Khởi nghiệp ngành kiến trúc: Hành động vì kiến trúc vị nhân sinh
Start up - Ngày đăng : 06:41, 09/12/2017
KTS. Shigeru Ban - người được trao giải Priztker 2014 - giải thưởng được mệnh danh là "Nobel của ngành kiến trúc" đã đến Việt Nam chia sẻ triết lý nhân đạo trong nghề nghiệp và tài năng sáng tạo tại sự kiện "Kiến trúc và hoạt động vị nhân sinh" cuối tuần rồi.
"Nhà tạm bợ"của sinh viên đoạt giải Kiến trúc vị nhân sinh
Giải pháp thiết kế của tác giả Nguyễn Việt Tiến (Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) đã được trao giải đặc biệt trong cuộc thi "Giải pháp nhà ở cho vùng thiên tai" do TOTO Việt Nam phối hợp với các trường đại học có đào tạo ngành kiến trúc tổ chức.
Giải thưởng đặc biệt này do KTS. Shigeru Ban lựa chọn và trao tặng. Tác phẩm được đánh giá cao ở sự sáng tạo, tính linh động và dễ thực hiện trong việc dựng lại chỗ ở cho người dân vùng thiên tai. "Nhà tạm bợ" được tác giả đưa ra mô hình thiết kế bằng vật liệu rất dễ mua là các giàn giáo làm bằng sắt và các tấm đan tre, ráp lại để thành một căn nhà tạm, có thể sử dụng nhiều lần hoặc tái sử dụng vào việc khác. "Nhà tạm bợ" được đánh giá không chỉ giản tiện, dễ làm, thân thiện môi trường mà còn có tính thẩm mỹ và mang bản sắc Việt Nam.
Cuộc chia sẻ của KTS. Shigeru Ban do Toto Việt Nam phối hợp với các trường đại học tổ chức thu hút khoảng 1.500 sinh viên và những người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc. KTS. Shigeru Ban cho rằng một công trình kiến trúc bền đẹp chưa thể hiện hết giá trị mà nó còn phải mang nhiều yếu tố vị nhân sinh để đạt tới một tác phẩm hoàn hảo.Kiến trúc sư Shigeru Ban không chỉ là bậc thầy sáng tạo với những công trình nhà ở, bảo tàng, nhà triển lãm và nhà hát có quy mô lớn và thiết kế độc đáo trên toàn thế giới, mà còn là kiến trúc sư tài năng theo đuổi con đường thiết kế rất riêng biệt. Bằng những chất liệu độc đáo, tiết kiệm và mang tính sinh thái, ông đã đưa ra những giải pháp nhà ở thiết thực cho cộng đồng, những người vô gia cư và mất nhà cửa sau thiên tai, thảm họa.
Ý tưởng sử dụng vật liệu tái chế cho các công trình vùng thiên tai đã được ông áp dụng trong suốt 30 năm qua. Những công trình của Shigeru Ban trên khắp thế giới luôn tiên phong trong lối kiến trúc tối giản và phương pháp thực nghiệm, vượt qua các định nghĩa thông thường về vật liệu sử dụng (ống giấy, carton tái chế) nhưng kết cấu công trình vẫn đảm bảo bền vững, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. "Nhiều người phải chịu khó khăn sau thảm họa, nếu chính phủ cung cấp cho họ những ngôi nhà tạm với cơ sở nghèo nàn thì tôi muốn họ cảm thấy yêu thích khi sống trong những ngôi nhà độc đáo".
Ông cho rằng các kiến trúc sư có thể đóng góp cho xã hội bằng thiết kế riêng của mình, thay vì xây nên các tòa nhà lớn, những tượng đài cho đô thị và giúp các nhà đầu tư kiếm tiền từ xã hội.
Rất nhiều công trình và kinh nghiệm xây dựng của Nhật Bản trở thành hình mẫu học hỏi cho các kiến trúc sư Việt Nam, đặc biệt công trình nhà tạm cho người Việt Nam sau trận động đất Kobe năm 1995. Tài năng, sự sáng tạo và những thành quả của Shigeru Ban là nguồn cảm hứng học tập của giới sinh viên cũng như người hành nghề kiến trúc.
Theo KTS. Nguyễn Thu Phong, là một quốc gia chịu nhiều thiên tai nhưng kiến trúc vị nhân sinh Việt Nam chưa mạnh mẽ. Trong suốt thập niên 1990 đến đầu những năm 2000, giới chuyên môn từng tập trung vào các cuộc thi thiết kế nhà ở, như nhà thông minh chống lũ, nhà ở lắp ghép giá rẻ cho công nhân, kiến trúc nhà cộng đồng cho các dân tộc thiểu số...
Tuy nhiên các hoạt động này chưa nhiều và chưa ứng xử mạnh mẽ thành một tác phong nghề nghiệp một cách đầy trách nhiệm. Các thể loại kiến trúc này mới giải quyết các đơn đặt hàng riêng hoặc xuất phát từ sự thiện nguyện của các kiến trúc sư và nhóm xã hội, chủ yếu cho thể loại nhà ở cộng đồng hay không gian sinh hoạt văn hóa chung.
Theo ông Phong, trước những vấn đề cấp bách do biến đổi khí hậu, KTS Việt Nam chưa có những hành động kịp thời ứng cứu do chưa có được quán tính tương trợ, cứu trợ có công trình kiến trúc vị nhân sinh một cách chuyên nghiệp, mặt khác tính chủ động của các tổ chức dân sự mang tính tình nguyện chưa cao, chủ yếu thông qua cơ chế chính quyền. Kiến trúc vị nhân sinh chú trọng đến những đối tượng yếm thế dễ bị tổn thương, họ là những người đầu tiên hứng chịu thiên tai nhưng khó phục hồi cuộc sống trong thời gian ngắn.
Ông Phong cho rằng, việc thúc đẩy kiến trúc vị nhân sinh không chỉ thể hiện trách nhiệm nghề nghiệp mà còn là sân chơi khẳng định tài năng của giới KTS. Ông kêu gọi những hành động cụ thể giúp sức cộng đồng như nghiên cứu các đặc thù xây dựng và vật liệu công nghệ địa phương một cách kinh tế nhằm tái thiết các công trình dân sinh cho người dân nghèo, đáp ứng số đông lớn nhất trong điều kiện kinh phí hạn chế. Xây dựng các chương trình nghiên cứu, các cuộc thi, giải pháp cụ thể cho việc nghiên cứu các mẫu nhà ở nông thôn, nhà xây nhanh và rẻ tiền cho người dân sau thiên tai.