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra chặt chẽ, gắn trách nhiệm của các cơ quan chức năng với các dự án khi đã kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Báo cáo về các dự án cũng phải cập nhật những mặt còn tồn tại, nguyên nhân và những sai phạm, xử lý nghiêm những dự án có vấn đề, kể cả những tập thể, cá nhân của các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ thẩm định, kiểm tra nhưng không phát hiện ra vấn đề.

*Tác giả hiện đang công tác tại Đại học Duy Tân

NGUYỄN LÊ ĐÌNH QUÝ*