Năng suất quốc gia: Bài học từ Singapore

Du lịch - Ngày đăng : 01:29, 05/12/2017

Ở Singapore, ngay từ đầu, vấn đề năng suất của khu vực công đã được quan tâm, chiến dịch về nâng cao năng suất được thực hiện trong tất cả các bộ, ngành.
Năng suất quốc gia: Bài học từ Singapore

Việt Nam cần xây dựng chương trình nâng cao năng suất quốc gia có tính lâu dài. Muốn vậy, cần xác định năng suất lao động là vấn đề mang tính chiến lược với sự cam kết của lãnh đạo cao nhất, tương tự sự quan tâm của Thủ tướng Lý Quang Diệu dành cho "Phong trào năng suất" ở Singapore - một yếu tố quan trọng cho thành công của các chính sách lớn, mang tính bao trùm, tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vực.

Nâng cao năng suất quốc gia phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức của toàn xã hội. Theo kinh nghiệm của Singapore, giai đoạn này cần bảo đảm doanh nghiệp tiếp cận được những hỗ trợ, tư vấn, đào tạo do chính phủ cung cấp.

Bên cạnh các chính sách chung áp dụng cho nền kinh tế, cần lựa chọn những ngành, lĩnh vực ưu tiên để tập trung nguồn lực nhằm đẩy nhanh tốc độ cải tiến năng suất. Phải biến các giải pháp tăng năng suất trở thành nhu cầu tự thân của doanh nghiệp, của người lao động, đồng thời phải hình thành được đội ngũ chuyên gia tư vấn về quản lý, năng suất, kỹ năng đáp ứng yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp.

Link bài viết

Việt Nam phải xây dựng được khung thể chế đủ năng lực điều phối và thực hiện chính sách năng suất quốc gia được thực thi trên thực tế tại các tổ chức và doanh nghiệp. Trong đó, quan trọng nhất là phải hình thành một cơ quan quốc gia về năng suất với vị thế và tiềm lực đủ mạnh.

Kinh nghiệm từ Singapor là trên cơ sở một "đơn vị năng suất" ban đầu trực thuộc Cơ quan Phát triển kinh tế Singapore, Cơ quan Năng suất Singapore được thành lập trực thuộc Bộ Nhân lực, được giao triển khai "Phong trào năng suất" quốc gia. Điều này cho thấy Chính phủ Singapore đánh giá cao tầm quan trọng của vấn đề năng suất và kết quả của việc triển khai các chính sách về năng suất trên thực tế.

Cạnh đó, khi xây dựng chính sách về năng suất quốc gia phải bảo đảm "tiếng nói" đầy đủ từ chính phủ, doanh nghiệp và người lao động (công đoàn). Hội đồng Năng suất Quốc gia Singapore - cơ quan chính sách cấp cao nhất do một bộ trưởng làm chủ tịch, cùng với sự tham gia của khoảng 20 thành viên từ các cơ quan chính phủ, giới doanh nghiệp, công đoàn và các nhà khoa học.

Đến năm 2010, Hội đồng Quốc gia về năng suất và giáo dục thường xuyên do một Phó thủ tướng Chính phủ Singapore làm Chủ tịch. Các chính sách, cơ chế được xây dựng trên sự tham gia mạnh mẽ và hỗ trợ của ba bên: khu vực công, công đoàn và doanh nghiệp. Điều này đã tạo ra sự đồng thuận về mặt chính sách, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.

Cơ cấu này cũng bảo đảm sự tham gia tối đa của khu vực tư nhân vào các sáng kiến chính sách. Ví dụ, sự kết nối giữa Cơ quan Phát triển kinh tế Singapore và các doanh nghiệp lớn của Singapore đã hình thành được đội ngũ chuyên gia tư vấn tư nhân. Đây chính là những nhân tố tạo điều kiện cho "Phong trào năng suất" duy trì trong dài hạn, hay nói cách khác là bảo đảm tính bền vững của chính sách.

Việt Nam cần thành lập một hội đồng quốc gia về năng suất do Thủ tướng làm chủ tịch, thành viên gồm đại diện các bộ, ngành liên quan, Tổng Liên đoàn Lao động và các chuyên gia, nhà khoa học uy tín. Kế đến là thành lập cơ quan chịu trách nhiệm về triển khai thực hiện chính sách năng suất, tương tự Cơ quan Phát triển kinh tế Singapore của Singapore, có thể trên cơ sở Viện Năng suất Việt Nam.

Chương trình nâng cao năng suất phải được thực hiện ở cả khu vực công. Hiện nay, khái niệm năng suất chủ yếu gắn với khu vực doanh nghiệp. Trong khi ở Singapore, ngay từ đầu, vấn đề năng suất của khu vực công đã được quan tâm, chiến dịch về nâng cao năng suất được thực hiện trong tất cả các bộ, ngành. Điều này giúp tạo nhận thức chung và đồng thuận trong xã hội, rằng việc nâng cao năng suất quốc gia thực sự là việc của mọi tổ chức, cá nhân. Ngược lại, hiệu quả hoạt động của khối hành chính, dịch vụ công cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất thực tế của doanh nghiệp.

TS. CAO NGỌC LÂN