Cuộc chiến giữa Marvel và DC vẫn tiếp diễn?
Đời thường - Ngày đăng : 01:51, 30/11/2017
Cuộc cạnh tranh trong tháng 11 vừa qua giữa Thor: Ragnarok (khởi chiếu ngày 3/11) của Disney và Marvel Studios (MCU) và Justice League (khởi chiếu ngày 17/11) của DC và Warner Bros. (DCEU) không chỉ là doanh thu phòng vé. Đó là cuộc chiến giành vị thế tối cao của 2 "đại gia" sản xuất phim siêu anh hùng chuyển thể từ truyện tranh.
Ban đầu, phía Warner và DC tỏ ra như vừa dự bữa tiệc do Joker (nhân vật phản diện xuất hiện trong truyện tranh của DC) tổ chức. Bởi Thor: Ragnarok chỉ là nhân vật hạng B, và Warner Bros. hy vọng Justice League sẽ tiếp tục đà thành công của Wonder Woman ở mùa hè rồi với doanh thu 821 triệu USD trên toàn cầu.
"Nếu phim về một nhân vật hạng B (Thor) của Marvel đạt doanh thu cao hơn cả nhóm siêu anh hùng hạng A của DC thì đó sẽ là nỗi nhục lớn", một người trong ekip làm phim Justice League bày tỏ. Với Warner Bros., bom tấn Justice League phải đạt được doanh thu mở màn 110 triệu USD.
Tập hợp đội siêu anh hùng hạng A gồm Batman, Superman, Wonder Woman, Aquaman, Flash và Cyborg với các ngôi sao Ben Affleck, Henry Cavill, Gal Gadot, Ezra Miller, Jason Momoa, Amber Heard, Amy Adams và JK Simmons, thế nhưng Justice League mở màn chỉ đạt 96 triệu USD - thấp nhất trong năm của DC, sau Batman v Superman (166 triệu USD), Suicide Squad (133 triệu USD) và Wonder Woman (103 triệu USD).
Do thay đổi đạo diễn giữa chừng mà chi phí sản xuất lên tới 300 triệu USD, cộng với 150 triệu USD quảng bá, ước tính Justice League phải đạt tổng doanh thu trên 900 triệu USD thì Warner Bros mới hòa vốn. Song đây là điều vô cùng khó khăn khi mùa cuối năm đang có nhiều phim hay ra rạp.
Còn Thor: Ragnarok chỉ tốn 180 triệu USD nhưng đã thu về gần 800 triệu USD trên toàn cầu trong 3 tuần, và tình hình bán vé vẫn khả quan.
Cuộc đối đầu giữa Marvel và DC không chỉ ở các rạp chiếu phim. Hôm 7/11, vài ngày sau khi Thor: Ragnarok đạt doanh thu mở màn 122,7 triệu USD, và MCU chính thức cán mốc 5 tỷ USD doanh thu, trở thành loạt phim đầu tiên đạt được con số ấy, thì DC Comics lôi kéo thành công tác giả Brian Michael Bendis rời khỏi Marvel - nơi ông đã trải qua 17 năm làm việc với những bộ phim ăn khách nhất, bao gồm cả Ultimate Spider-Man và The Avengers.
Đến với DC Comics bằng một hợp đồng dài hạn, tác giả này sẽ tạo ảnh hưởng lớn đối với loạt phim siêu anh hùng DC của Warner Bros. Ban lãnh đạo Marvel rất ngạc nhiên trước sự "phản bội" bất ngờ của Bendis. Còn Reed Tucker - tác giả cuốn Slugfest ghi lại sự cạnh tranh khốc liệt giữa Marvel và DC thì thốt lên: "Tôi rất sốc vì vẫn nghĩ ông ấy sẽ không bao giờ rời khỏi Marvel".
Cảnh trong phim Thor: Ragnarok |
Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty Marvel và DC đã xuất hiện từ những năm 1960, khi Stan Lee của Marvel "đâm thọc" DC trong truyện tranh của mình. Còn năm 2002, Joe Quesada - Tổng biên tập của Marvel đã chế giễu DC dù sở hữu các nhân vật nổi tiếng như Batman và Superman nhưng không mấy thành công.
Những năm gần đây, sự bùng nổ của mạng xã hội đã tạo không gian rộng mở cho fan của Marvel và DC chỉ trích lẫn nhau.
Gần đây, James Gunn - đạo diễn phim Guardians of the Galaxy của Marvel đã phải lên Twitter kêu gọi: "Tại sao các bạn tốn thời gian hùng hổ với nhau như vậy? Thật quá ngớ ngẩn! Xin hãy dừng lại!".
Chris Begley - người sáng lập trang Batman-News cho biết, fan DC phản ứng khá dữ dội với các thông tin tiêu cực về phim DC, như mới đây tin Ben Affleck có thể từ bỏ vai Batman đã khiến hàng chục nghìn độc giả gửi bình luận chỉ trích.
Theo Lauren Gallaway - người điều hành trang web The Marvel Report, vì phim của Marvel luôn thành công nên những người hâm mộ khó tính ít phản ứng tiêu cực với những lời chỉ trích nhắm vào Marvel.
Hiện nay Marvel và DC đang ngày càng mở rộng. Và vũ trụ điện ảnh Marvel đang thắng thế khi phần lớn phim đều thành công thương mại và được giới phê bình khen ngợi, mới nhất là Thor: Ragnarok. DC cũng tạo được cú hích cần thiết với Wonder Woman.
"Nhưng ngoài Wonder Woman, DC vẫn chưa tìm ra công thức để nổi trội", nhà phân tích Jeff Bock của Exhibitor Relations cho biết, "Justice League và toàn bộ vũ trụ điện ảnh DC sẽ có một cuộc khủng hoảng về tên tuổi". Bởi lẽ, mọi bộ phim DC thành hay bại đều rất quan trọng đối với các dự án tương lai và nhất là động lực để xây dựng thương hiệu.
Thực tế, xây dựng thành công một thương hiệu như Marvel không đơn giản. Với nội dung đậm chất giải trí, màu sắc tươi sáng và không quá khó hiểu, phim của Marvel nhắm đến đông đảo khán giả là thanh thiếu niên, nên có độ phổ biến cao.
DC sở hữu lượng nhân vật siêu anh hùng từ truyện tranh không thua kém Marvel, nhưng phim của DC tăm tối và u ám, bạo lực và khó hiểu, do hướng tới người xem đã trưởng thành nên không hấp dẫn như phim của Marvel.
Do Marvel vẫn đang chứng minh được họ, chứ không phải DC, mới là những siêu anh hùng thống trị từ truyện tranh cho đến màn bạc, nên cuộc chiến giữa DC và Marvel chắc chắn còn tiếp diễn, thậm chí ngày càng gay gắt hơn.
(Nguồn: Hollywood Repoter)